Doanh nghiệp sẽ thất bại nếu không đi cùng người tiêu dùng

Trong nước - Ngày đăng : 03:35, 23/05/2014

Ông Dae-Pyo Jung, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, nói: "Khi doanh nghiệp (DN) đi cùng người tiêu dùng ngay từ đầu quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hiệu quả đạt được sẽ ở cả ba góc độ: người tiêu dùng, doanh nghiệp và quốc gia".
Doanh nghiệp sẽ thất bại nếu không đi cùng người tiêu dùng

Ông Dae-Pyo Jung, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, nói: "Khi doanh nghiệp (DN) đi cùng người tiêu dùng ngay từ đầu quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hiệu quả đạt được sẽ ở cả ba góc độ: người tiêu dùng, doanh nghiệp và quốc gia".

Đọc E-paper

* Hiện nay, số DN của Hàn Quốc đầu tư sản xuất tại Việt Nam khá nhiều. Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam được đặt ra như thế nào đối với các DN Hàn Quốc?

- Chúng tôi yêu cầu các DN của Hàn Quốc phải thực hiện hai nội dung. Thứ nhất, đối xử với nhân công Việt Nam giống như với nhân công Hàn Quốc tại Hàn Quốc. Thứ hai, phải chú ý quyền lợi của nhân công Việt Nam, bởi họ làm việc rất tốt, đóng góp vào sự tăng trưởng của DN Hàn Quốc. Một vấn đề nữa, DN Hàn Quốc phải chú trọng đến môi trường của Việt Nam trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Dae-Pyo Jung, Chủ tịch Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc

Tôi nghĩ, nếu DN Hàn Quốc tại Việt Nam vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, sẽ xử lý theo luật pháp của nước sở tại. Ví dụ, người tiêu dùng khiếu nại về sản phẩm của DN Hàn Quốc, sẽ xử lý theo luật pháp Việt Nam.

Xử lý các khiếu nại cũng như các vấn đề nảy sinh đối với người tiêu dùng Việt Nam, chúng tôi có một hệ thống tư vấn dành cho những người khiếu nại và có những văn phòng liên quan đến khiếu nại, tất nhiên đầu mối sẽ là Cục Quản lý Cạnh tranh (VCA) của Việt Nam.

DN Hàn Quốc đến Việt Nam ngày càng nhiều. Vì vậy, chúng tôi thông qua Hội Người Hàn Quốc tại VN để phổ biến việc bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tới các DN Hàn Quốc. Mới đây, VCA và 8 DN Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Những cam kết như vậy sẽ giúp các DN Hàn Quốc nỗ lực hơn trong bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

* Theo quan sát của ông, DN đang bảo vệ người tiêu dùng như thế nào?

- DN sẽ nhanh chóng thất bại, nếu không lấy người tiêu dùng làm trọng tâm. DN chỉ thực sự thành công khi nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Muốn thành công, DN phải đi cùng người tiêu dùng ngay từ đầu quá trình sản xuất cũng như kinh doanh sản phẩm. Trong suốt quá trình đó, DN phải đáp ứng những điều kiện cần của người tiêu dùng, phải tư vấn cho người tiêu dùng trước và cả sau khi mua hàng.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề chúng tôi nhận ra là Việt Nam chưa có hệ thống tư vấn người tiêu dùng ở tất cả các tỉnh, thành phố. Hoạt động tư vấn chưa có sự liên kết trên cả nước, chưa đủ sức hỗ trợ người tiêu dùng khi họ bị tổn hại, cần bồi thường do mua phải những sản phẩm hỏng, kém chất lượng.

Hàn Quốc đã có hệ thống này, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, ở khu vực nào người tiêu dùng bị tổn hại, nhân viên tư vấn sẽ tư vấn trực tiếp (gặp gỡ, điện thoại), giúp họ được bồi thường. DN có nhiều sản phẩm bị người tiêu dùng phản hồi chắc chắn mất thị trường.

Thông qua dự án "Tăng cường chính sách bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc đã sẵn sàng triển khai dự án cho đến hết năm 2015, với vai trò là cơ quan hợp tác để giúp Việt Nam xây dựng chính sách người tiêu dùng và chuyển giao hệ thống tư vấn bảo hộ người tiêu dùng Hàn Quốc cho Việt Nam.


* Để bảo vệ người tiêu dùng, Việt Nam cần xây dựng các cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính... Vậy, Hàn Quốc có thể hỗ trợ Việt Nam những gì?

Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc trong khả năng của mình, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam. Hiện, chúng tôi tập trung hỗ trợ nâng cao nhận thức về quyền lợi của người tiêu dùng. Khi có vấn đề xảy ra, họ phải biết mình có quyền đòi hỏi quyền lợi và các DN phải cung cấp.

* Cảm ơn ông!

TRÌNH TIÊU thực hiện