Mang thư viện số đến trẻ vùng xa
Đời thường - Ngày đăng : 09:57, 22/05/2014
Với mục đích giúp các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa hoặc các huyện ngoại thành tiếp cận những kiến thức mới về con người và cuộc sống, Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) phối hợp Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (GSL) khởi động chương trình Thư viện số lưu động - Bánh xe tri thức cho hơn 3.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS) vào ngày 15/5.
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Lộc B trong lớp học do các tình nguyện viên Singapore tổ chức
Thêm một cánh cửa mở ra
Dự án Bánh xe tri thức của SIF trước đây đã được thực hiện tại Hà Nội và Bandung (Indonesia), mang lại lợi ích thiết thực cho 8.000 học sinh. Lần tổ chức tại TP.HCM này, chương trình sẽ dựa trên những thành công trước đó để nâng cao. Cụ thể, thư viện lưu động Bánh xe tri thức sẽ phục vụ khoảng 2.000 đầu sách, báo thiếu nhi các loại, 6 laptop, 2 iPad, một tivi và vài trăm DVD phim thiếu nhi. Xe sẽ thực hiện 4 chuyến lưu động trong một tháng đến 5 trường học, 3 trung tâm văn hóa ở huyện Bình Chánh nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp cận thư viện, công nghệ thông tin (CNTT) và các tài liệu đa phương tiện.
Mỗi tháng, các nhân viên của GSL và các tình nguyện viên Singapore sẽ theo xe thư viện lưu động để tổ chức giảng dạy các kỹ năng giao tiếp, CNTT và giao lưu văn hóa với học sinh. Ước tính sẽ có 300 tình nguyện viên Singapore tham gia tổ chức các lớp học này trong thời gian 3 năm. Song song, các chuyên gia tình nguyện sẽ tổ chức các buổi hội thảo nhằm tập huấn cho 24 nhân viên GSL, thủ thư và giáo viên các trường về quản lý thư viện nâng cao nhằm giúp các em được hưởng những lợi ích của thư viện về lâu dài.
Trong buổi lễ khánh thành, bà Elim Chew, Chủ tịch SIF cho biết: "Dự án không chỉ là một thư viện lưu động, mà đã tạo được sự kết nối thực sự. Đặc biệt, chúng tôi hy vọng dự án này sẽ trang bị cho học sinh những kiến thức quan trọng và những kỹ năng học tập với sự phát triển nhanh chóng của thế giới cũng như xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân các em".
Lần thứ ba hợp tác với SIF, sau thành công của chương trình Bánh xe tri thức tại Hà Nội và dự án Nước cho cuộc sống ở Myanmar, Công ty Keppel Land không chỉ hỗ trợ kinh phí mà hỗ trợ cả nhân viên theo làm tình nguyện viên. Ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam, cho biết: "Là một công dân toàn cầu, chúng tôi tin rằng khi cộng đồng phát triển thì chúng tôi cũng phát triển. Những hoạt động của chúng tôi để lại dấu ấn trong tim nhiều cộng đồng địa phương và ở Việt Nam - đất nước chúng tôi hợp tác hơn 20 năm nay, chúng tôi hy vọng dự án Bánh xe tri thức sẽ mở thêm cánh cửa ra thế giới cho các em nhỏ”.
"Còn sức là còn đi"
Chính thức khởi động dự án "Bánh xe tri thức" |
Buổi sáng cùng ngày, xe thư viện lưu động đã khởi hành đến Trường THCS Lê Minh Xuân - địa điểm đầu tiên của dự án. Nắng vàng rượm sân trường, xe vừa đỗ lại, vài chùm bong bóng được giăng lên. Những tình nguyện viên tươi rói nụ cười. Các em học sinh ùa ra như bầy ong vỡ tổ, ánh mắt háo hức, mê say, phấn khởi theo những trang sách. Em Minh Anh, lớp 6/3, nói: "Con thích cái xe này quá! Có nhiều sách, truyện con thích lắm. Con ước sao xe ở đây mãi cho tụi con tha hồ đọc".
Chạy tới lui lấy sách cho các em nhỏ, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, thủ thư GSL rạng rỡ: "Người ta nói văn hóa đọc đang dần mai một. Thế nhưng thực tế đi phục vụ các trường học, các vùng sâu vùng xa, các em hưởng ứng và đón nhận rất nhiệt tình, phấn khởi. Mình nghĩ có lẽ không phải văn hóa đọc mai một mà do các em không có điều kiện để tiếp xúc với sách".
Kể về kỷ niệm hoạt động, chị Tuyết xúc động: "Có lần xe thư viện lưu động về một xã heo hút ở huyện Trà Vinh, có rất nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hôm cuối cùng chuẩn bị về, trưa nắng oi bức, có một em nhỏ chừng 7, 8 tuổi gì đó, đạp xe đạp mồ hôi mồ kê nhễ nhại: Cô ơi, em tặng cô trái dưa hấu đi đường ăn cho mát! Mình cảm thấy ấm lòng trước tình cảm chân thành, mộc mạc của các em. Dù vất vả nhưng thấy sự hồ hởi trong mắt các em mình thấy vui lây và trẻ hoài. Nên còn sức là còn đi".
Nhận xét về điểm mới của chương trình, bà Trần Thị Dìn, Phó giám đốc GSL, chia sẻ: "Vùng sâu vùng xa thiếu sách và rất khao khát. Các em thậm chí không biết máy tính, laptop là gì, truy cập internet ra sao, đọc sách điện tử như thế nào. Qua những chuyến xe này, mình sẽ giúp các em làm quen với máy tính, sử dụng hiệu quả cả sách giấy và sách điện tử. Không chỉ thực hiện thư viện truyền thống, các cô thủ thư còn tổ chức sân chơi theo sách, giải câu đố, ô chữ, vẽ tranh, tô tượng... Với cái tâm và lòng nhiệt thành của các tổ chức, các tình nguyện viên, tin là chân trời của các em sẽ thêm xanh tươi và rộng mở".
>Văn hóa đọc đã được khơi thông
>Văn hóa đọc và nhận thức của xã hội
>Thư viện “nghèo nàn”, sinh viên “lụy”… Google
>Những thách thức của hệ thống thư viện Việt Nam