Cho vay vốn rẻ: Thừa ngắn, thiếu dài

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 04:23, 10/04/2014

Lãi suất cho vay được điều chỉnh để khơi dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, mức lãi suất điều chỉnh này mới chỉ mang tính ngắn hạn, chưa mang lại nhiều lợi ích thực sự cho doanh nghiệp (DN).
Cho vay vốn rẻ: Thừa ngắn, thiếu dài

Lãi suất cho vay được điều chỉnh để khơi dòng chảy tín dụng. Tuy nhiên, mức lãi suất điều chỉnh này mới chỉ mang tính ngắn hạn, chưa mang lại nhiều lợi ích thực sự cho doanh nghiệp (DN).

Đọc E-paper

Bà Nguyễn Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết, DN sản xuất trứng sạch thời gian qua liên tục được ngân hàng (NH) chủ động cho vay với lãi suất thấp theo gói tín dụng hỗ trợ, chỉ khoảng 5-6%/năm. Với lãi suất hợp lý này, DN đã phấn khởi đầu tư thêm dây chuyền, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm công nghệ cao.

Công ty CP Gạch Đồng Tâm cũng được nhiều NH hỗ trợ vốn với lãi suất hợp lý để cho ra đời những sản phẩm với giá cả cạnh tranh. Theo đó, theo lãnh đạo Công ty cho biết, thời gian trước, Công ty chỉ dám sản xuất cầm chừng, hoạt động với 60 - 70% công suất do càng sản xuất ra nhiều càng thâm hụt vốn.

Hiện nay, DN không chỉ được cơ cấu lại khoản nợ cũ, giãn nợ trong khoảng thời gian 2-3 năm với lãi suất hợp lý mà còn được vay vốn với lãi suất hấp dẫn. Do đó, ngay tại thời điểm nhận được "tín hiệu" vui này, Gạch Đồng Tâm đã cho vận hành toàn bộ hệ thống nhà máy với 100% công suất...

Có thể thấy, việc hạ lãi suất cho vay chỉ còn 6 - 7%/năm, thậm chí đối với một số lĩnh vực ưu tiên có nhu cầu vốn ngắn hạn, lãi suất còn thấp hơn, đã kích thích hoạt động của nhiều DN. Tuy nhiên, thực tế, hiện còn rất nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi giá rẻ vì nhiều nguyên nhân.

Đơn cử, một số DN trong lĩnh vực cơ khí điện cho rằng, đối với những DN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như công nghiệp nặng, cơ khí điện cần có một số chính sách ưu đãi đặc biệt hơn.

Đồng thời giãn nợ, giảm lãi suất cho DN cần thực hiện trong một thời gian nhất định, đủ để cho DN "hồi sức", yên tâm đầu tư đẩy mạnh sản xuất. Mức lãi suất giảm chỉ áp dụng cho các khoản vay 1-6 tháng là chưa thực sự tích cực.

Nói như ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, lãi suất cho vay đã từng bước được điều chỉnh giảm xuống theo lãi suất huy động và hiện mức trần tối đa áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ) từ 9%/năm xuống còn 8%/năm.

Mặt khác, một số NH đã giảm 0,5% lãi suất cho vay các kỳ ngắn hạn 6 tháng trở lại. Còn lại hầu hết lãi suất cho vay vẫn giữ nguyên. Chẳng hạn, NH chào giá vay lãi suất 12 tháng vẫn ở 13%/năm, thậm chí, có NH còn cho vay đến 16%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động của các NH kỳ hạn 12 tháng giảm, cao nhất chỉ còn 8,7%/năm và phổ biến ở mức 7,5%/năm.

"Thứ mà DN cần giảm là lãi suất trung - dài hạn, vì không thể hoàn thành một hợp đồng ký kết với đối tác chỉ trong 1-3 tháng. Mặc dù NH vẫn khẳng định giảm lãi suất, nhưng biểu lãi suất trung - dài hạn vẫn lên tới 12-13%/năm, thậm chí là cao hơn. Muốn vay trung và dài hạn để tái đầu tư, tái sản xuất nhưng với lãi suất cỡ 13% thì không thể tái đầu tư được", ông Thắng cho biết.

Trên thực tế, nhiều DN cho biết mức lãi suất NH thông báo với các DN vẫn ở mức 12-13%/năm, đây là những mức cao, nhưng chưa phải là cao nhất. Theo một vài DN, có những giao dịch phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn vậy, hoặc giả ở kỳ hạn này chỉ có duy nhất một giao dịch thành công và tính đại diện yếu, hoặc là chấp nhận cao hơn nếu nhu cầu vốn quá cấp thiết.

Như vậy, dù tính thế nào nhưng mức lãi suất cao ở các kỳ hạn dài phải cân nhắc. Đó là DN đang tập trung vào phát triển về chiều sâu, phương thức kinh doanh hơn là mở rộng quy mô đầu tư. Nhiều DN cũng chưa cần thiết vay vốn để đầu tư mở rộng.

Hơn nữa, nhiều NH đặt điều kiện vay vốn quá chặt, chẳng hạn phải để NH "quản" mọi nguồn tiền ra vào của DN nhằm đảm bảo nguồn vốn vay được trả đúng hạn. Từ đây, sẽ phát sinh thêm nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ của NH như dịch vụ thẻ, quản lý ngoại tệ, mở L/C, dịch vụ thanh toán... Như vậy dễ gây nhiều phiền phức cho DN có quan hệ với nhiều NH.

Như vậy, với DN hiện nay, lãi suất là vấn đề quan trọng nhưng vấn đề chính trong việc vay vốn là khả năng hấp thụ vốn và nợ xấu mới là những rào cản tín dụng.

Một số ngân hàng thương mại chỉ giảm lãi suất cho vay về mức 5-8,5%/năm, áp dụng đối với khách hàng có hồ sơ tài chính và hoạt động lành mạnh với triển vọng tốt. Như vậy động thái giảm lãi suất có thể sẽ không tạo ra chuyển biến tức thì trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế.

TRIỀU ANH