Cảm hứng bình yên cho "vùng đất chết chóc"
Thể thao - Ngày đăng : 04:25, 09/07/2014
Chức vô địch World Cup 2014 vẫn là cuộc đấu tay đôi giữa Nam Mỹ và châu Âu. Nhưng khu vực thành công nhất ở giải đấu lần này phải kể tới Trung Mỹ, vùng đất vốn nổi tiếng về nạn bạo lực, các băng nhóm ma túy, buôn lậu trẻ em... Nhưng giờ đây, người ta sẽ phải có cái nhìn khác về khu vực này sau chiến công vang dội của Costa Rica.
Thành công của Cosra Rica là cú hích cho cả khu vực |
Cả bốn đội tuyển thuộc Liên đoàn CONCACAF (Bắc Trung Mỹ và vùng biển Caribe) đều đạt thành tích nhất định ở World Cup 2014 tại Brazil. Lần đầu tiên trong lịch sử, Costa Rica lọt vào tới tận vòng tứ kết, thậm chí còn không thua trận nào sau khi đụng độ với ba đội từng vô địch thế giới, một cựu á quân và một cựu vô địch châu Âu! Mỹ và Mexico tuy dừng bước ở vòng hai nhưng đều để lại dấu ấn sâu đậm. Honduras là đội duy nhất bị loại từ vòng bảng, nhưng cũng ăn mừng chiến tích có bàn thắng đầu tiên ở ngày hội lớn nhất hành tinh.
Những thành tích kể trên đối lập hoàn toàn với sự yếu kém của các đội bóng châu Á, khu vực đông dân nhất thế giới mà không có đội nào giành lấy nổi một trận thắng chứ đừng nói là giành quyền đi tiếp. Châu Phi tiếp tục để lại những điều tiếng về tính vô tổ chức và cũng không có đội nào lọt vào vòng 8 đội mạnh nhất.
"Không có nhiều tin tức lạc quan về Trung Mỹ, đó là lý do tại sao chiến công lần đầu tiên lọt vào tứ kết của Costa Rica được cả khu vực ăn mừng", ông Michael Shifter, Chủ tịch Đối thoại Liên Mỹ nói với tờ Cristian Science Monitor. "Đây là chiến thắng của cả khu vực", ông Joy Olson, Giám đốc Điều hành văn phòng Mỹ Latin tại Washington đồng tình.
Hiện Trung Mỹ vẫn là "khu vực chết chóc" nhất thế giới, không tính những nơi đang xảy ra chiến tranh. Theo số liệu được Liên Hiệp Quốc phát hành tháng Tư vừa qua, tính đến năm 2012, thì Honduras có tỷ lệ tội phạm là 90,4 trên 100.000 dân, tiếp theo là El Savador, Guatemala.
Costa Rica là nước có tỷ lệ này thấp nhất khu vực, nhưng vẫn cao so với mặt bằng chung thế giới là 8,5 trên 100.000 dân. Đi kèm với tỷ lệ tội phạm là bạo lực ma túy, với những vụ thanh toán đẫm máu kiểu băng đảng, rồi nạn buôn lậu người vào Mỹ qua ngả biên giới Mexico. Trong năm nay con số này có thể lên tới 90.000 người, bất chấp những biện pháp thắt chặt an ninh gắt gao của các quốc gia liên quan.
Thế nên, theo các chuyên gia thì chiến thắng ở World Cup của các đội tuyển ở khu vực này có thể tạo ra niềm cảm hứng đối với người dân địa phương, rằng Trung Mỹ vẫn là mảnh đất đáng sống, qua đó góp phần ngăn chặn làn sóng bỏ xứ di cư đến Mỹ. Ngoài ra, nó cũng khiến cả thế giới phải quan tâm hơn đến tình hình khu vực, cụ thể là nước Mỹ biết sẽ phải làm gì để ổn định dải đất được coi là "sân sau" của họ.
"Khi một nước nhỏ như Costa Rica có thể đạt được thành tích lớn trong thể thao như các quốc gia phát triển ở châu Âu thì niềm tự hào ấy có thể được cụ thể hóa thành động lực thực tế trong nhiều lĩnh vực khác", chuyên gia Olson cho hay. Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solis cũng đồng tình với nhận định này với tuyên bố nước ông đã sẵn sàng hội nhập với thế giới trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục...
Dĩ nhiên, là một chính trị gia, tuyên bố của Tổng thống Solis có thể được coi là mang màu sắc dân túy nhằm thu hút cử tri. Song chắc chắn chiến thắng của Costa Rica còn tạo ra một thành quả đáng kể nữa mà ông Solis chưa làm được là... cải thiện quan hệ ngoại giao với nước láng giềng Nicaragua.
Mới đây, ông Solis đã không mời Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega tới dự lễ nhậm chức của mình do căng thẳng biên giới giữa hai nước. Thế nhưng, điều đó không ngăn cản được việc người dân Nicaragua "lên cơn sốt" vì đội tuyển Costa Rica.
Lý do là trong đội hình Costa Rica có tiền đạo gốc Nicaragua Oscar Duarte, tác giả của một bàn thắng trong chiến thắng gây sốc trước Uruguay ở lượt ra quân. "Đó quả là một câu chuyện tuyệt vời", chuyên gia Shifter kết luận, song cũng cảnh báo: "Mọi chuyện hoàn toàn có thể chấm dứt vào ngày 15/7 tới, khi World Cup hạ màn".
Colombia cũng cần bóng đá đẩy lùi bạo lực Không chỉ khu vực Trung Mỹ, một quốc gia lân cận khác là Colombia cũng coi thành công ở World Cup 2014 như là dịp để chứng tỏ với cả thế giới thấy rằng đất nước này không chỉ có matúy và tội phạm. Nhưng giờ, cả nước đổ ra đường hân hoan, đón mừng đội quân của HLV Jose Pekerman lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào tứ kết, còn tiền đạo James Rodriguez tràn đầy cơ hội giành Vua phá lưới. |