Châu Á dẫn đầu chi tiêu quân sự toàn cầu
Quốc tế - Ngày đăng : 06:08, 27/04/2014
Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 14-4 cho thấy châu Á dẫn đầu thế giới về chi tiêu quân sự trong năm 2013, chiếm gần ¼ tổng số chi tiêu vũ khí trên toàn cầu, nhiều gấp chín lần châu Phi.
Đọc E-paper
Hơn nữa, nếu như ở nhiều nước phương Tây và Trung Âu cũng như Bắc Mỹ chi tiêu quân sự giảm xuống, thì ở châu Á và châu Đại Dương lại có xu hướng gia tăng đáng kể.
Giám đốc Trung tâm Phân tích mua bán vũ khí thế giới Igor Korotchenko nhận xét như sau về xu hướng này: “Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tranh chấp về biển đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đó là khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt. Do vậy, các quốc gia tích cực tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang. Tăng chi tiêu quân sự luôn là đặc trưng của khu vực gia tăng xung đột. Vì vậy, cuộc chạy đua vũ trang được thực hiện từ Trung Quốc cho đến Singapore”.
Theo số liệu của SIPRI, Trung Quốc đã gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự (tăng gần 7,4%), ước tính khoảng 188 tỉ USD một năm. Phó chủ tịch thứ nhất Konstantin Sivkov của Học viện địa chính trị khẳng định rằng Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một cường quốc quân sự thế giới, cạnh tranh với Mỹ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rõ ràng rằng việc thúc đẩy lợi ích kinh tế thế giới không thể không phụ thuộc vào lực lượng quân sự và họ đang cố gắng để không tụt hậu so với quân đội Mỹ.
Tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong chi tiêu quân sự ở châu Á là ở Afghanistan (tăng đến 77%). Các chuyên gia của SIPRI cho rằng nước này đang tích cực chuẩn bị để chịu trách nhiệm hoàn toàn về an ninh quốc gia sau khi các lực lượng quân sự nước ngoài rút về nước vào cuối năm 2014.
Trong năm 2013, chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên đã ngừng giảm ngân sách quân sự kéo dài trong những năm gần đây. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông Valery Kistanov giải thích xu hướng này: “Điều này chủ yếu liên quan đến thực tế là, theo Chính phủ Nhật Bản, tình hình xung quanh đất nước đang xấu đi”.
Đổi mới trong ngân sách quân sự của Nhật Bản là phản ứng đối với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Tất nhiên, toàn bộ tình hình xung quanh Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn. Điều đó liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và các mối quan hệ xấu với Hàn Quốc.
Các nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong năm 2013 là Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, UAE và Ả Rập Xêút. Xu hướng của những năm trước là Ấn Độ và Pakistan đang đầu tư các nguồn lực ngày càng tăng để mua máy bay tấn công vẫn được duy trì. Rõ ràng, đó là hy vọng tốt nhất của hai bên trong trường hợp xung đột vũ trang trên biên giới.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng Hàn Quốc đã chiếm vị trí thứ tám trong số các nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Hàn Quốc mua 80% vũ khí từ Mỹ và phần lớn nhằm mục đích phát hiện và tiêu diệt tên lửa đạn đạo.
>Châu Á hiện đại hóa quân sự: Lựa chọn bất khả kháng
>Nhật và Trung Quốc tăng cường quân sự