HandiConnect, kết nối yêu thương
Start up - Ngày đăng : 00:30, 23/05/2014
![]() |
HandiConnect, được ghép từ "handicap" (người khuyết tật) và "handicraft" (thủ công) cùng "connection" (kết nối), là dự án thương mại cộng đồng bán hàng thủ công giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam tại New Zealand.
![]() |
Nguyễn Thị Cẩm Vân, du học sinh tại Đại học Otago (New Zealand), người khởi xướng, bắt đầu công việc kinh doanh với dự án Crochet, chuyên bán hàng thủ công do phụ nữ nông thôn làm. Dự án này được Vân thực hiện khi thấy các công ty nước ngoài thuê nhân công tại quê mình (Huế) với giá quá rẻ.
Từ đây, Vân luôn bị thôi thúc bởi những ý tưởng tạo ra một mô hình kinh doanh nghề truyền thống, đem lại cơ hội việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với thu nhập tương xứng.
Dự án Crochet đã đoạt giải nhì trong chương trình Hội trại khởi nghiệp VYE BootCamp 2011 do Mạng lưới Khởi nghiệp trẻ Việt Nam (Viet Youth Entrepreneurs - VYE) phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM và Chương trình Đầu tư công nghệ thuộc Đại học Stanford (Mỹ) tổ chức.
Sau thành công tại VYE BooCamp, Vân thay đổi định hướng, mô hình kinh doanh cũng như định vị thị trường và cho ra đời HandiConnect. Dự án cộng đồng HandiConnect của Nguyễn Cẩm Vân đã đoạt giải thưởng Doing Good của cuộc thi Audacious - Business Idea (Audacious - Cuộc thi ý tưởng kinh doanh) do Đại học Otago tổ chức.
Mặt hàng chủ yếu mà HandiConnect kinh doanh là các loại sản phẩm lưu niệm thủ công: thú cuốn, thiệp giấy cuốn, thiệp 3D, khăn tay thêu... do người khuyết tật tại các trung tâm ở Huế, Hà Nội, Nha Trang... tự làm. Các sản phẩm này được chuyển sang New Zealand bằng đường hàng không do các du học sinh mang giúp.
Cứ vào mỗi cuối tuần, nhóm của Vân sẽ mang hàng bán tại các chợ ở Dunedin (New Zealand), toàn bộ lợi nhuận được gửi về cho các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Lợi nhuận sẽ được các tình nguyện viên trong nước trực tiếp tổ chức trao quà, học bổng... cho người khuyết tật.
Vân cho biết: "Ban đầu chúng tôi rất lo thị trường nước ngoài sẽ không chuộng các mặt hàng này. Sau một thời gian, lượng hàng bán khá nhanh, có lúc hết sạch vì người New Zealand luôn ưu tiên mua các sản phẩm mang tính nhân đạo. Họ còn động viên, góp ý để cải thiện sản phẩm".
Để đảm bảo nguồn hàng, HandiConnect tổ chức hệ thống tình nguyện viên (đến nay là 7 người) đảm bảo việc tìm và mua hàng từ các trung tâm nhân đạo tại Hà Nội, TP.HCM, Huế...
Sức lan tỏa từ hiệu quả và tính nhân văn của HandiConnect ngày càng được khẳng định tại New Zealand. Sau khi giành chiến thắng tại cuộc thi Audacious - Business Idea, dự án này đã được mời hợp tác từ Richard Thompson với chuổi 13 cửa hàng bán lẻ tại New Zealand, được hỗ trợ về truyền thông và thiết kế bao bì, nhãn mác. Mới nhất, Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo Hà Nội đã giúp đỡ HandConnect trong việc cải tiến bao bì theo yêu cầu của khách hàng.
Theo Cẩm Vân, HandiConnect là dự án thương mại cộng đồng, lợi nhuận sẽ chuyển ngược lại các công nhân tại các trung tâm nuôi dưỡng người khuyết tật. Vì vậy, nhóm đang lên kế hoạch để mở rộng kinh doanh bằng cách đưa sản phẩm của dự án vào các hệ thống bán lẻ và cửa hàng đồ lưu niệm tại các thành phố trong nước.
Song song đó, HandiConnect vạch ra hướng phát triển lâu dài bằng cách mở nhiều hệ thống bán hàng, tự vận hành và quản lý.
>Tìm vàng trong cát
>Sadec District: Cái nhìn hiện đại về thủ công mỹ nghệ
>Tăng giá trị khu vực thủ công, làng nghề
>Mộc mạc hàng thủ công
>Tiếp sức đến người khuyết tật
>DN sử dụng lao động là người khuyết tật được ưu đãi