"Khát" sách kinh tế của tác giả Việt

Sách hay - Ngày đăng : 08:32, 14/07/2014

Vào các gian hàng sách bán trực tuyến hoặc trưng bày trong tủ kiếng, có cảm giác thật ức chế. Tất cả đều là sách của người nước ngoài, từ những cuốn viết về thương trường kinh điển đến sách kỹ năng bàn về cách làm giàu.

Vào các gian hàng sách bán trực tuyến hoặc trưng bày trong tủ kiếng, có cảm giác thật ức chế. Tất cả đều là sách của người nước ngoài, từ những cuốn viết về thương trường kinh điển đến sách kỹ năng bàn về cách làm giàu đều do các cây bút phương Tây viết. Sách của tỷ phú may ra còn có đôi ông viết hồi ký đến từ châu Á như Thái Lan, Singapore.

Đọc E-paper

Những người kinh doanh vốn ít thời gian, lại khó lòng kiên trì đeo đuổi học tập hệ thống, nên phải bắt đầu từ tủ sách kinh tế Âu - Mỹ. Tuy nhiên, những sách bàn về các nền kinh tế ra đi từ kế hoạch tập trung như Nga, Trung Quốc đã ít, lại còn chưa thấy xuất hiện bằng tiếng Việt. Điều này đang giới hạn sự học hỏi, nghiên cứu của những người muốn khởi nghiệp kinh doanh.

Một doanh nhân trẻ từng cho xem bộ sưu tập những bài viết, bài phỏng vấn các chuyên gia kinh tế nổi tiếng như Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh đăng trên các báo, đem photo và đóng tập để thỉnh thoảng có cơ sở tra cứu các phân tích về chính sách kinh tế, những biến động của thương trường trước các hiệp định kinh tế quốc tế và nhiều vấn đề khác.

Mấy năm gần đây, trên kệ sách kinh tế chỉ có hai cây bút thực sự quan tâm đến nền kinh tế Việt Nam, ra sách bàn về các vấn đề đang diễn ra với những phân tích sắc sảo được độc giả quan tâm, đó là nhà báo Nguyễn Vạn Phú, với vị trí tổng thư ký tòa soạn của một tờ báo kinh tế.

Sau nhiều năm nghiên cứu, nhà báo này đã ra mắt cuốn Vàng và hai cô gái, tập hợp những phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam trong cơn lốc xoáy của toàn cầu hóa trong quá trình gia nhập WTO, một nền kinh tế yếu ớt trước cơn lốc xoáy của khủng hoảng kinh tế, người nông dân dễ bị tổn thương, những đại gia bất động sản thời lao dốc. Cách viết của ngòi bút này không chỉ sắc bén, thời sự, mà còn có khả năng diễn đạt vấn đề phức tạp thành đơn giản, giúp người đọc dễ tiếp nhận.

Ngòi bút kinh tế thứ hai cũng rất quan tâm đến Việt Nam là Alan Phan, người có hơn 40 năm kinh doanh tại hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Alan Phan đã từng được chú ý khi báo hiệu rất sớm sự đổ vỡ của bong bóng bất động sản, những đợt sóng ngầm tác động đến nền kinh tế Việt Nam mà mỗi người kinh doanh phải nắm quy luật. Tác giả Alan Phan đã có những cuốn sách rất đáng đọc như Đi tìm niềm tin thời internet, Đừng hoang tưởng vào biển lớn.

Sách viết về kinh tế của người Việt còn thiếu, nhận định vị trí của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực chưa được mổ xẻ sâu sắc. Nhiều nhà phân tích kinh tế đã sử dụng vài phương tiện như Facebook hoặc blog cá nhân để giới thiệu những bài viết nhằm đưa vấn đề đến độc giả nhanh nhất. Cái lợi ở đây là vấn đề đưa ra mổ xẻ sẽ nhận được sự phản hồi, phản biện của độc giả để người đọc có thể tiếp nhận ý kiến nhiều chiều. Đây là một cách để tạm thời giải tỏa cơn khác ngày nay.

HỒNG BÍCH