Mọi chuyện đều ổn chứ?
Du lịch - Ngày đăng : 07:15, 29/06/2014
Hôm trước tôi có dịp vào viện dưỡng lão ở ngoại ô Paris thăm một người quen. Đây là nhà dưỡng lão chất lượng phục vụ thuộc loại tốt, các cụ vào đây mỗi tháng phải trả 2.800 euro, có cả những khu dưỡng lão cao cấp giá 6.000 euro/tháng dành cho người giàu.
Mỗi người ở một phòng riêng, có y tá giúp vệ sinh cá nhân, có khu ăn uống chung, có phòng tập dưỡng sinh và thể dục, có vườn và hồ bơi để thư giãn, cửa đi ra đường phải dùng mã số để mở vì sợ các cụ nhớ nhớ quên quên rồi đi lạc. Hằng tuần lại có một hoạt động văn nghệ, làm đồ thủ công như ở trường mẫu giáo.
Bước vào sân trong, những người đến thăm trẻ cũng như già đều lập tức thấy lòng chùng xuống. Những cụ già ngồi xe lăn, những cụ chống gậy, những cụ ngồi im trên ghế hàng giờ, mắt nhìn vô định.
Có những cụ đã sống ở đây 25 năm trước khi chết. Pháp đang thiếu người làm công việc phục vụ tại các viện dưỡng lão, không phải vì lương thấp, mà chắc là vì rất ít người muốn làm việc ở đây.
Người bạn của tôi kể, ông C., một người Pháp từng tranh đấu cho hòa bình ở Việt Nam, đã sống ở đây 10 năm trước khi chết. Vì ông không có con cái thăm nuôi nên bạn bè ông mới lập ra "Hội những người bạn của C" để quyên góp tiền giúp đỡ ông lúc tuổi già. Hội trưởng là một bà người Pháp.
Ông C. mất với ý nguyện được hỏa táng, phần tro cốt ông mong muốn rải ở Việt Nam một nửa, nước Pháp một nửa, hai quê hương đã tạo nên cuộc đời, sự nghiệp của ông!
Hôm tôi đến là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Thăng Thiên, từ chiều hôm trước, các cửa ngõ xung quanh Paris đã kẹt xe tổng cộng 250km vì các gia đình đều nhân dịp này đi nghỉ ở vùng quê. Viện dưỡng lão ở đây thì vẫn đìu hiu, chỉ toàn những mái đầu tóc trắng. Trong khu vườn phía dưới, bên đám hồng tường vi nở rực rỡ, chỉ có tôi cùng ba người bạn già ngồi với nhau.
Bỗng có hai phụ nữ đi đến, cô con gái tuổi cũng đã hơn 50, đỡ bà mẹ già bước từng bước. Khi đi ngang qua chỗ chúng tôi, bà cụ đứng lại, nói: "Bonjour, Ҫa va?" (Chào, khỏe không?). Ba người già đáp lại: "Ҫa va, très bien" (Rất ổn).
Vô cùng tự nhiên, bà cụ bắt nhịp bài hát "Tout va très bien" (Mọi thứ đều ổn cả), cô con gái và những người già đều hát theo. Điệp khúc "Tout va très bien" cứ lặp đi lặp lại, những mái tóc trắng theo nhau ngả nghiêng. Hát xong, hai mẹ con bà tiếp tục từng bước chậm rãi.
Những người bạn già sau đó cũng chẳng ai trò chuyện nữa. Buổi chiều ở viện dưỡng lão vắng hiu dài như vô tận, chẳng phải vì ngày mùa Hè ở châu Âu nắng vẫn còn đến chín, mười giờ đêm trong khu vườn đầy hoa hồng tường vi này.
Trên đường về, ông bạn người Việt sống quá lâu ở Pháp giải thích rằng đó là một bài hát phổ biến, "Tout va très bien, madame la marquise" rất hài, bà bá tước đi xa gọi điện về cho anh quản gia hỏi ở nhà thế nào, anh quản gia đáp: "Mọi thứ đều ổn cả”, chỉ có cái này cái kia bị hỏng một tý, nhưng cứ "Tout va très bien" mãi cho đến cuối bài thì mới biết cái nhà đã bị cháy.
Hiểu ra cái kết bài đó, tôi bỗng như thấy trong cái sự lạc quan của bà cụ người Pháp sống ở viện dưỡng lão kia có pha chút màu hài hước, mỉa mai về hoàn cảnh của mình. Mỗi ngày bà hát bao nhiêu lần điệp khúc đó nhỉ?
Bà làm tôi nhớ về những cuộc tranh luận trên báo về sự xuất hiện của các viện dưỡng lão cao cấp ở Việt Nam, và xu hướng khuyến khích người Việt không có điều kiện tự tay chăm sóc cha mẹ tốt thì nên đưa các cụ vào viện dưỡng lão chất lượng cao để thụ hưởng chăm sóc y tế, nâng cao sức khỏe, được giao tiếp.
Ở ta, không có người Việt nào dám thừa nhận chuyện mình đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, dù nó cao cấp vì sợ cái tiếng bất hiếu. Người già Việt tuy ở với con cái nhưng chỉ biết làm bạn với cái tivi, may mắn lắm thì biết chăm chút cái lồng chim, khoảnh vườn rau nho nhỏ. Cuộc sống của người Việt Nam bây giờ cũng rất áp lực vì mưu sinh, ít thời gian chăm sóc cha mẹ đúng cách.
Tôi biết mình nhìn viện dưỡng lão ở ngoại ô Paris bằng con mắt và văn hóa người Việt còn trẻ nên thấy cuộc sống ở đây buồn. Nhưng phải thừa nhận nơi đây được áp dụng rất nhiều phương pháp cải thiện đời sống tinh thần cho người già.
Những lớp học nấu món ăn lạ, làm đồ thủ công, đan áo len làm từ thiện cho nhà thờ, tham gia hội đoàn thể đều hướng các cụ đến cái vui vẻ và cuộc sống vẫn tiếp tục hữu ích.
Thậm chí, ở nơi này, tình yêu mới vẫn thỉnh thoảng nảy sinh. Điều đó thật tuyệt vời với một con người đã đi gần hết cuộc đời. Không nên khư khư quan niệm người già chỉ tìm thấy hạnh phúc bên con cháu mà để các cụ không được chăm sóc tốt về tinh thần trong chính ngôi nhà của mình.
>Thế giới của những người già
>Paris không dành cho người già
>Trung Quốc: "Nhà dưỡng lão" mới?
>Khó tìm thấy trung tâm dưỡng lão bình dân