Thêm nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp ổn định
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 04:37, 03/06/2014
Cuộc gặp gỡ giữa cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND các tỉnh, thành phố Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM diễn ra ngày 30/5 lưu tâm nhiều đến tiền lương, thuế và thời gian chi trả bảo hiểm DN.
Mục đích của buổi gặp gỡ là đưa ra các đề xuất, góp ý cho những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các DN nước ngoài, giúp DN ổn định sản xuất, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo đó, tại hội nghị, cộng đồng DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã bày tỏ sự đồng tình trước những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương trong việc nhanh chóng ổn định tình hình, giúp DN khắc phục hậu quả sau vụ gây rối tại nhiều khu công nghiệp phía Nam.
Nhân dịp này, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, trong đó có tiền lương, thuế và chính sách bảo hiểm là những vấn đề cần sớm được giải quyết.
Đại diện Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise, bà Liu Mei Teh, cho biết, tại Việt Nam, DN Đài Loan đầu tư nhiều trong lĩnh vực sản xuất, nên mỗi năm có thể giải quyết được khoảng 1,4 triệu việc làm.
Qua việc những kẻ gây rối phá phách các nhà máy ngày 13/5 và trước các biện pháp khắc phục từ phía Việt Nam, bà Liu Mei nêu lên một số điều chưa thống nhất trong việc giải quyết tiền lương cho nhân công trong thời gian DN bị đình trệ sản xuất, cũng như cách tính thuế cho DN và giải quyết bảo hiểm xã hội theo Công văn 3758/VPCP-KTTH ban hành ngày 26/5/2014 về một số giải pháp hỗ trợ DN khắc phục thiệt hại.
"Tôi kiến nghị Nhà nước cần giải quyết theo mức độ thiệt hại của DN. Từ đó, nên căn cứ vào tình trạng của mỗi DN để có hướng xử lý khác nhau. Vấn đề giám định thiệt hại để bồi thường, chúng tôi cũng mong Nhà nước hối thúc các công ty bảo hiểm làm nhanh vì ảnh hưởng đến tiến độ tái sản xuất của DN", bà Liu Mei Teh chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện Hiệp hội DN Trung Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, hai năm trở lại đây, số lượng DN Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam ngày càng tăng, do đó, họ rất mong muốn Chính phủ, các cơ quan ban ngành Việt Nam sớm có biện pháp hối thúc các công ty bảo hiểm nhanh chóng giám định và bồi thường cho DN bị thiệt hại.
Trong vai trò Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), bà Nicola Connolly cho biết, dù phía DN châu Âu không có thiệt hại, vẫn kỳ vọng nhiều ở những giải pháp từ phía Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo môi trường đầu tư, trong đó có các vấn đề ưu đãi về thuế, giải pháp chi trả tiền lương tháng 5 và 6 cho công nhân.
Giải đáp kiến nghị của các đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, cho hay, theo Công văn 3758/VPCP-KTTH đối với người lao động ngừng việc từ ngày 12 đến 25/5 thì DN và người lao động chia sẻ với nhau trên cơ sở thương lượng, chi phí này được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp DN ngừng làm việc từ 12 - 25/5, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ và sẽ sớm có hồi đáp đến DN.
Ông Vũ Tiến Lộc, Giám đốc VCCI cho biết, qua 10 ngày triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 21/5) về giải quyết khó khăn cho DN FDI, hầu hết DN tại các khu công nghiệp bị phá phách đã quay trở lại hoạt động. Song, theo ông Lộc, thời gian tới vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa DN, cơ quan quản lý nhằm tăng cường phối hợp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho DN.
Đại tá Hồ Văn Mười, Phó cục trưởng Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư (Bộ Công an) đề nghị các DN sớm thành lập các phòng ban, đội bảo vệ. Lực lượng công an sẽ huấn luyện và phối hợp bảo vệ an ninh tốt nhất cho DN.