Triển khai Thông tư 02: Thực tế điều chỉnh quyết tâm
Du lịch - Ngày đăng : 08:06, 20/03/2014
Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 23/4/2012. Chín tháng sau, NHNN văn bản hướng dẫn phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro (Thông tư 02/2013).
Thông tư 02/2013 động chạm trực tiếp đến những vấn đề cốt lõi nhất trên thị trường tài chính, như phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn quốc tế.
Theo lộ trình, Thông tư 02 được áp dụng từ tháng 6/2013. Trong bối cảnh nợ xấu của một số tổ chức tín dụng đã vượt qua phần vốn, nếu áp dụng chuẩn quốc tế, khối lượng nợ xấu sẽ rất lớn, có thể gây đổ vỡ hệ thống. Ngân hàng Nhà nước quyết định lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 đến tháng 6/2014 để xử lý nợ xấu, trong đó có việc cho ra đời Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Thị trường tài chính Việt Nam năm 2014 vẫn khó được cải thiện. Tất cả những vấn đề đã xuất hiện và đã xử lý trong năm 2013 vẫn tiếp tục phải làm trong năm 2014. Những cái trước đây che giấu được thì đến nay đang dần bộc lộ, nên vấn đề thì vẫn còn đấy nhưng càng ngày càng khó xử lý hơn.
Nếu cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, khối lượng nợ xấu sẽ vẫn rất lớn, mức trích lập dự phòng lớn, tài chính Việt Nam tiếp tục đứng trước mối đe dọa cũ và tình trạng lại giống như năm 2013.
Ngân hàng Nhà nước đứng trước hai lựa chọn. Một là tiếp tục lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 do nợ xấu đã giải quyết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Hai là sửa các quy định theo hướng giảm bớt các điều kiện về phân loại nợ cũng như trích lập dự phòng rủi ro theo chuẩn quốc tế và thay vào đó là nội dung phân loại nợ của Quyết định 780.
Chịu tác động của Thông tư 02 có 4 đối tượng chính, song quan điểm chủ đạo là áp dụng càng chậm càng tốt. Thứ nhất, các tổ chức tín dụng, đối tượng bị áp dụng năm ngoái đã đấu tranh để lùi thời hạn một năm để xử lý nợ xấu. Cuối năm 2013, nhiều tổ chức tín dụng đề xuất phương án tiếp tục lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 sang năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc kéo dài vô thời hạn.
Thứ hai, các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Quyết định 780 và nhờ đó tồn tại được đến nay. Nếu bỏ áp dụng Quyết định 780 và áp dụng Thông tư 02, số doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ lên tới chục vạn một năm, thay vì mấy vạn như hiện nay.
Thứ ba, những người liên quan đến thị trường tài chính lành mạnh. Họ muốn thị trường tài chính Việt Nam sớm theo chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mong muốn đó là thiếu thực tế.
Thứ tư, cơ quan quản lý ban hành văn bản song triển khai một cách hình thức. Họ ở trong trạng thái “bật đèn đỏ nhưng nháy mắt cho đi” và ai thích thì áp dụng, không thích thì thôi.
Cách Việt Nam phân loại nợ hiện nay không giống các nước. Vì vậy, tiến tới chuẩn mực quốc tế là việc phải làm, nhất là khi Việt Nam mở cửa, hệ thống tài chính ngân hàng phải thực hiện các điều kiện cam kết hội nhập, trong đó có một điểm quan trọng liên quan đến phân loại nợ.
Việc điều chỉnh nội dung Thông tư 02 sẽ làm giảm giá trị của chính Thông tư này và làm cho lộ trình tiến tới chuẩn mực quốc tế bị chậm lại. Nhưng trong điều kiện hiện nay, nếu áp dụng một cách máy móc tất cả các quy định trong Thông tư 02 mà không sửa đổi, chắc chắn hệ quả để lại còn xấu hơn.
Ngân hàng Nhà nước quyết định áp dụng Thông tư 02 đúng ngày 1/6/2014, nhưng quy định phân loại nợ xấu theo cách mới được hoãn đến đầu năm 2015. Nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thở phào cho đây thực sự là “sáng kiến hay” với “tư duy rất logic”.
Về hình thức, Thông tư 02 sửa đổi không có nhiều thay đổi so với “bản gốc”. Với bốn nội dung sửa đổi cơ bản, Thông tư 02 đã được làm nhẹ đi, giảm bớt các quy định về phân loại nợ. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa không phải lùi áp dụng Thông tư 02, lại vừa tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục được hưởng một số điều kiện của Quyết định 780.
Lộ trình tiến tới chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng chậm lại nhưng phù hợp với lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Điều xưa nay Việt Nam vẫn quan ngại là sử dụng quyết tâm để thay thế cho hiểu biết thực tế, nhưng đối với Thông tư 02, người ta sẽ lấy thực tế để điều chỉnh quyết tâm.