Trung Quốc cố tình viện dẫn sai lệch Công thư 1958

Trong nước - Ngày đăng : 05:26, 24/05/2014

Công thư 1958 là một văn bản ngoại giao, và chỉ có giá trị pháp lý về vấn đề nêu trong Công thư. Trong Công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, không nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Trung Quốc cố tình viện dẫn sai lệch Công thư 1958

Tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông diễn ra ở Hà Nội hôm 23/5/2014, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải một lần nữa khẳng định và thông tin thêm cho báo giới về việc Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Trần Duy Hải đã viện dẫn lịch sử từ thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời phản đối các yêu sách của nước khác đối với hai quần đảo này. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này cũng đã được thừa nhận tại hội nghị San Francisco (tháng 9/1951).

Sau đó, theo Hiệp định Geneve về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Pháp rút khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia hội nghị Geneve 1954 nên biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của hội nghị đó.

Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động này. Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế đã quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.

"Bị vong lục" ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Gần đây, Trung Quốc đã cố tình viện dẫn sai lệch Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 nhằm bóp méo sự thật về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại cuộc họp báo, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia đã giải đáp cho báo giới về việc này. Ông Hải cho hay, Công thư đó là một văn bản ngoại giao, và chỉ có giá trị pháp lý về vấn đề nêu trong Công thư, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố. Trong Công thư không đề cập chủ quyền lãnh thổ, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, Công thư đương nhiên không có giá trị pháp lý đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Cùng có mặt tại cuộc họp báo, ông Ngô Ngọc Thu - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam giải thích thêm, giá trị của Công thư này phải đặt vào bối cảnh cụ thể. Bởi khi có Công thư gửi cho Trung Quốc, lúc bấy giờ Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa theo Hiệp định Geneva 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia.

“Nói một cách khác, bạn không thể cho người khác cái mà bạn chưa có được. Do đó, Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị công nhận chủ quyền đối với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của Trung Quốc”, ông Thu khẳng định.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến các vấn đề pháp lý, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có tư cách là một quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc và là một quốc gia thành viên của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Do đó, Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như trong Công ước về Luật biển năm 1982 để giải quyết các tranh chấp liên quan đến mình.

Việc sử dụng các biện pháp hòa bình bao gồm cả khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như Công ước Luật biển đã đề cập.

Thứ hai, việc sử dụng biện pháp hòa bình, trong đó có việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế là phù hợp. Hơn nữa, sử dụng biện pháp pháp lý sẽ tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết: "Lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định Việt Nam không loại trừ việc sử dụng bất kỳ một biện pháp hòa bình nào để có thể giải quyết tranh chấp. Vì vậy, với tư cách cơ quan tham mưu, chúng tôi có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng mọi biện pháp có thể sử dụng được".

>Mỹ hối thúc ASEAN - Trung Quốc đẩy nhanh đàm phán về COC
>Trung Quốc đang ứng hiếp khu vực, thách thức các nước lớn
>
Mỹ lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông
>Nhật yêu cầu Trung Quốc giải thích hành vi ở biển Đông
>
Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi không sử dụng vũ lực trên Biển Đông 
>Thủ tướng Malaysia: Giải pháp cho Biển Đông là luật pháp quốc tế
>Vấn đề Biển Đông: Mỹ không chấp nhận hành vi uy hiếp, cưỡng bức

P.V (tổng hợp)