Ngày hội văn hóa đọc

Đời thường - Ngày đăng : 04:08, 03/04/2014

Sau 7 ngày tổ chức, đêm 30/3, Hội Sách TP.HCM lần thứ 8 (Hội Sách) đã khép lại với sự thành công ngoài mong đợi.
Ngày hội văn hóa đọc

Sau 7 ngày tổ chức, đêm 30/3, Hội Sách TP.HCM lần thứ 8 (Hội Sách) đã khép lại với sự thành công ngoài mong đợi. Số lượt người đến Hội Sách đạt khoảng 1 triệu, tăng 20% so với Hội sách năm 2012 tổng doanh thu đạt 38 tỷ đồng, tăng 30%.

Đọc E-paper

Nhiều tiến bộ và bất ngờ

>Hội sách TP.HCM: Sân chơi thiết thực
>"Sách - Tri thức - Hội nhập & Phát triển"
>
Mỗi cuốn sách như mở một con đường

Mặc dù hội sách năm nay diễn ra vào lúc cao điểm nắng nóng nhưng người yêu sách từ khắp nơi trong thành phố cũng như các tỉnh lân cận vẫn nô nức tham gia với số lượt người lên khoảng 1 triệu.

Với hơn 20 triệu bản sách được trưng bày, 60 hoạt động giao lưu sôi nổi diễn ra liên tục cùng chương trình bán giảm giá sách đến 50% vào 3 ngày cuối, Hội Sách đã trở thành tâm điểm thu hút đông đảo người yêu sách suốt một tuần qua. Công chúng đến với Hội Sách không đơn giản chỉ để mua, chiêm ngưỡng những bộ sách có giá trị được trưng bày mà còn để hòa mình vào không khí "trẩy hội văn hóa" đúng nghĩa.

Theo Ban tổ chức, qua bảy kỳ hội sách, lần này các đơn vị tham gia đã thể hiện tính chuyên nghiệp hơn trong khâu trưng bày, quảng bá: các đơn vị tham gia không chỉ tập trung bán hàng như một kỳ giảm giá sách, mà đã đầu tư bài bản cho thiết kế gian hàng, xây dựng thương hiệu bằng cách tổ chức nhiều sự kiện.

Thực tế cho thấy, số sự kiện tại các gian hàng nhiều hơn rất nhiều so với các sự kiện diễn ra tại hai nhà chuyên đề của Hội Sách. Song, đáng tiếc là các sự kiện này chỉ gói gọn chủ yếu trong các sự kiện như như tặng nước uống, tặng bookcard, gặp gỡ, giao lưu với các tác giả mà vắng bóng những hội thảo thật sự thu hút người đọc.

Các công ty phát hành sách, công ty truyền thông văn hóa chiếm số lượng áp đảo tại Hội Sách. Trên thực tế, họ đang chiếm lĩnh thị trường liên kết xuất bản và phát hành sách với lợi thế mua bản quyền các tựa sách nổi tiếng từ nước ngoài và của các tác giả ăn khách trong nước, tạo ra một lượng hàng hóa phong phú.

Điểm nổi bật khác là số lượng các đơn vị bán sách trực tuyến tham gia Hội Sách năm nay tăng nhiều, trong đó, phải kể đến Tiki và Vinabook. Sau ồn ào giảm giá trước ngày khai hội, hai đơn vị này tiếp tục khẳng định "đẳng cấp" trong việc chăm sóc cũng như tổ chức nhiều hoạt động thu hút khách hàng và đạt doanh thu cao.

Trong khi đó, từ phía các NXB nhà nước, NXB Trẻ và NXB Kim Đồng đã có một mùa gặt hái thành công. Số lượng sách mới của các NXB này dành cho Hội Sách nhiều vượt trội các đơn vị khác, và NXB Kim Đồng đã có nhiều hoạt động tập trung vào chiến lược phát triển nhiều tuyến ấn phẩm của mình.

Bất ngờ lớn nhất trong Hội Sách lần này, có lẽ là việc sách "nội" của các tác giả trẻ chiếm ưu thế và lọt vào top 7/10 sách bán chạy. Cuốn Buồn làm sao buông của Anh Khang (Phương Nam và NXB Văn Hóa Văn Nghệ) đã vượt qua tất cả các quyển sách đình đám khác, trở thành quyển bán chạy nhất.

Top 10 quyển sách bán chạy theo thứ tự kế tiếp là: Hỏa ngục (Dan Brown), Chúc một ngày tốt lành (Nguyễn Nhật Ánh), Người yêu cũ có người yêu mới (Iris Cao), Thám tử Conan (Gosho Aoyama), Đảo (Nguyễn Ngọc Tư), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Đắc nhân tâm (Dale Carnegie), Thương nhau để đó (Hamlet Trương), Nếu như không thể nói nếu như (Jun Phạm). Quả thực đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy các tác giả trong nước đang ngày càng gần gũi và hiểu người đọc hơn.

Không chỉ là chuyện bán mua

"Tôi cho rằng một trong những thành công lớn nhất của hội sách lần này chính là tạo nên nét đẹp văn hóa cộng đồng đúng nghĩa. Cho dù nắng nóng, phải chờ đợi lâu, bạn đọc vẫn kiên nhẫn xếp hàng, không lớn tiếng, không chen lấn, thậm chí cũng không xả rác bừa bãi.

Trong một không gian văn hóa rộng lớn, ý thức của mỗi người đều rất cao. Đây chính là những giá trị quý mà Hội Sách đã làm được cho cộng đồng", ông Lê Hoàng một trong những người có ý tưởng sáng lập Hội Sách TP.HCM và gắn bó suốt tám kỳ hội sách, nhận định.

Qua tám kỳ tổ chức, hội sách giờ đây đã trở thành điểm hẹn văn hóa đến hẹn lại lên. Người ta đến với Hội Sách không chỉ để mua bán, trao đổi, tìm kiếm những quyển sách hay mà còn để gặp gỡ và đối thoại với tác giả họ yêu thích, chia sẻ sở thích và đam mê đọc sách, cũng như bày tỏ sự quan tâm trước thực trạng văn hóa đọc đang ngày một xuống dốc.

Cho nên, trước khi khép lại một kỳ hội sách ấn tượng, ông Lê Hoàng không quên khơi gợi ý tưởng về việc tổ chức cuộc thi "Góc sách của em". Bởi lẽ việc hình thành thói quen đọc sách phải từ lúc còn nhỏ và các gia đình đóng vai trò đầu tiên trong việc hình thành thói quen này.

Góc sách chính là tài sản trí tuệ đầu đời của các em. Quan tâm đến góc sách ấy là sự quan tâm căn cơ, gốc rễ... Ý tưởng này đã được Ban tổ chức tán đồng và dự định gắn Hội Sách TP.HCM với Ngày Sách Việt Nam (21/4) nhằm hình thành một vệt hoạt động kéo dài suốt từ tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, trong đó nội dung về sách thiếu nhi là không thể thiếu.

Chính thái độ tích cực và cái tâm của những người thực hiện đã và đang kiến tạo nên một thương hiệu, một niềm tin để Hội Sách TP.HCM trở thành hợp điểm văn hóa thường niên. Nói như ông Lê Hoàng, câu hỏi "Hội Sách góp gì cho văn hóa đọc của cả nước" phải luôn thường trực đối với nhà tổ chức, qua đó cống hiến hết sức để hội sách trở thành sinh hoạt không thể thiếu trong cộng đồng đọc sách, và trở thành cú hích của văn hóa đọc.

HOÀNG LINH LAN