Vác mai đi đào Bitcoin

Du lịch - Ngày đăng : 07:20, 12/03/2014

Một trong những chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo giới nhất gần đây là Bitcoin, một loại tiền ảo bí ẩn.
Vác mai đi đào Bitcoin

Một trong những chủ đề tốn nhiều giấy mực của báo giới nhất gần đây là Bitcoin, một loại tiền ảo bí ẩn. Bí ẩn từ cách sản sinh, cách vận hành, nắm bắt các giao dịch của đồng tiền này. Và ngay cả danh tính của người khai sinh ra nó cũng thế.

Đức là quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ.
>Việt Nam không chấp nhận bitcoin là tiền tệ
>Đã tìm được "cha đẻ" của đồng Bitcoin?
>
Câu chuyện đằng sau đồng tiền Bitcoin
>10 điều bạn chưa biết về tiền ảo Bitcoin
>
Tiền ảo Bitcoin: Trung Quốc hào hứng, Mỹ mù mờ

Có người cho rằng Bitcoin được sản sinh ra vào cuối năm 2008 bởi một hacker có tên là Satoshi Nakamoto. Có người lại nói đó là tên viết tắt của 4 tập đoàn công nghệ lớn là Samsung, Toshiba, Nakamichi và Motorola.

Theo bài báo đăng trên The New Yorker vào năm 2011, nhà báo Joshua Davis cho rằng Satoshi Nakamoto có thể là nhà xã hội học người Phần Lan Vili Lehdonvirta hoặc chuyên gia Anh Michael Clear, người tốt nghiệp ngành mã khóa học ở Trinity College Dublin. Tất cả những người bị “tình nghi” đều đã lên tiếng phủ nhận.

Trước đây, Satoshi liên lạc với mọi người qua email 2 tuần/lần. Sau khi Bitcoin ra mắt người sử dụng, sự liên hệ với nhân vật vốn dĩ bí ẩn này càng hạn chế, sau đó hoàn toàn không nghe thông tin gì nữa về người này vào khoảng giữa năm 2010. Trong khi đó, giá trị của đồng Bitcoin thì ngày càng tăng vọt và vì thế, một số người cho rằng Satoshi có thể là người cực kỳ giàu có.

Bitcoin là tiền ảo, không thể cầm nắm như tiền giấy hay vàng vật chất. Đồng tiền này được cho là sinh ra bằng các thuật toán cao cấp phức tạp.

Giả sử một giao dịch trên internet tính theo hệ nhị phân sẽ quy ra mỗi giao dịch là một ID (số nhận diện) như 01011010101010001 hay 10110110100010011. Và giả sử Satoshi quy định những mã giao dịch có ID đặc biệt như 11111111111111111 sẽ sinh ra một Bitcoin.

Giả định chuỗi ID có một độ dài nhất định do Satoshi quy định thì theo nguyên tắc chỉnh hợp lặp chập, bao nhiêu ký tự trong chuỗi bao nhiêu số cũng chỉ sinh ra tối đa 21 triệu đơn vị Bitcoin. Giới hạn này đã giúp Bitcoin giữ giá, tránh bị khai thác một cách quá mức.

Hành động sinh ra Bitcoin gọi là “đào” (mining). Để đào Bitcoin, cần có CPU và Card màn hình, giá dao động khoảng 30 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn để tăng năng suất “đào”.

Vì là một tập tin nên Bitcoin có khả năng sao chép. Do đó, để tránh việc một đồng bị dùng nhiều lần, cộng đồng Bitcoin sẽ phải công khai trên trang BlockChain.info, được ví như sổ cái, ghi lại toàn bộ giao dịch của đồng Bitcoin. Và do có tính khan hiếm nên những tập tin đặc biệt ấy được “quý như vàng”.

Bitcoin được xem như tiền và cũng có thể được xem như hàng. Giao dịch Bitcoin đầu tiên trên thế giới là giữa lập trình viên Laszlo Hanyecz với một tình nguyện viên lập trình ở Anh vào năm 2009.

Laszlo đã gửi cho tình nguyện viên này 10.000 Bitcoin qua hệ thống máy tính. Tình nguyện viên này sau đó đã mua cho Laszlo 2 chiếc bánh pizza từ tiệm Papa Johns trị giá 25 USD.

Như vậy, khi đó, 400 Bitcoin đổi được 1 USD. Hai chiếc pizza do Laszlo mua hồi năm 2009 nếu tính theo giá trị của Bitcoin tại thời điểm cao nhất đã lên tới... 12 triệu USD. Trong trường hợp này, Bitcon đóng vai trò là tiền.

Còn chủ quán pizza kia, khi cần tiêu xài ở nơi không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin thì sẽ phải thực hiện giao dịch để chuyển Bitcoin thành USD, hay một đơn vị tiền tệ nào đó. Trong trường hợp này, Bitcoin đóng vai trò là hàng.

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng giao dịch bằng Bitcoin không đáng tin cậy và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng một số nước đã chấp nhận hoặc đang cân nhắc cho phép sử dụng đồng Bitcoin. Đức là quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ.

Tại Việt Nam, dù Ngân hàng Nhà nước không công nhận đồng tiền ảo này, vẫn có không ít người đang tìm đến với thú vui Bitcoin và lác đác có vài cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.

Một diễn đàn dành cho các bậc cha mẹ đã treo banner trên website của mình là “Bitcoin accepted here” (nơi đây nhận thanh toán bằng Bitcoin). Một quán cà phê có tên Yolo Coffee ở Hà Nội cũng tham gia trào lưu này.

Dù có khả năng thanh khoản, nhưng Bitcoin lại mang tính chất của sàn giao dịch chứng khoán. Nghĩa là, cũng một đồng Bitcoin, nếu nhiều người đổ xô nhau đi mua thì nó sẽ lên giá và ngược lại.

Một người quen của người viết đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng tiền mua CPU và Card màn hình. Sau khi đã “đào” được hơn 1 tháng, người này cho biết “doanh thu” tháng đầu tiên ước chừng 100 triệu đồng và sau khoảng 3 tháng sẽ có thể lấy lại vốn.

Nhưng cũng lưu ý một điều rằng khoản doanh thu 100 triệu ấy chưa hề bán ra. Khi bán ra sẽ phải tính theo thời giá lúc “khớp lệnh” giống như trên sàn chứng khoán. Vì vậy, con số 100 triệu đồng này vẫn chỉ là “bánh vẽ” và câu chuyện sau 3 tháng thu hồi vốn là hồi sau sẽ rõ.