5 giải pháp hạn chế rượu bia ở Việt Nam

Trong nước - Ngày đăng : 05:52, 16/02/2014

Việt Nam hiện giữ vị trí thứ nhất về tiêu thụ bia ở khu vực Đông Nam Á, chiếm vị trí thứ ba ở châu Á và nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới trong những năm qua.
5 giải pháp hạn chế rượu bia ở Việt Nam

Trong hai năm liên tục 2012 và 2013, lượng bia tiêu thụ của Việt Nam luôn giữ “phong độ” ở con số trên dưới 3 tỷ lít. Trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 32 lít bia trong năm.

Với những “thành tích” trên, Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ nhất về tiêu thụ bia ở khu vực Đông Nam Á, chiếm vị trí thứ ba ở châu Á và nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới trong những năm qua.

Nếu chiếu theo điều tra của Thrillist, chuyên trang tư vấn về mua sắm, tiêu dùng và du lịch dành riêng cho nam giới tại Mỹ thì 3 tỷ lít bia tính theo giá thị trường Việt Nam phải tương ứng 4,56 tỷ USD.

Việt Nam giữ vị trí thứ nhất về tiêu thụ bia ở khu vực Đông Nam Á, chiếm vị trí thứ ba ở châu Á và nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới trong những năm qua

Được xây dựng trên quan điểm Nhà nước không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu bia; mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của lạm dụng rượu bia; việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu bia được kiểm soát toàn diện, đồng bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Quyết định 244 (do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 12/2/2014) về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác (sau đây gọn là rượu bia) đến năm 2020 đặt ra 5 giải pháp thực hiện.

Các giải pháp này tập trung vào việc kiểm soát nhu cầu sử dụng, kiểm soát việc cung cấp, giảm tác hại của việc lạm dụng rượu bia…

1. Kiểm soát nhu cầu sử dụng

Gồm có kiểm soát sử dụng; kiểm soát chặt quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi; áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm sử dụng, hạn chế buôn lậu; có chính sách phù hợp khi tham gia đàm phán, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thương mại.

Trong kiểm soát việc sử dụng có các biện pháp sau đây:

- Tăng cường thực hiện và kiểm tra, xử lý vi phạm quy định cấm sử dụng rượu bia trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn trưa và ngày trực. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời tổ chức và giám sát việc thực hiện.

- Tăng cường biện pháp phòng ngừa người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ, người đang có bệnh lý sử dụng rượu bia. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia hạn chế, tiến tới không sử dụng người lao động dưới 18 tuổi.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông là một trong năm giải pháp hạn chế tác hại cho xã hội. Ảnh: HTD

- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông.

- Tăng cường phát động cộng đồng không lạm dụng rượu bia trong đám tang, lễ hội, đám cưới; hộ gia đình không nấu rượu; gia đình và khu dân cư không có người nghiện rượu bia…

Liên quan đến việc quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi: Ngoài việc tăng cường kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên, tới đây còn có việc cấm toàn diện đối với rượu bia từ 15 độ trở lên hoặc có sự điều chỉnh phù hợp đối với rượu bia dưới 15 độ.

2. Kiểm soát việc cung cấp

Một trong các nội dung quan trọng của việc kiểm soát này là quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu bia trong cả nước và từng địa phương.

Song song đó là việc kiểm soát kinh doanh rượu thủ công (như quản lý chặt việc cấp phép; xây dựng cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia làng nghề ở các địa phận có làng nghề); kiểm soát việc ghi nhãn rượu bia; kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia.

Đáng lưu ý, sẽ có việc tính toán lượng rượu bia tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ; không bán rượu bia cho người có biểu hiện say xỉn; không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai; từng bước hạn chế việc bán rượu bia tại một số thời điểm thích hợp trong ngày…

3. Giảm tác hại của việc lạm dụng

Với giải pháp này, các cơ quan chức năng sẽ tính đến quy định in thông tin về tuổi, đối tượng không được sử dụng và cảnh báo tác hại của rượu bia trên nhãn sản phẩm.

Bên cạnh việc được giảng dạy tác hại, học sinh-sinh viên còn được nhà trường hướng dẫn kỹ năng từ chối uống rượu bia.

Riêng người nghiện rượu bia sẽ được lực lượng y tế chủ động tiếp cận, tạo thuận lợi để được can thiệp sớm, điều trị cai nghiện tại cộng đồng và phòng, chống tái nghiện.

4. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế

Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia có thể sẽ được Chính phủ nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành.

Chưa hết, các cơ quan thẩm quyền có thể sẽ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội cho phép thu một khoản đóng góp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia hoặc phương thức đóng góp phù hợp khác để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia.

5. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Để phục vụ việc xây dựng các quy định phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ hình thành và duy trì hệ thống thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu cần thiết.

Các chính sách can thiệp giảm tác hại của lạm dụng rượu bia cũng sẽ được kịp thời điều chỉnh dựa trên cơ sở giám sát và đánh giá hiệu quả thực hiện.

Các giải pháp trên nhằm thực hiện 7 mục tiêu, trong đó có việc giảm dần, tiến tới chấm dứt việc lưu thông rượu bia “dỏm” trên thị trường; giảm mức gia tăng tỷ lệ tiêu thụ rượu bình quân/người trưởng thành/năm (quy đổi theo rượu nguyên chất) từ 12,1% giai đoạn 2007-2010 xuống còn 10% giai đoạn 2013-2016 và 6,5% giai đoạn 2017-2020. Kế đến là phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế người dưới 18 tuổi và các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận, sử dụng rượu bia; phòng ngừa bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng do lạm dụng rượu bia.

Mức lạm dụng tính theo đơn vị rượu

Đơn vị rượu là đơn vị đo lường để quy đổi rượu bia và đồ uống có cồn khác, tương đương với 10 gr etanol nguyên chất chứa trong dịch uống (khoảng 2/3 chai bia 500 ml hoặc một lon bia 330 ml 5%, một cốc bia hơi 330 ml, một ly nhỏ 100 ml rượu vang 13,5%, một chén 30 ml rượu mạnh 40%-43%).

Người dưới 60 tuổi bị xem là lạm dụng rượu bia nếu uống trên 21 đơn vị rượu/tuần, hơn ba đơn vị rượu/ngày, hơn một đơn vị rượu/giờ. Người từ 60 tuổi trở lên xem là lạm dụng rượu bia nếu uống hơn 14 đơn vị rượu/tuần, hơn hai đơn vị rượu/ngày, hơn 1/2 đơn vị rượu/giờ.