6 cặp vợ chồng quyền lực trên thương trường
Chân dung - Ngày đăng : 07:12, 01/06/2014
Họ cùng điều hành doanh nghiệp, và mỗi người đều tạo được sức ảnh hưởng lớn riêng và cho doanh nghiệp mình điều hành.
1. Trần Phương Bình - Cao Thị Ngọc Dung
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á vốn nổi tiếng với phương châm điều hành "Đi chậm mà chắc", tức không chạy đua theo chỉ tiêu mà quên đi quản trị rủi ro. Đó cũng chính là quan điểm trong xây dựng chiến lược phát triển của DongA Bank và giúp nhà băng này đứng vững trong bối cảnh kinh tế khó khăn những năm qua.
Là một thầy giáo gắn bó 8 năm liền trên bục giảng và bất ngờ rẽ sang kinh doanh, tưởng chừng là điều rất khó thích ứng nhưng ông Bình đã vượt qua tất cả và trở thành một CEO khá bản lĩnh trên thương trường.
Từ một ngân hàng không tên tuổi với số vốn điều lệ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, ông Bình và các đồng sự đã định vị được thương hiệu DongA Bank với một mô hình ngân hàng bán lẻ, quy mô vốn năm 2013 là 5.000 tỷ đồng, dự kiến lên 6.000 tỷ trong năm nay. DongA Bank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tự chế tạo ra được máy ATM bán vàng tự động.
Vợ ông Bình là bà Cao Thị Ngọc Dung hiện làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận- PNJ. Bà Dung được giới trong ngành mệnh danh là "nữ tướng vàng nữ trang" khi dẫn dắt một doanh nghiệp nữ trang hàng đầu Việt Nam.
Để có được thành công đó, vị nữ tướng ấy đã trải qua một chặng đường đầy gian nan. Từ những năm 1990 với xuất phát điểm là con số 0 (không kinh nghiệm, không tay nghề, không tiềm lực tài chính...) bà đã tự thân mày mò khắp nơi từ trong nước đến thế giới để học hỏi kinh nghiệm.
Có những lúc, bà cảm thấy nản lòng và muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi được sự động viên của người chồng (ông Trần Phương Bình) cùng với những người bạn tốt, bà đã tiếp tục bước đi. Để rồi, chỉ vài năm sau ngày thành lập, bà Cao Thị Ngọc Dung đã tạo ra được những sản phẩm nữ trang đầu tiên tại Việt Nam sản xuất theo mô hình công nghiệp và tạo tiền đề cho sự phát triển ngành nữ trang công nghiệp của Việt Nam.
Trang sức PNJ hiện không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn xuất sang nhiều nước khác. Công ty của bà Dung từng được tổ chức Plimsoll (Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 công ty trang sức lớn nhất trong khu vực châu Á.
Bản thân vị CEO này từng được vinh danh Top 5 doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam trong Giải thưởng “Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2012” do VCCI phối hợp cùng Ernst & Young thực hiện.
Hiện ông Trần Phương Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu Ngân hàng Đông Á, bà Dung nắm giữ 7,77 triệu cổ phiếu nhà băng này cùng 7,6 triệu cổ phiếu PNJ.
2. Nguyễn Đăng Quang - Nguyễn Hoàng Yến
Ông Nguyễn Đăng Quang được biết đến là người xây dựng nên tập đoàn doanh nghiệp tư nhân thuộc loại lớn nhất Việt Nam - Tập đoàn Masan (vốn chủ sở hữu hơn 14.400 tỷ đồng) với nhiều lĩnh vực như thực phẩm, ngân hàng, khoáng sản. Ông sinh năm 1963 tại Quảng Trị, là Tiến sĩ vật lý.
Ông Quang từng được biết đến là một doanh nhân thành đạt tại thị trường Đông Âu khi đã khám phá và khai thác thành công sản phẩm mì gói ăn liền vào đầu thập niên 1990.
Từ khi về Việt Nam vào đầu những năm 2000 đến nay, với sự kín tiếng, thành công nhanh chóng cũng như những thương vụ M&A khủng của Masan khiến giới kinh doanh đề cao ông. Trong đó, dấu ấn lớn nhất của ông Quang phải kể đến việc thương thảo thành công thương vụ mua lại Núi Pháo, mỏ vonfram lớn nhất thế giới, có khả năng mang lại doanh thu 400-500 triệu USD mỗi năm từ nhà đầu tư nước ngoài Dragon Capital.
Dù có quyền lực rất lớn tại Tập đoàn Masan nhưng rất khó thống kê tài sản của ông Quang. Bởi lẽ ông đầu tư vào nhiều doanh nghiệp, nắm giữ theo kiểu cha-con, liên kết, cho tới mạng lưới đan xen và nắm giữ thông qua những người liên quan như vợ, con... Còn ở những doanh nghiệp niêm yết trên sàn, cá nhân ông chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu MSN.
Đồng hành cùng chồng, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện cũng giữ vai trò thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Masan Group, thành viên HĐQT của Masan Consumer.
Khác với ông Quang, bà Yến đang nắm giữ gần 22 triệu cổ phiếu MSN trị giá trên 2.200 tỷ đồng tính đến cuối tháng 2/2014 và là người giàu thứ 7 trên thị trường chứng khoán Việt Nam đầu năm 2014.
3. Trần Mộng Hùng - Đặng Thu Thủy
Ông Trần Mộng Hùng sinh năm 1953, là một trong những người sáng lập nên Ngân hàng Á Châu - ACB, từng 16 năm trực tiếp tham gia điều hành và quản trị ở các vị trí cao nhất. Suốt quá trình đó, ACB đã thành công khi trở thành ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất Việt Nam, xét một cách khá toàn diện.
Năm 2008, ông rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị, sau khi Hội đồng quản trị đã có một cơ cấu mà ông tham gia tổ chức và thấy an tâm - như lý do mà ông từng đưa ra. Sau bốn năm, tức vào năm 2012 thì ông chính thức quay lại với vị trí thành viên Hội đồng quản trị ACB, sau "sự cố Bầu Kiên".
Vợ ông Hùng là bà Đặng Thu Thủy cũng đang là thành viên Hội đồng quản trị ACB. Bà Thủy làm việc tại Ngân hàng Á Châu từ khi ngân hàng này mới thành lập và từng nắm nhiều chức vụ quan trọng như Chánh văn phòng, Giám đốc nhân sự, Giám đốc khối quản trị nguồn lực.
Tại ACB, ông Hùng đang sở hữu 16,52 triệu cổ phần chiếm 1,82% vốn điều lệ ngân hàng, còn số cổ phần mà bà Đặng Thu Thủy đang nắm giữ là gần 11 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 1,17%. Số cổ phần này ứng với giá trị tài sản đạt lần lượt gần 255 tỷ đồng và 170 tỷ đồng.
Con trai của hai vợ chồng ông bà là Trần Hùng Huy hiện giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB. Ông Huy đang sở hữu 28,77 triệu cổ phần ACB, tương ứng 3,07%.
4. Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc
Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, là người sáng lập ra Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank. Ông đã giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank từ năm 1995 cho đến cuối năm 2012 (thời điểm ngân hàng bị thâu tóm). Ông được xem là người có công lớn trong việc đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất và uy tín nhất tại Việt Nam.
Sau vụ thâu tóm Sacombank của nhóm cổ đông lớn, ông Thành chính thức rời khỏi ngân hàng này vào cuối năm 2012 và gần như ẩn danh. Trong buổi ký kết hợp tác giữa Công ty đầu tư Thành Thành Công và Công ty Tây Nam mới đây, ông bất ngờ xuất hiện với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công và cho biết đang tập trung mạnh vào mảng nông nghiệp và du lịch.
Cùng với tiếng tăm của chồng, bà Huỳnh Bích Ngọc cũng được mệnh danh là "nữ hoàng ngành mía đường". Ban đầu chỉ vì mục đích mưu sinh, bà cùng chồng tham gia vào ngành này.
Từ khi ông Thành tham gia vào mảng ngân hàng, toàn bộ mảng kinh doanh này được giao lại cho bà Ngọc quản lý. Với sự nhạy bén, linh hoạt vốn có, bà Ngọc đã không ngừng phát triển doanh nghiệp lớn mạnh.
Bà Ngọc không xuất hiện trong top những người giàu trên sàn chứng khoán nhưng lại là nữ doanh nhân được trọng vọng bởi nắm trong tay rất nhiều doanh nghiệp lớn của ngành mía đường như Thành Thành Công, Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa...
Nếu không có biến cố về vụ thâu tóm Sacombank năm 2012, gia đình ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc được giới doanh nhân xem là thành đạt và hạnh phúc hiếm có. Không chỉ kinh doanh giỏi, vợ chồng ông Thành - bà Ngọc còn có tài dạy con. Nhờ vậy mà cả gia đình đều là những doanh nhân thành đạt trên thương trường.
5. Lê Văn Quang - Chu Thị Bình
Ông Lê Văn Quang sinh năm 1958 tại Quảng Ninh. Ông vốn là một kỹ sư công nghệ chế biến thuỷ sản và làm trong doanh nghiệp nhà nước. Sau đó ông theo con đường riêng, làm đại lý thu mua tôm cho doanh nghiệp tư nhân. Đến năm 1992, Xí nghiệp chế biến cung ứng hàng xuất khẩu Thủy hải sản Minh Phú được thành lập với số vốn khởi điểm 120 triệu đồng.
Bằng sự cần mẫn, chịu khó, vừa làm vừa tích lũy, ông Quang cùng với vợ là bà Chu Thị Bình, sinh năm 1964 tại Thái Bình đã đưa quy mô hoạt động của Minh Phú ngày càng mở rộng và phát triển như ngày hôm nay.
Minh Phú hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú vượt kế hoạch 12%. Tổng doanh thu đạt 11.111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 293,8 tỷ đồng, đạt 99,6% kế hoạch.
Hiện ông Quang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú (MPC); Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chế biến Thủy sản Minh Phát. Bà Chu Thị Bình đảm trách vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú.
Sự thành công của Minh Phú ngày nay có dấu ấn rõ nét của bà Bình. Từ một công nhân thu mua tôm, rồi kế toán của Xí nghiệp Đông lạnh Cà Mau, bà đã tự tích lũy kinh nghiệm và kiến thức ngành thủy sản và rồi gặp gỡ ông Quang. Sau khi kết hôn, cả hai cùng nhau tạo dựng sự nghiệp.
Tính đến ngày 20/5, ông Quang đang nắm giữ 15,96 triệu cổ phiếu, tương đương 23,13% vốn điều lệ công ty. Bà Bình cũng giữ hơn 17,47 triệu cổ phiếu MPC, ứng với tỷ lệ sở hữu 25,33%.
6. Phạm Nhật Vượng - Phạm Thu Hương
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật, kinh tế địa lý tại Đại học Moscow Geology ở Nga, ông chuyển đến Ukraine sinh sống. Tại đây, ông khởi nghiệp bằng hoạt động kinh doanh sản xuất mì ăn liền và khoai tây nghiền. Sau đó, ông phát triển Tập đoàn kinh tế Technocom - giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nhanh tại quốc gia Đông Âu này.
Năm 2009, ông bán công ty thực phẩm này cho Nestle và chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh về Việt Nam. Ông Vượng tham gia lĩnh vực bất động sản du lịch với thương hiệu Vinpearl tại Nha Trang và lĩnh vực bất động sản thương mại với thương hiệu Vincom tại Hà Nội. Năm 2012, ông sáp nhập Vincom và Vinpearl thành Vingroup, một trong những công ty có giá trị lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Năm 2013, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên có tên trong danh sách tỷ phú thế giới của tạp chí danh tiếng Mỹ (Forbes). Ông xếp thứ 974, với số tài sản tương đương 1,5 tỷ USD. Trong danh sách mới cập nhật vào tháng 3/2014 của Forbes về những người giàu nhất thế giới, ông tiếp tục được ghi tên cùng với 52 tỷ phú khác đứng đồng hạng 1.092 khi có khối tài sản ròng là 1,6 tỷ USD.
Đồng hành cùng thành công của ông Vượng là người vợ Phạm Thu Hương. Bà cũng là một cựu sinh viên học tại Nga và là một trong những cổ đông sáng lập tập đoàn Technocom. Bà Hương sinh năm 1969 tại Hà Nội và là cử nhân Luật quốc tế tại Ukraine. Hiện nay bà Hương là Phó chủ tịch Tập đoàn Vincom (Vingroup) và luôn nằm trong top đầu những nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Tính theo giá cập nhật đến ngày 20/5, bà Hương đang có trên 3.200 tỷ đồng khi sở hữu hơn 49 triệu cổ phiếu của VIC. Còn ông Phạm Nhật Vượng có hơn 18.640 tỷ đồng, với trên 285 triệu cổ phiếu của VIC.
>Những gia đình quyền lực trong ngành ngân hàng
>Những doanh nhân quyền lực nhất ngành thép Việt
>4 doanh nhân gốc Hoa thành đạt ở Việt Nam
>5 doanh nhân gốc Bình Định nổi danh trên thương trường