Đổi mới để tăng trưởng: Đầu tư cho "phần mềm"
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 06:02, 25/04/2014
Tăng trưởng là mục tiêu hoạt động của tất cả mọi doanh nghiệp, nhưng làm thế nào để đưa công ty lên một vị thế mới, mở rộng sản xuất, tăng lợi nhuận thì lại là một bài toán khó mà không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng giải được.
Tại hội thảo tương tác “Tư duy quản trị: Từ con người đến hệ thống” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức diễn ra sáng 24/4, ông Lý Huy Sáng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I đã chia sẻ quá trình đầu tư và đổi mới kéo dài gần một thập kỷ của một trong những thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam này.
Bắt đầu từ những đơn hàng, những chuyến tham quan học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đầu ngành trên thế giới, Minh Long I đã định hướng được lộ trình phát triển dài hạn, không chỉ sản xuất hàng gốm sứ gia dụng và thủ công mỹ nghệ mà còn tập trung sản xuất các sản phẩm dành cho lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Sau đó, Minh Long I bắt đầu cải thiện cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang bị máy móc tự động để sản xuất hàng loạt, giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm.
Bước thứ ba, công ty tập trung đầu tư nâng chất lượng của đội ngũ nhân sự: tuyển dụng nhân sự có trình độ cao, thiết lập bộ phận đào tạo để huấn luyện kỹ năng cho nhân viên với giáo án, quy trình chuẩn và đội ngũ giáo viên có năng lực.
Rút kinh nghiệm từ hạn chế “tam sao thất bản” của tập quán “nghề truyền nghề” trong ngành gốm, lãnh đạo công ty đã quyết tâm đầu tư nghiêm túc và bài bản cho khâu đào tạo nhân sự. Việc tuyển dụng không giao khoán cho bộ phận nhân sự mà cả lãnh đạo công ty cũng trực tiếp xét tuyển.
Ông Sáng khẳng định: “Đầu tư “phần cứng” mà không đầu tư “phần mềm” thì tất cả máy móc chỉ là đống sắt vụn!”.
Bà Đậu Thúy Hà - Đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tư vấn quản lý OCD đánh giá, bối cảnh biến động không ngừng của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn bao giờ hết. Và nếu doanh nghiệp không tích cực thay đổi để bắt kịp nhịp điệu của thị trường, thì thất bại là khó tránh khỏi.
Theo bà Hà, vấn đề đầu tiên mà mỗi doanh nghiệp cần giải quyết, là phải xác định mục tiêu và vạch rõ hướng đi. Cần đặt ra các câu hỏi: Công ty phải tăng trưởng theo chiều rộng hay chiều sâu? Đầu tư dài hạn hay ngắn hạn thì phù hợp ở thời điểm này? Từ đó doanh nghiệp mới xây dựng được chiến lược để đối phó với các tác động bên trong và bên ngoài tổ chức, thông qua việc áp dụng bộ tiêu chí linh động.
Ông Lý Huy Sáng cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá mức tăng trưởng của công ty chính là lợi nhuận. Minh Long I hiện đang tăng trưởng theo chiều sâu, tập trung vào ngành chuyên môn là sản xuất các mặt hàng gốm sứ và lấy lợi nhuận làm tiêu chí “tĩnh”, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của công ty.
Ông Nguyễn Chí Đức - Công ty TNHH PRISM IT tham dự và phát biểu tại hội thảo |
Trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp: “Tôi nhìn thấy cơ hội tăng trưởng nhưng không biết lấy nguồn tài chính ở đâu”, ông Sáng chia sẻ quá trình đầu tư dàn trải 8 năm của Minh Long 1 với phương châm “chậm mà chắc”, “sức tới đâu, làm tới đó” để nếu có rủi ro thì thiệt hại không đáng kể. Mặt khác, sau mỗi kết quả đạt được, công ty sẽ có cơ sở để đánh giá và lên kế hoạch cho bước đi kế tiếp.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)thắc mắc: “Liệu những kinh nghiệm học tập được ở thị trường nước ngoài có phù hợp để áp dụng cho thị trường nội địa và làm sao đánh giá được thời điểm hợp lý để đưa sản phẩm ra thị trường?”.
Ông Sáng chia sẻ: “Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ kinh nghiệm đi trước của các công ty hàng đầu tại các quốc gia phát triển. Do đó, đi theo chiến lược của những “con chim đầu đàn” chắc chắn là bước đi đúng đắn. Vấn đề còn lại là làm sao địa phương hóa sản phẩm để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Với ngành gốm sứ, ngôn ngữ thiết kế đóng vai trò rất quan trọng, công ty phải hiểu rõ các yếu tố văn hóa và tâm lý của từng thị trường để tạo ra sản phẩm thu hút”.
Ông Sáng cũng nói thêm, chủ trương và chính sách là chìa khóa quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Lấy ví dụ hai đất nước Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên, hoặc Đông Đức và Tây Đức cũ, họ cùng một dân tộc, cùng một nền văn hóa nhưng vì chịu ảnh hưởng của những chính sách khác nhau mà tình hình kinh tế có sự khác biệt lớn.
“Đất lành chim đậu – nếu doanh nghiệp có chính sách tốt thì không lo không thu hút và giữ chân được nhân tài”, ông Sáng nhận định.
Ông Phan Công Chính - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giải pháp doanh nghiệp Toàn cầu (GESO) khẳng định, để thực thi tốt chiến lược thì doanh nghiệp phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề nhân sự. Doanh nghiệp cần xây dựng một hệ thống quản trị minh bạch, trong đó người lao động được mô tả và hướng dẫn công việc rõ ràng, được đánh giá và có giám sát. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa các rủi ro từ con người.
Mặt khác, việc xây dựng văn hóa công ty là không thể thiếu. Văn hóa sẽ nuôi dưỡng và bồi đắp niềm tin, các giá trị nhân văn cũng như tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng của nhân viên.
Ông Chính cho biết, ba yếu tố chính của hệ thống quản trị hiện đại bao gồm con người, quy trình - cơ chế và hệ thống công nghệ thông tin. Xu hướng hiện nay là chuyển từ hình thức quản trị từ con người sang hệ thống và quá trình này đòi hỏi phải có những bước đi từ tốn để giúp đội ngũ nhân viên thích ứng với quy trình quản lý mới.
"Công nghệ, quy trình chúng ta đều có sẵn nhưng quan trọng nhất ở đây là lãnh đạo có quyết tâm làm hay không. Khi đưa ra cơ chế kiểm soát chặt chẽ như vậy thì doanh nghiệp phải cân nhắc đến tác động niềm tin trong nhân viên, về những trở ngại làm cản trở khả năng linh động của công ty mình hay không. Và nếu đã quyết tâm rồi thì phải kiên trì kiểm soát quy trình mới thành công", ông Nguyễn Chí Đức đến từ Công ty PRISM IT kết luận.
>Minh Long 1 tuyển dụng và đào tạo nhân sự ra sao?
>Bí quyết sử dụng nhân viên "thế hệ cũ"
>Quản trị nhân sự: Buộc phần "xác" hay phần "hồn"
>Quản trị nhân sự: Chuẩn hóa + Cam kết = Hiệu quả