Thắp lửa múa đương đai
Đời thường - Ngày đăng : 00:35, 29/03/2014
Trong tuần này, hai đêm múa đương đại ở Nhà hát lớn Hà Nội (25 và 26/3) là sự kiện nổi bật đối với người trẻ yêu thích văn hóa phương Tây. Chương trình có sự tài trợ của Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch.
Việt Nam những năm 70 là chủ đề được lựa chọn để các đoàn múa đương đại thể hiện và phục dựng lại chân dung một thời kỳ nhiều biến động quan trọng đối với lịch sử và con người Việt thời kỳ của chiến tranh, chiến thắng và hậu chiến. Bối cảnh xã hội thay đổi rất nhiều trong gia đoạn này sẽ được các đoàn nghệ thuật đương đại sử dụng thế mạnh của múa hình thể khai thác tạo ra một sân chơi cho người xem giao lưu mạnh mẽ với nghệ thuật mới. Đây cũng là dịp các đoàn ra mắt vở diễn mới và để người xem biết nghệ thuật múa hình thể của Việt Nam đã phát triển ra sao trong hơn 10 năm qua.
Hai đêm diễn quy tụ tác phẩm của những biên đạo múa đang nổi tiếng. Biên đạo Lê Vũ Long ra mắt vở Một tập thể các cá nhân với thể hiện của nghệ sĩ Trí Minh (âm nhạc đương đại) và các nghệ sĩ múa Anh Đào, Trần Anh Dũng, Cao Xuân Huy và Thái Trần Linh. Quách Hoàng Điệp, với các trải nghiệm của sàn múa ballet và chuyển sang múa đương đại 12 năm, sẽ làm vở Không gian gốc cảm hứng của cốt truyện là thập niên 1970 trẻ em thường bị nhốt trong nhà để cha mẹ đi làm. Chúng quẩn quanh trong không gian của những bức tường tẻ nhạt, với một nội tâm khao khát giao tiếp và tự do.
Biên đạo múa Trần Ly Ly đem từ TP.HCM ra Hà Nội vở 7X, khai thác triệt để ngôn ngữ hình thể để kể một câu chuyện diễn biến tâm lý một cá nhân trải qua những biến đổi to lớn của thập niên 70. Chúng ta sẽ gặp lại một trần Ly Ly luôn tôn trọng cái đẹp và múa gợi hình táo bạo.
Quách Phượng Hoàng là một đại diện cho văn hóa phương Tây sẽ đem về ngôn ngữ múa hình thể của Pháp với những kinh nghiệm học tập và làm việc trực tiếp nhiều năm ở châu Âu. Với tác phẩm Tế bào, cô không chỉ mong muốn trình diễn một vở mới, mà muốn góp vào sự phát triển nhanh chóng của múa đương đại Việt Nam, phát triển một lượng khán gải trong nước từ nguồn người yêu nghệ thuật, những bạn trẻ có thời gian du học châu Âu và người nước ngoài sống ở Việt Nam.
Một biên đạo múa đến từ môi trường nghệ thuật quân đội là Nguyễn Dũng sẽ giới thiệu chủ đề điển hình của thập niên 1970, với hình tượng người phụ nữ chờ chồng đi chiến đấu chưa về, một hòn vọng phu Việt trong ngôn ngữ hình thể hiện đại hy vọng sẽ đem lại cảm xúc mới mẻ hơn!
Múa đương đại đang hấp dẫn người trẻ bởi những kỹ thuật được khởi đầu như sự phản biện ngôn ngữ múa ballet cổ điển, dễ cuốn hút bởi sự tưởng nhầm sẽ thành sân chơi đại chúng, mỗi người tham gia chỉ cần theo những khóa đào tạo nghiệp dư ngắn ngày để tìm hiểu kiến thức căn bản. Tuy nhiên, sự kỳ công sáng tạo của các biên đạo múa hàng Việt Nam cho thấy múa đương đại vẫn là sự khổ luyện, và đặc biệt đòi hỏi sự sáng tạo cao về hình thể trong không gian như một nghệ thuật tạo hình biến ảo. Hai đêm múa đương đại Việt Nam lần này là dịp khá hiếm để công chúng nhìn toàn cảnh sự phát triển non trẻ và tươi tắn của bộ môn nghệ thuật này.