Công thức nào để game Việt có chỗ đứng vững chắc?
Công nghệ - Ngày đăng : 09:39, 13/03/2014
Việc tự sản xuất game và làm chủ công nghệ làm game luôn là giấc mơ cháy bỏng của làng game Việt. Tuy nhiên, cơ hội phát triển sẽ chỉ đến một khi các nhà phát triển, phát hành, giới truyền thông và cộng đồng biết cách bắt tay nhau.
Flappy Bird là một hiện tượng gây chấn động làng game thế giới |
Giấc mơ game Việt trên thị trường mobile
Trước đây, làng game Việt đã có những thử nghiệm đầu tiên như Thuận thiên kiếm và 7554. Hai tựa game này chính là những bước đi đầu tiên của người Việt vào mảnh đất được cho là cực kỳ màu mỡ nhưng cũng rất khó khai phá của ngành công nghiệp game. Tuy vậy, các sản phẩm tiên phong này liên tục gặp khó khăn và phải dừng hoạt động đã cho thấy độ khó của việc làm nên một game PC hoàn chỉnh quá cao so với khả năng hiện tại.
Tuy vậy, trong thị phần game mobile, các nhà phát triển vẫn kiên trì bám trụ với lợi thế công nghệ phổ biến của smartphone và phát triển dự án đơn giản hơn so với PC. Bên cạnh đó, việc khai thác thị phần di động, nơi đang có "triệu người bán, tỉ người mua", phần trăm cơ hội sẽ trở nên nhiều hơn so với khả năng và tiềm lực của các nhà phát triển game Việt.
Mới đây, sau thành công mang tính "xưa nay hiếm" của Flappy Bird, và School cheater - tựa game của Bưởi Studio - lọt vào Top 11 của cuộc thi Game Development World Championship 2013, giấc mơ game thuần Việt đang tỏ ra khả thi hơn bao giờ hết trên thị trường mobile.
Về kỹ thuật, người Việt hoàn toàn có thể làm ra một game hay
Rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam từ lâu đã là đối tác gia công game cho các hãng lớn như Koei, Microsoft Game Studios... Hay trong số khá nhiều studio game và các nhóm phát triển ứng dụng người Việt, đã có khá nhiều tựa game được đưa ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, trước khi xảy ra hiện tượng Flappy Bird, lại ít có người Việt nào chịu để ý tới và cổ vũ cho "gà nhà".
Ví dụ như Pine Entertainment, một studio tại TP.HCM được thành lập năm 2012, đã có tựa game Pocket army nằm trong top những game được xếp hạng cao nhất trên Windows Phone Store với 4,5 sao sau 3.118 lượt bình chọn. Thứ hạng ngang bằng với cả những game của các ông lớn như Where's my water 2 hay Plants vs. zombies.
Tương tự như Pocket army, tựa game mới nhất của studio này là Pocket avenger cũng đã chọn hướng đi hết sức thực tế khi phát triển trên mảnh đất ít người khai phá là Windows Phone, sau đó mới di chuyển lên nền tảng iOS.
Nếu tính về số lượng, studio DivMob đang nắm trong tay một lượng kha khá lên đến 10 game đã được phát hành trên Android và iOS. Lướt qua các tựa game này, có thể thấy DivMob đã có sự đầu tư khá kỹ càng về đồ họa cũng như lối chơi cho các sản phẩm, đủ các thể loại - từ infinite running, thủ thành, chiến thuật, arcade cho đến đi cảnh màn hình ngang. Trong đó, được yêu thích nhất chính là tựa game hành động "chặt chém" Ninja revenge, đạt 4 sao với gần 45.000 lượt bình chọn của người dùng Android.
Một vài ví dụ ở trên được đưa ra để cho thấy ngành game Việt đang không thiếu những người dám tiếp cận với thị trường game mobile thế giới. Tuy nhiên, cái mà nền game Việt còn thiếu là một sự gắn kết giữa người đề ra ý tưởng, người gia công và nhà phát hành.
Đối với mobile, điều này đơn giản hơn vì ít người vẫn có thể kiêm nhiệm được công việc của các đối tượng này. Nguyễn Hà Đông đã thành công với Flappy Bird khi tự mình đảm nhiệm 2 trong 3 đối tượng đó. Anh vừa là người đề ra ý tưởng độc đáo và phù hợp với thị hiếu người dùng, nói cách khác là ý tưởng thành công. Và chính anh đã tự lập trình game trong 3 ngày để ra mắt sản phẩm, tức là hoàn tất phần gia công - chuẩn hóa. Việc duy nhất anh không làm là phát hành vì đã có những kênh phát hành chính thức riêng cho Android và iOS.
Nếu biết cách bắt tay nhau, game Việt sẽ có chỗ đứng vững chắc
Ông Hoàng Nhật Minh, Phó trưởng văn phòng phía Nam của VTC Game, cho biết. “Câu chuyện người Việt làm game hay người Việt chơi game Việt là thực tế chứ không còn là thì tương lai nữa. Tuy nhiên muốn cho các game mobile Việt thành công ở ngay chính sân nhà thì còn là một bài toán đối với các studio, các nhà phát hành, đơn vị phân phối và cộng đồng Việt”.Ninja revenge của Divmob được yêu thích nhờ đồ họa tốt và thể loại hành động - Ảnh: Ggpht
Có thể thấy, người Việt không thiếu ý tưởng độc đáo cũng như mới lạ dành cho game, cái bị thiếu là một sự hợp tác đắc lực của các nhà gia công, các nhà phát hành để cung cấp công cụ cần thiết giúp ý tưởng bay cao. Nếu biết cách bắt tay nhau, người Việt sẽ sớm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường game mobile thế giới.
"Người làm phân phối nên tập trung vào các kênh phân phối của mình, hỗ trợ cho các nhà phát hành sản phẩm Việt. Cũng như Apple, Google hay các cổng game ở Trung Quốc, họ cũng chỉ tạo ra một chợ ứng dụng và phân phối chứ không chuyển hướng kinh doanh khác, như vậy sẽ giữ vai trò trung lập", ông Hoàng Nhật Minh cho biết thêm.
Một ví dụ cho sự hợp tác giữa nhà phát triển và phát hành game là Tem phép thuật, sản phẩm của hai nhà phát triển game Việt tại AVA Studio, đã được VTC Game sớm hỗ trợ, định hướng hoàn thiện và lo luôn khâu phát hành. Hiện tại, tựa game này đang trong giai đoạn Alpha test và sẽ Beta vào cuối tháng 2.2014.
Mặt khác, đối với cộng đồng người tiêu dùng Việt cũng đóng góp một phần rất lớn với các sản phẩm Việt "chơi thử, cảm nhận và đóng góp xây dựng. Nếu không nói quá thì người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, từ đó nguồn doanh thu sẽ được giữ lại trong nước mà không bị chảy vào túi các cường quốc game khác trên thế giới".
Cuối cùng, đoàn kết là lời giải cho bài toán người Việt dùng hàng Việt và xa hơn thế là bài toán thị trường thế giới, khi mà internet đã tạo ra một không gian phẳng, thị trường phẳng và không có biên giới. Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trên sân chơi chung nhưng muốn thành công thì trước tiên nội bộ chúng ta phải đoàn kết ủng hộ lẫn nhau, nếu không thì thành công cũng chỉ vụt sáng rồi lại tắt lịm.