Davos 2014 tiếp tục kêu tái thiết thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 05:01, 13/02/2014
Như một sự kiện đã trở thành thông lệ, hội nghị thường niên lần thứ 44 của diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF) đã diễn ra tại Davos (Thụy sĩ), với sự tham gia của hơn 2.500 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp, chính phủ của hơn 100 quốc gia.
Với chủ đề “Tái thiết thế giới: hậu quả đối với xã hội, chính trị và kinh doanh”, hội nghị lần này tập trung bàn thảo độ phức tạp và tính kết nối của một thế giới thay đổi không ngừng nghỉ, một thế giới mà những lực đẩy về kinh tế, chính trị, xã hội và trên tất cả là công nghệ đã và đang định hình lại cuộc sống của con người và các định chế toàn cầu.Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ).
Về chính trị, Davos 2014 mang lại một số thông điệp khá lạc quan về hy vọng hòa bình từ các nhà lãnh đạo, đặc biệt là cho khu vực Trung Đông. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gửi đến các quốc gia láng giềng và quốc tế một thông điệp mang tính hữu nghị, hội nhập, hợp tác và hòa bình.
> Diễn đàn kinh tế Davos: Lo ngại chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi > Davos nóng bỏng với chủ đề ngân hàng |
Ông còn nhấn mạnh đến tham vọng tạo tiền đề biến quốc gia này trở thành 1 trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong các năm tới. “Chúng tôi mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn và hòa bình với tất cả. Tôi muốn đưa Iran hội nhập vào cộng đồng quốc tế với tư cách là một nhân tố năng động và hòa bình”, Hassan nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã ca ngợi những bước tiến gần đây với Iran và kỳ vọng khu vực này sẽ trở nên an toàn hơn. Ông hứa sẽ nỗ lực để thúc đẩy hòa bình giữa Israel với Palestine.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế khi cho rằng tính ổn định của kinh tế sẽ đóng góp quan trọng vào hòa bình. Theo ông, Palestine và các quốc gia Ả Rập khác sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế của Israel.
Các nhà lãnh đạo tham gia Davos lần này cũng kêu gọi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với vai trò là Chủ tịch nhóm G20, Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng nhóm này sẽ tập trung vào các chính sách thúc đẩy thương mại toàn cầu, chống chủ nghĩa bảo hộ và cải thiện hệ thống thuế theo hướng công bằng hơn. Ngoài ra, G20 cũng sẽ thảo luận về các cách thức gia tăng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và tái lập các luật lệ tài chính nghiêm khắc hơn.
Hiện nay, thế giới thiếu hụt vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo công ty tư vấn McKinsey, thế giới cần đến 57.000 tỉ USD đề đầu tư vào các dự án hạ tầng cho giai đoạn 2013 -2030, tức nhiều hơn 3 lần con số 18.000 tỉ USD mà thế giới đã đầu tư trong 18 năm qua.
Những người tham gia Hội nghị cũng kêu gọi các nước thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn tài trợ dễ dàng hơn. Đây được xem là khu vực tạo ra việc làm chủ chốt, đặc biệt là cho thế hệ thanh niên và cho cả phụ nữ ngoài tuổi thanh niên.
Một vấn đề nổi cộm khác được bàn thảo sâu tại Davos lần này là bất bình đẳng thu nhập, một thách thức đang có xu hướng ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Báo cáo của Oxfam International cho thấy gần một nửa tổng số tài sản thế giới được sở hữu chỉ bởi 1% dân số toàn cầu và 85 người giàu nhất đang có tổng giá trị tài sản bằng với gần 3,5 tỉ người nghèo nhất trên hành tinh, một mức chênh lệch có thể nói là khủng khiếp. Tuy vậy, việc giải quyết thách thức này sẽ không dễ và cần nhiều thời gian cũng như sự hợp tác mang tính toàn cầu.
Cuối cùng, một chủ đề được bàn thảo sôi nổi tại Davos lần này là tác động của công nghệ cũng như rủi ro của chúng đối với nhân loại. Theo bà Marissa Mayer, Tổng Giám đốc của Yahoo!, những đột phá về công nghệ đã tác động rất tích cực đến xã hội loài người, nhưng bà cũng thừa nhận những rủi ro do chúng tạo ra.
Ngoài ra, hiện đã xuất hiện một nỗi lo liên quan đến công nghệ. Đó là về viễn cảnh Robot và các công nghệ khác đang phá hủy việc làm của con người trong sản xuất, quản lý thông tin và cả dạy học khi các sinh viên hiện tiếp cận các tài liệu trực tuyến nhiều hơn. “Dường như phần mềm đang nuốt dần thế giới này”, Giáo sư Erik Brynjolfsson, Trường Quản lý Kinh doanh Sloan thuộc Đại học MIT, cảnh báo.