Mùa Xuân của tôi ở đâu?
Du lịch - Ngày đăng : 08:46, 29/03/2014
Giêng Hai đã hết, các cuộc gặp mặt đầu năm với duyên cớ bạn học cùng lớp cũng xong, bạn đồng nghiệp, bạn cùng sở thích đã vãn chuyện, cứ tưởng không còn cớ nào để la đà nâng ly rượu Xuân.
Nhưng rồi có giấy mời, đám bạn cũ sinh viên thời Liên bang Xô viết mời đi tham dự một hành trình "Tìm lại mùa Xuân"! Bên góc trái giấy mời cũng có vài thông báo trang phục, y như các hội nghị ở địa phương, rằng phải mặc trang phục thập niên 70 thế kỷ trước.
Thêm vài cuộc điện thoại cho ban tổ chức, mới hay, nhóm bạn sinh viên một thời dắt díu xếp hàng buôn bán ở Kiev những năm ấy bỗng nhớ xiết bao đất nước Ukraine đã ôm trọn tuổi trẻ của mình, nên muốn làm cuộc gặp gỡ để cùng nhau nguyện cầu cho người dân nước này mau chóng tìm thấy sung túc và tự do!
Không hiểu sao kể từ lúc nhận giấy mời ấy, mấy lời nhạc thủa nào của Văn Cao cứ phảng phất mãi. Ký hợp đồng xong, thả cây bút xuống lại lẩm nhẩm "Hồn cầm phong sương hình dáng Xuân tàn/ Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn / Từ người ra đi chờ vắng tin người/ Từ người ra đi là hết mơ rồi".
Thì ra là quá khứ đang ập về. Ngày ấy, sau cơn hứng khởi của bản tình ca êm đềm "Chiều Mat-xcơ-va", chúng tôi thường hay hát "Cung đàn xưa" của Văn Cao để khoe khoang nền âm nhạc nước nhà.
Và các bạn Ukraine ngày ấy cũng nhiều lần tỏ ra sửng sốt về sự sang trọng của một bản nhạc Việt Nam. Cô hoa khôi chuyên hát bài này cho hội sinh viên ngày ấy bỗng một ngày biến mất. Chúng tôi chỉ biết ngẩn ngơ, rồi chiều chiều ngó ra băng tuyết mùa Xuân Kiev mà thay cô hát nhạc Văn Cao.
Sinh viên Kiev Ukraine xưa, giờ đi họp lớp bằng những chiếc xe năm bảy tỷ đồng. Dòng lịch sử đưa đẩy những sinh viên Việt bắt gặp một giai đoạn chuyển đổi của kinh tế thị trường Đông Âu thập niên 1990 đã bơi rất tốt trong cái hỗn mang nhiễu loạn suốt 20 năm, rồi thành công.
Giờ các cựu sinh viên còn thành danh, tạo nên một thương hiệu chung các doanh nhân Việt ở Ukraine, ở Nga về nước đầu tư, và hầu hết lại thắng vì quá hiểu cái cơ chế thời kỳ đầu của kinh tế thị trường đã từng rút được kinh nghiệm từ Đông Âu.
Giữa bộn bề những dự án, những sắp đặt kinh doanh như quân cờ trên một bàn cờ phức tạp, sao cuộc họp lớp vẫn đông. Không lẽ mỗi người đã có gần như tất cả, mà vẫn còn thấy thiếu điều gì đó, và còn cần thêm một chương trình rất trẻ con "Tìm lại mùa Xuân", không biết ai đã nghĩ ra cái tên đó, và cái yêu cầu về trang phục kỳ dị đó.
Phải thấy rất lạ, khi từ chiếc xe mấy tỷ đồng, lò dò ra một ông, cắp cái mũ cối bên ngực trái, áo bộ đội sờn không che khuất lấp nổi cặp mắt thấu thị cuộc đời người từng trải. Bên cạnh anh mũ cối, lại e thẹn một chị tóc tết hai bím, áo sơ mi Hồng Kông, tức là cái áo có cổ cánh sen, mốt thịnh hành Hà Nội thập niên 1970.
Cái cổ áo cánh sen kêu thống thiết, mùa Xuân của tôi ở đâu, cái cổ thanh tú nõn nà đôi mươi của tôi ở đâu? Và vẫn như thủa đôi mươi, các ông mũ cối giờ là ông chủ trăm tỷ đồng vẫn hỏi nhau có biết tin tức gì của hoa khôi ngày ấy đi theo tiếng gọi tình yêu của một anh Thụy Điển về xứ Bắc Âu.
Anh nào cũng còn thầm tiếc, giá như ngày ấy là ngày nay thì chúng mình đâu nỡ để cho một tấm nhan sắc phải trôi dạt! Rồi thì rượu vào, lời ra, những bài hát năm xưa lại ngân lên, những "Chiều Mat-xcơ-va", những "Cung đàn xưa" của các giọng ca đình đám một thời ký túc xá nay còn ngân dài hơn nhờ các kỹ thuật hỗ trợ điện tử.
Không biết là âm nhạc, hay là trang phục, hay trong bất kỳ trái tim ai, vẫn muốn dành riêng một góc thật kín đáo để giữ chút sáng trong như báu vật, dù chỉ là kỷ niệm, mà bỗng thấy mặt người đã dãn ra rất nhiều so với lúc các bạn bước ra từ chiếc xe tiền tỷ. Trong mỗi cuộc họp lớp, người ta thường hóa trẻ thơ trong trắng!
Hôm rồi, tôi có gặp thằng cháu, nó vừa từ chối một cuộc họp lớp cấp hai. Nó bảo thế hệ nó không may, đúng đoạn chúng tốt nghiệp cấp hai thì hòa bình, nhưng là một hòa bình khó khăn mà nhiều số phận không vượt qua được.
Lớp cấp hai năm ấy tan tác, nhiều bạn không học lên cấp ba. Bây giờ tất cả cũng đã trưởng thành, đã có gia đình và đủ từng trải nhìn lại và hiểu "mùa Xuân" của mình. Nhưng sao cuộc họp lớp năm ngoái của cháu vẫn cứ thấy buồn.
Hóa ra một cuộc họp lớp, có thể là "mùa Xuân", có thể lại là "vết thương".