Khi tỷ phú làm Tổng thống
Quốc tế - Ngày đăng : 07:25, 30/05/2014
Trên thế giới đã có nhiều trường hợp tỷ phú trở thành chính trị gia lãnh đất nước. Tân Tổng thống Ukraine là một trường hợp như vậy. Tuy nhiên, liệu ông có đi vào "vết xe đổ"?
Sự kiện tỷ phú Petro Poroshenko trở thành tân Tổng thống của Ukraine đem đến hi vọng ông sẽ giúp hạ nhiệt cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, tạo lập cây cầu nối Ukraine với phương Tây đồng thời cải thiện nền kinh tế đang trì trệ. Người ta cũng hi vọng vị Tổng thống mới có thể ngăn chặn kịch bản nội chiến bùng nổ ở Ukraine.
Tuy nhiên, có lẽ niềm hi vọng lớn nhất là Poroshenko sẽ trở thành vị tổng thống xuất thân từ tỷ phú đầu tiên trên thế giới có thể đem lại kỳ tích.
Dẫu vậy, Poroshenko không có nhiều cơ hội. Một trong những lý do nằm ở chính Ukraine.
Các cựu Tổng thống của đất nước này, từ Viktor Yanukovych đến Viktor Yushchenko hay Leonid Kuchma, tỏ ra quan tâm đến việc xây dựng những căn biệt thự xa hoa ở vùng nông thôn và “bịt miệng” phe đối lập hơn là xây dựng nền kinh tế bền vững và xã hội dân sự.
Được biết đến với biệt danh “ông hoàng socola”, Poroshenko sở hữu Roshen Sweets – công ty sản xuất socola và nhiều sản phẩm bánh kẹo khác. Các cử tri Ukraine hi vọng rằng Poroshenko sẽ sử dụng quyền lực để tạo nên hòa bình với Nga và cả thịnh vượng cho Ukraine chứ không phải để làm giàu hơn nữa cho bản thân. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề của các tổng thống xuất thân là tỷ phú.
“Vấn đề của Poroshenko nằm ở chỗ bản thân ông ấy là một doanh nhân xuất sắc. Ông ấy sẽ phải tách biệt giữa kinh doanh và chính trị”, Olexiy Haran – giáo sư nghiên cứu chính trị đến từ ĐH quốc gia Kyiv nhận định trên tờ Washington Post.
Kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy đây là điều không dễ dàng.
Silvio Berlusconi là ông trùm trong ngành truyền thông nước Ý và đã có 3 nhiệm kỳ làm Thủ tướng Ý từ năm 1994 đến 2011. Tuy nhiên, ông đang phải ngồi tù sau khi bị buộc tội gian lận thuế và quan hệ tình dục với gái mại dâm chưa đủ tuổi trưởng thành.
Mặc dù Berlusconi và những người ủng hộ ông luôn cho rằng ông chỉ là một nạn nhân của phe cánh tả, không thể phủ nhận sự thực là nền kinh tế và cả hệ thống chính trị Italia đều “ngổn ngang” dưới thời của ông.
Một trường hợp khác là Thaksin Shinawatra. Cựu Thủ tướng đã bị phế truất của Thái Lan cũng là một nhà tài phiệt. Giờ đây ông đang sống lưu vong nhằm tránh bị buộc tội tham nhũng. Người em gái Yingluck Shinawatra cũng bị phế truất khỏi ghế Thủ tướng.
Phe áo đỏ cho rằng ông Thaksin bị đối xử không công bằng. Tuy nhiên, tòa án Thái đã kết luận tài sản 1,4 tỷ USD của nhân vật này được tạo ra một cách phi pháp khi ông còn là Thủ tướng. Nền kinh tế Thái Lan trì trệ cũng là dấu hiệu cho thấy ông Thaksin đã không thể cải thiện đáng kể sức khỏe của nền kinh tế.
Liệu có tồn tại mối quan hệ nhân quả nào giữa khối tài sản khổng lồ và năng lực lãnh đạo? Những ví dụ kể trên đều nằm ở các nước có tiền lệ tham nhũng hoặc có những nhược điểm không thể sửa chữa chỉ trong 1 – 2 nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, nhìn chung, các tỷ phú có một số đặc điểm chung gây bất lợi cho việc lãnh đạo đất nước. Thành công của họ đến từ việc khởi nghiệp, lách luật, bỏ qua những lời chỉ trích … Gạt lợi ích cá nhân sang một bên là điều không dễ dàng đối với các tỷ phú.
Theo một khảo sát mới được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu chính sách CPS, gần 3/4 tỷ phú được hỏi cho rằng các lợi ích kinh tế là động lực chính trong các quyết định của họ. Ngược lại, nếu là một nhà lãnh đạo chính trị, có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định: cam kết, hợp tác và lợi ích chung.
Có thể, trên thế giới sẽ xuất hiện nhân vật có thể thành công ở cả hai vai trò tỷ phú và chính trị gia. Tuy nhiên, tân Tổng thống của Ukraine không phải là người đầu tiên.
>10 chính trị gia giàu nhất thế giới
>Tỷ phú Poroshenko tuyên bố đắc cử Tổng thống Ukraine
>Tòa Thái Lan phát lệnh bắt cựu Thủ tướng Thaksin