Bùng nổ thực phẩm chức năng
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:39, 08/07/2014
Thực phẩm chức năng (TPCN) đã trở thành mặt hàng "hot" nhất hiện nay nên các công ty dược đều nhảy vào kinh doanh.
Theo PGS-TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, chưa bao giờ ngành TPCN lại phát triển mạnh như hiện nay. Chỉ trong vòng 3 năm (từ 2011 - 2013) thị trường đã xuất hiện khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó khoảng 40% là hàng nhập khẩu. Đến cuối năm 2012, gần như cả ngành dược Việt Nam nhảy vào lĩnh vực này với 1.781 doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất.
Và đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên 3.500 DN sản xuất, kinh doanh TPCN. Sở dĩ các DN trong và ngoài nước đều đầu tư vào lĩnh vực này vì TPCN đã trở thành xu thế, nhu cầu của người tiêu dùng trong cuộc sống hiện đại.
Chính sự thay đổi về môi trường và phương thức làm việc, sinh hoạt, phương thức tiêu dùng làm cho khẩu phần ăn hằng ngày thiếu hụt các vitamin và khoáng chất gây nên các bệnh mãn tính không lây như huyết áp tăng, tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tăng cân, béo phì...
Vì thế, việc sử dụng các loại TPCN để bổ sung vi chất và các chất chống oxy hóa là cần thiết và tất yếu. Với những công dụng trên, TPCN được ví như vacxin phòng bệnh mãn tính không lây. Tác dụng của TPCN được PGS-TS. Trần Đáng ví von như một cuộc đánh trận mà ở đó "thuốc tiêu diệt cả địch và ta thì TPCN phân biệt đâu là địch và đâu là ta nên rất tốt để hỗ trợ điều trị”.
Sự cần thiết của TPCN đã khiến cho thị trường bùng nổ. Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2005 có khoảng 1 triệu người (khoảng 1,1% dân số) ở 23 tỉnh, thành sử dụng TPCN. Thế nhưng đến năm 2010, đã có đến 5,7 triệu người (chiếm 6,6% dân số) tại 63 tỉnh thành sử dụng TPCN.
Trong năm 2011, có 43% số người trưởng thành tại TP.HCM sử dụng TPCN và con số này ở Hà Nội là 63%. Ngay như "Ngày hội quốc tế thực phẩm chức năng và các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe Việt Nam" mới hai lần triển khai cũng đã cho thấy điều này.
Trong năm 2013, chỉ có 100 DN tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm TPCN nhưng năm nay, ngày hội (diễn ra trong 3 ngày, từ 27- 29/6) đã thu hút đến 150 DN tham dự.
Tại đây, hơn 2.000 sản phẩm thuộc các lĩnh vực TPCN, sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe đã được giới thiệu với người tiêu dùng. Và điều đáng nói là ngày hội đã thu hút đến gần 50.000 lượt khách tham quan, một con số không hề nhỏ trong thời điểm kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Theo các chuyên gia, đến bây giờ việc sử dụng TPCN ở Việt Nam mới bùng bổ cũng là chậm so với các nước. Trên thế giới, việc sử dụng TPCN đã phát triển nhiều năm nay và họ xem đây là phương thức hỗ trợ điều trị hiệu quả nhất. Mỹ là thị trường lớn nhất về các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng.
Các nước Tây Âu và Nhật Bản cũng xem trọng việc sử dụng TPCN. Tại các quốc gia phát triển này, TPCN được người dân sử dụng hằng ngày như là biện pháp tự bảo vệ sức khỏe, trong đó, đến 70% dân số Mỹ sử dụng TPCN thường xuyên.
Dù rất phát triển nhưng PGS-TS. Trần Đáng, cho rằng, thị trường TPCN Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là cách hiểu chưa đúng và những thành kiến không tốt về TPCN. Trên thực tế, có những DN công bố không đúng chất lượng, thổi phồng công dụng sản phẩm như là "thần dược" khiến người tiêu dùng nghi ngờ về cả ngành này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó là con số rất nhỏ trong số lượng DN khổng lồ như thế. Và trong 160 DN là hội viên Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam chưa có DN nào vi phạm.
"Vì thế, vấn đề của chúng tôi là phải tập hợp những DN đang sản xuất, kinh doanh TPCN tại Việt Nam để gỡ bỏ những vấn đề của ngành và từng bước gây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Đó là làm sao để người tiêu dùng có thể tiếp cận và được tư vấn đúng bởi chính các nhà sản xuất, kinh doanh TPCN uy tín đồng thời với việc giúp DN và người tiêu dùng hiểu đúng, làm đúng, dùng đúng TPCN nhằm góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng", PGS-TS. Trần Đáng khuyên.