Lãnh đạo chủ chốt: Hàng loạt ngân hàng "thay máu"
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:06, 03/05/2014
Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, không ít nhà băng đã “thay máu” ở các vị trí chủ chốt từ chủ tịch HĐQT đến tổng giám đốc điều hành. Điều này khiến không ít cổ đông, kể cả đã bỏ phiếu thông qua, lo ngại rằng, liệu người mới đến có cải thiện được tình hình hoạt động của đơn vị trước bối cảnh kinh tế chung khó khăn và ngành ngân hàng đối mặt nhiều thách thức như hiện nay.
Những cuộc “thay máu”
Tại ĐHCĐ Sacombank ngày 25/3 đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Hữu Phú sau 2 năm ông Phú ngồi vào “ghế nóng” của Ngân hàng. Người thay thế là ông Kiều Hữu Dũng.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, kể từ khi nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank đến nay, chưa đầy 3 năm, nhưng chủ nhân của chiếc “ghế nóng” chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã liên tục thay đổi. Cụ thể, cuối năm 2011, khi nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank, ông Đặng Văn Thành phải nhường lại ghế chủ tịch cho người kế nhiệm là ông Phạm Hữu Phú. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm điều hành, ông Phú cũng rời vị trí này. Nguyên chủ tịch Sacombank quay về làm Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Eximbank.
Có thể nói, Eximbank, Sacombank là những ngân hàng có biến động mạnh nhất về nhân sự trong thời gian gần đây.
Chỉ trong vòng 7 tháng gần đây, Eximbank đã có 3 lần thay tổng giám đốc, cho đến khi ông Phú trở lại giữ vị trí này. Trước đó, ông Trương Văn Phước đã từ nhiệm vị trí này để nhận nhiệm vụ mới do Thủ tướng giao ở Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Sau khi ông Phước ra đi, ông Nguyễn Quốc Hương được bổ nhiệm giữ Quyền Tổng giám đốc và chính thức làm Tổng giám đốc từ tháng 12/2013. Nhưng chỉ sau tròn 4 tháng nắm giữ vị trí này, ghế CEO lại đón nhận chủ nhân mới.
Sự trở lại Eximbank của ông Phú khiến không ít cổ đông Ngân hàng hào hứng. Trước khi được “biệt phái” sang Sacombank, ông Phú từng có 8 năm công tác tại Eximbank trên cương vị là Phó chủ tịch HĐQT.
Tân chủ tịch của DongA Bank là ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
DongA Bank cũng bất ngờ thay Chủ tịch HĐQT. Nhưng tân chủ tịch của ngân hàng này cũng là người khá quen thuộc với dân tài chính, đó là ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN.
Tại kỳ họp thường niên ngày 26/4 vừa qua, ĐHCĐ DongA Bank đã bầu ông Kiêm thay cho ông Phạm Văn Bự. Đây là lần đầu tiên, một nguyên thống đốc NHNN đảm nhận vị trí quản trị cao nhất tại một ngân hàng thương mại.
Ông Cao Sỹ Kiêm là sự thay đổi từ vị trí thành viên HĐQT độc lập (từ năm 2012) thành Chủ tịch HĐQT DongA Bank. Tuy nhiên, ông Kiêm cũng chính là một trong những cổ đông sáng lập DongA Bank.
Mới đây nhất, ngày 29/4, ĐHCĐ của Vietinbank cũng đã bầu ông ông Nguyễn Văn Thắng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng làm Chủ tịch HĐQT, thay cho ông Phạm Huy Hùng, đến tuổi nghỉ hưu. Ông Thắng cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ lệ đại diện vốn Nhà nước tại Vietinbank từ 30% lên 40%.
Ngoài Vietinbank, Sacombank, DongA Bank, Eximbank…, mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay cũng chứng kiến những cuộc “thay máu” nhân sự chủ chốt khác.
Ngày 27/3, ĐHCĐ NamA Bank đã thông qua việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng vì lý do cá nhân và bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Toàn (Phó chủ tịch công ty TNHH Hoàn Cầu, thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc Hoàn Cầu Nha Trang…) thế chỗ bà Loan. Ông Toàn hiện đang sở hữu 5% vốn điều lệ của NamA Bank.
Ngoài bà Loan, HĐQT NamA Bank cũng miễn nhiệm thêm 2 thành viên HĐQT khác xin từ nhiệm HĐQT nhiệm kỳ 2011 - 2016 và bầu bổ sung ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc đương nhiệm của NamA Bank vào thành viên HĐQT.
Trước đó, tại ĐHCĐ SCB diễn ra ngày 17/3, nguyên Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này là bà Nguyễn Thu Sương cũng được cổ đông thông qua đơn từ nhiệm, với lý do cá nhân. Ông Đinh Văn Thành được bầu vào chức danh Chủ tịch HĐQT SCB nhiệm kỳ 2012 -2017.
Thách thức cho người mới
Nợ xấu là áp lực lớn nhất đối với “thuyền trưởng” của các ngân hàng. Vì nợ xấu tăng, đòi hỏi ngân hàng trích dự phòng cao và một phần lớn lợi nhuận phải hy sinh.
Chẳng hạn, tại DongA Bank, năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng vẫn ở mức 3,99%, đòi hỏi DongA Bank trích dự phòng rủi ro tín dụng hơn 558 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế năm qua chỉ còn hơn 430 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2012 và bằng 43% kế hoạch năm. Năm 2014, nhà băng này trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng; mục tiêu đạt tổng tài sản 89.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013. Tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 78.475 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay 62.000 tỷ đồng.
Đây sẽ là một thách thức với ông Cao Sỹ Kiêm, dù ông Kiêm từng kinh qua vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và là thành viên HĐQT độc lập của DongA Bank cho đến khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
DongA Bank được biết đến là một ngân hàng tầm trung, có hoạt động từ năm 2011 trở về trước khá ổn định. Nhưng từ năm 2012, tình hình khó khăn chung của thị trường khiến Ngân hàng bắt đầu không làm được như mong muốn, thể hiện qua kết quả đề cập ở trên.
Tương tự, tại Sacombank, việc Ngân hàng đang lên kế hoạch sáp nhập Southern Bank cũng khiến không ít cổ đông lo ngại sẽ kéo lùi sự phát triển của Ngân hàng. Lý do là Southern Bank là một trong những ngân hàng yếu kém, nợ xấu được cho là cao gấp đôi so với báo cáo tài chính năm 2013 ở mức gần 4%.
Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng cho rằng, việc sáp nhập là tất yếu khi Sacombank có nhu cầu phát triển ngày một lớn mạnh hơn và đẩy mạnh chiến lược bán lẻ. Tuy nhiên, với các cổ đông, đó chẳng qua chỉ là con đường hợp thức hóa để gia đình ông Trầm Bê (một nhóm cổ đông đang nắm giữ tỷ lệ chi phối khá lớn tại Sacombank - Southern Bank) chống được sở hữu chéo và dễ bề quản lý hơn.
Còn tại Eximbank, mặc dù ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT đã đến tuổi về hưu trong năm nay, nhưng vẫn trúng cử thành viên HĐQT và tái đắc cử vị trí Chủ tịch trong năm 2014. Một bộ phận cổ đông Eximbank từng kiến nghị, ông Dũng nên thôi vị trí Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng để chuyên tâm vào bóng đá kể từ khi ông ngồi vào ghế Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Lợi nhuận thu về trong 2013 của Eximbank rất thấp, chỉ đạt 828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 26% kế hoạch. Nguyên nhân là Eximbank giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với doanh nghiệp, dẫn đến nguồn thu nhập thuần từ lãi giảm; và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Sự trở lại Eximbank của ông Phạm Hữu Phú được cho là sẽ giúp cho Ngân hàng vững vàng hơn trong giai đoạn tới. Sau 2 năm ở Sacombank, ông Phú được đánh giá là người đã mang lại nhiều thành công cho ngân hàng này.
Nhưng liệu trước bối cảnh thị trường còn có nhiều khó khăn hiện nay, vị “thuyền trưởng” mới của Eximbank có thực thi được các mục tiêu kinh doanh đề ra cho năm 2014. Eximbank trình ĐHCĐ kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 1.800 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức thực hiện năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn nhiều kết quả đạt được những năm liền trước đó.
Eximbank, Sacombank và tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần khác sẽ phải đương đầu với nguy cơ nợ xấu tăng trong năm nay, đặc biệt là sau 1/6, thời điểm Thông tư 02/2013/TT-NHNN có hiệu lực, trong bối cảnh nền kinh tế chưa ra khỏi khó khăn, doanh nghiệp, đối tượng đang nắm vốn của ngân hàng còn nhiều tồn kho…