Nhật Bản gia tăng "quyền lực mềm"
Quốc tế - Ngày đăng : 08:00, 29/06/2014
Nhật Bản nỗ lực xuất khẩu các giá trị văn hóa nhằm gia tăng "quyền lực mềm" trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước láng giềng Hàn Quốc.
"Xuất khẩu văn hóa" là một khái niệm nằm trong "sức mạnh mềm", do Giáo sư Joseph S. Nye thuộc Đại học Harvard đặt ra vào năm 1990.
Thượng viện Nhật Bản từ năm ngoái đã thông qua một quỹ 500 triệu USD, chi tiêu trong 20 năm, nhằm thúc đẩy sự xâm nhập của văn hóa Nhật Bản tại nước ngoài. Chiến dịch có tên Cool Japan (tạm dịch: Nhật Bản thú vị) mở rộng các giá trị, biểu tượng văn hóa của Nhật Bản như anime (phim hoạt hình), manga (truyện tranh), thiết kế thời trang, thực phẩm và du lịch...
Chương trình này được giao cho Ủy ban Tái thiết kinh tế Nhật Bản và trở thành một phần trong chiến lược phục hồi kinh tế Abenomics mang phong cách của vị Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là những nỗ lực đầu tiên của Nhật Bản nhằm đẩy mạnh "quyền lực mềm" của nước Nhật trước thành công của quốc gia láng giềng Hàn Quốc.
Trong năm 1998, Hàn Quốc đầu tư 500 triệu USD vào một quỹ quảng bá văn hóa và 15 năm sau, "làn sóng Hàn Quốc" (Hallyu) đã đẩy những nghệ sĩ Hàn thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc khắp châu Á. Trong mảng truyền hình và phim truyện, phim Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng phát hành cũng như doanh thu phòng vé, cả thế giới biết đến rapper nổi tiếng Psy...
Qua đó, hàng hóa xuất xứ Hàn Quốc với các sản phẩm như điện thoại và máy tính bảng Samsung, xe hơi Hyundai đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu trên toàn thế giới, với chung một hình ảnh hiện đại, trẻ trung...
Trong khi đó, các đặc trưng văn hóa Nhật như thời trang kimono, sushi, cosplay... từ lâu đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu văn hoá Nhật Bản mới chỉ có tính chất ngẫu nhiên, chưa cho thấy sự nỗ lực hệ thống và bền vững để tạo nên những cú hích lớn như Korea wave.
Nguyên nhân là các công ty hoạt động trong lĩnh vực này chỉ là các công ty vừa và nhỏ, không đủ nguồn lực để bành trướng ra thị trường toàn cầu. Ví dụ mảng sản xuất phim hoạt hình hiện nay tại Nhật, đang sụt giảm đáng kể doanh số bán DVD trong bối cảnh hàng điện tử cũng như nội dung sáng tạo tại khu vực châu Á đang bị xâm lấn và thống trị bởi các công ty Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là một trong những mảng đóng vai trò quan trọng nhất trong "quyền lực mềm".
Để tạo nên sự thay đổi lớn, chính phủ của ông Shinzo Abe chi khoảng 90 tỷ yên (883 triệu USD) để thúc đẩy các giá trị sáng tạo của Cool Japan ở thị trường nước ngoài. Thậm chí, Bộ trưởng Cải cách Hành chính Nhật Bản Tomomi Inada trở thành sứ giả của Cool Japan khi đến Paris, bà mặc một bộ quần áo có thiết kế giống "Gothic Lolita", theo phong cách thời trang của các thanh thiếu niên Harajuku rất thịnh hành tại Nhật.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn tài trợ "Kênh truyền hình Nhật Bản" mới ở nước ngoài, với mục đích truyền tải văn hóa Nhật qua các chương trình anime, dramas, âm nhạc và du lịch. Chính phủ Nhật đã công khai phân bổ ngân sách là 15,5 tỷ yên (khoảng 14,7 triệu USD) cho việc làm phụ đề và lồng tiếng, thành lập các văn phòng truyền hình ở nước ngoài, và các chương trình hợp tác sản xuất ở Thái Lan, Campuchia, Hoa Kỳ, châu Âu, và châu Phi...
Quỹ hậu thuẫn cho kế hoạch Cool Japan xây dựng một trung tâm mua sắm theo phong cách Nhật Bản tại miền Đông Trung Quốc. Những nỗ lực này đã mang lại những kết quả đầu tiên. Tháng 12 năm ngoái "Washoku", ẩm thực truyền thống Nhật Bản, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Theo Japan Today, "Washoku" không những trở thành ẩm thực quốc gia thứ hai nhận được sự công nhận danh giá này, mà còn là di sản thứ 22 của Nhật Bản lọt vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, bên cạnh kịch Kabuki, Noh và Bunraku.
>Nhật Bản không còn là biểu tượng của chất lượng?
>Nhật Bản: Tiếp thị hạ tầng
>Thế hệ trẻ thích sống tại Singapore và Nhật Bản