Giá trị của thất bại

Start up - Ngày đăng : 04:23, 08/07/2014

Trong buổi Leader Talk tổ chức tại văn phòng FPT ở TP.HCM, ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO của FPT, hiện là Phó chủ tịch Đại học FPT, đã chia sẻ về nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp.
Giá trị của thất bại

Trong buổi Leader Talk tổ chức tại văn phòng FPT ở TP.HCM, ông Nguyễn Thành Nam, cựu CEO của FPT, hiện là Phó chủ tịch Đại học FPT, đã chia sẻ về nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp.

Đọc E-paper

Hãy lao vào làm. Ý tưởng đầu tiên của ông Nam và một số sáng lập viên FPT là một quán cà phê internet. Ông Nam và những thành viên sáng lập FPT bấy giờ đều rất hy vọng, cà phê internet sẽ thu hút khách hàng bởi tính mới lạ và sẽ thành công.

Tuy nhiên, ở cái thời quá ít người biết inernet, gởi email làm sao thì ý tưởng này thật điên rồ. Người ta đã không chấp nhận vào quán cà phê với giá gấp đôi, để rồi không thể sử dụng dịch vụ lạ lùng mà quán mang lại.

Kết quả là tiệm cà phê internet phá sản. Nhưng chính từ dự án cà phê internet, các thành viên sáng lập ở FPT đã học được tinh thần tự do trong suy nghĩ. Vì vậy, khi đã muốn làm thì hãy mạnh dạn làm, đừng ngần ngại. Bởi chỉ khi lao vào làm, người ta mới học được những bài học giá trị.

Bại không nản. Đa số đều thất bại ở lần khởi nghiệp đầu tiên. Những người thành công ngay từ ban đầu có thể do may mắn nhiều hơn. Vì thế, lúc mới khởi nghiệp, tốt nhất đừng đặt nặng mục tiêu kinh doanh, hãy đặt mục tiêu học hỏi lên trên hết.

Trong quá trình khởi nghiệp, nếu công ty gặp vấn đề gây chán nản, hãy nghiêm túc xem nó nằm ở đâu để tìm cách giải quyết. Nếu là sai lầm trong chiến lược, hãy kịp thời xoay chuyển qua con đường khác. Nếu là vấn đề tài chính, hãy tìm cách giải quyết nó thật sớm.

Trong quá trình khởi nghiệp, rất cần những thành công nhỏ để che bớt các thất bại lớn. Chẳng hạn, khi công ty có hợp đồng nhỏ, bạn cần chia sẻ để tinh thần mọi người được cổ vũ. Ngược lại, trước thất bại, thua lỗ, bạn đừng quá chú ý vào việc phân tích, giải thích mà cần nhìn ra các bài học từ thất bại của mình.

Bắt đầu bằng vốn vay. Ưu tư của người mới lập nghiệp bao giờ cũng là vốn. Bạn có thể dùng vốn của mình để kinh doanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp hay nhất là gọi vốn từ bên ngoài. Bạn phải tìm cách tiếp cận nguồn vốn, học cách thuyết phục người khác bỏ tiền đầu tư.

Bạn phải chứng minh cho người khác thấy tính khả thi, hiệu quả của dự án. Đó còn là cơ hội để bạn kiểm tra lại lần nữa quyết tâm vì dự án. Một hợp tác rót vốn từ bên ngoài sẽ khích lệ tinh thần khi giúp bạn cảm thấy được chia sẻ và có đồng minh.

Làm việc nhóm và làm với người giỏi. Khởi nghiệp có khi chỉ đơn giản là kinh doanh theo thời vụ, như bán hoa, gấu bông... vào những ngày lễ Tết.

Dù chỉ là như vậy thì các bạn trẻ nên lập nhóm để làm chung, vì làm việc theo nhóm sẽ mang đến những trải nghiệm quý giá: biết cách hòa đồng, học được cái hay của người khác, mở rộng nhận thức khi lắng nghe ý kiến của người khác... chưa kể còn duy trì được mối quan hệ khi cần tìm kiếm sự hợp tác sau này.

Tìm cơ hội. Một số bạn trẻ than thở ít nhìn thấy cơ hội trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, chính trong khó khăn, bên cạnh thách thức là rất nhiều cơ hội. Cơ hội thường sẽ nằm trong những vấn đề còn bỏ ngỏ, đòi hỏi tìm hướng giải quyết.

Nếu không ngừng quan sát và tư duy, bạn sẽ có nhiều ý tưởng kinh doanh hấp dẫn trong bất cứ ngành nghề nào. Tuy nhiên, công nghệ thông tin hiện được xem là một trong những ngành nên làm nhất hiện nay. Bởi đây là mảnh đất còn màu mỡ và chưa được khai phá hết.

>Bí quyết vượt qua thất bại
>Chuẩn bị cho thất bại
>
10 khác biệt giữa người thành công và người thất bại
>Thất bại chiến lược do đâu?

NGỌC THỦY