Thương hiệu Châu Á chinh phục thế giới
Bình luận - Ngày đăng : 04:35, 05/06/2014
![]() |
Các công ty đa quốc gia mới nổi của châu Á sẽ thay đổi thế giới khi tạo nên những cuộc cách mạng mới.
![]() |
Ấn Độ nổi lên là một thị trường sản xuất dược phẩm lớn nhất thế giới |
Theo The Economist, trong những năm 1920, các công ty Anh sở hữu 40% đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến năm 1967, Mỹ dẫn đầu với thị phần 50%. Đằng sau những con số này là cuộc cách mạng về văn hóa, thay đổi cuộc sống của con người.
Các công ty của Anh phổ biến điện báo và tàu hỏa ở Mỹ Latinh, trong khi các công ty Mỹ vẽ ra một tầm nhìn về cuộc sống tốt đẹp qua những bộ phim của Hollywood và quảng cáo. Kelloggs đã thay đổi bữa ăn sáng của người dân châu Âu và Kodak tạo nên cuộc cách mạng trong việc ghi lại những hình ảnh của cuộc sống.
Nhiều dự báo cho thấy, các cuộc cách mạng tiếp theo sẽ diễn ra ở châu Á và xu hướng này một lần nữa cũng tạo nên những thay đổi trên thế giới.
Châu Á đang là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. GDP của khu vực đã tăng từ 20% lên 28% kể từ năm 1984. Nhiều quốc gia trong khu vực đã hình thành nên những công xưởng của thế giới. Thế nhưng, chỉ một phần mười của các thương hiệu có giá trị nhất thế giới thuộc về châu Á và các công ty đa quốc gia xuất phát từ khu vực này chỉ sở hữu 17% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới.
Trong sự bùng nổ từ năm 2002 và 2010, lợi nhuận có được dễ dàng nhờ lao động và tín dụng giá rẻ. Hai phần ba của các công ty lớn của châu Á hoạt động theo mô hình gia đình trị. Các công ty truyền thống có xu hướng thân với chính phủ và nhận được đất giá rẻ và cho vay. Một nửa số tài sản của tỷ phú ở châu Á có nguồn gốc từ bất động sản, so với 15% ở phương Tây.
Ngoài các công ty Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, công ty ở các quốc gia còn lại không tập trung cho đổi mới. Các nhà sản xuất xe lớn nhất của Ấn Độ và Trung Quốc như Mahindra & Mahindra và Great Wall có ngân sách nghiên cứu và phát triển (R&D) tổng cộng chỉ bằng 3% ngân sách của Volkswagen. Đó là lý do tại sao iPhone sản xuất chủ yếu tại Trung Quốc nhưng lợi nhuận lại đổ về Mỹ.
Nhưng có nhiều yếu tố buộc các công ty châu Á đang phải thay đổi.
Trước hết, chi phí lao động đang tăng lên, nhất là ở Trung Quốc, và lực lượng lao động của Đông Á đang già đi. Thứ hai, tầng lớp trung lưu châu Á đang có nhu cầu nhiều hơn và cao hơn. Họ không còn hài lòng với túi xách giả Louis Vuitton; họ muốn không khí trong sạch, thực phẩm an toàn và giải trí nhiều hơn, và đang điên cuồng trong tình yêu với internet. Thứ ba, mức độ cạnh tranh với các công ty đa quốc gia phương Tây, đã đầu tư 2 ngàn tỷ USD vào châu Á, cũng tăng cao.
Với thị trường như vậy, các công ty châu Á đang thích ứng và trở nên mạnh mẽ. Để đáp ứng với tiền lương tăng, sản xuất được chuyển từ Trung Quốc đến Đông Nam Á và châu Phi, do các công ty Nhật Bản cũng đang lo lắng về một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc như Haier có kế hoạch để tự động hóa nhà máy và sản xuất nhiều các sản phẩm thông minh. Hàn Quốc đang nỗ lực để tiếp tục vượt lên phía trước. Chi tiêu của Samsung vào R&D tăng 24% trong năm 2013.
Báo chí Mỹ đã liệt kê ít nhất bốn thương hiệu sáng tạo có xuất xứ từ Đại lục: nhà sản xuất smartphone Xiaomi (trị giá 10 tỷ USD); Công ty Công nghệ Tencent (có thị trường lớn hơn Cisco hay HP, có người dùng lớn hơn Twitter và doanh số cao hơn Facebook); Huawei (tuyển 70.000 lao động, đang dẫn đầu công nghệ 5G); và Công ty Công nghệ B.G.I (dẫn đầu thế giới về công nghệ DNA).
Để thách thức các đối thủ nước ngoài, các công ty châu Á đang toàn cầu hóa theo gương của Samsung và Toyota. Lenovo, một công ty máy tính phát triển mạnh của Trung Quốc có cách quản trị kiểu phương Tây và nhiều nhân viên nước ngoài. Huawei đã vượt qua Ericsson trong các thiết bị viễn thông. Sun Pharma của Ấn Độ hiện là một trong các công ty dược phẩm lớn nhất thế giới. Tencent, được mệnh danh là Facebook của Trung Quốc, đã thuê cầu thủ bóng đá Lionel Messi để quảng cáo dịch vụ của mình ở nước ngoài...
Lịch sử cho thấy người tiêu dùng sẽ thích ứng nhanh. Vì vậy, các chuyên gia dự báo trong 20 năm, những công nghệ chữa bệnh cho người già tiên tiến sẽ đến từ Nhật Bản, các ứng dụng web tốt nhất sẽ đến từ Ấn Độ và thời trang cao cấp đến từ Trung Quốc. Và đó là cách Châu Á sẽ thay đổi thế giới.
>Kinh tế châu Á: Mỏ neo và gió thổi ngược
>LHQ: Kinh tế châu Á năm 2013 tăng trưởng thấp
>Việt Nam trước “liều thuốc đắng” cho kinh tế châu Á