Giá xăng dầu: Thế giới giảm sâu, trong nước bất động

Trong nước - Ngày đăng : 01:30, 19/07/2014

Dù giá xăng RON 92 và dầu tại thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của VN, liên tục giảm những ngày qua, xuống mức thấp nhất trong một tháng nhưng giá trong nước vẫn đứng yên.
Giá xăng dầu: Thế giới giảm sâu, trong nước bất động

Ngày 14/7, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore giảm xuống mức thấp nhất trong một tháng qua với 121,13 USD/thùng, theo biểu đồ diễn biến giá xăng được đăng tải trên trang web của Hiệp hội Xăng dầu VN.

Đọc E-paper

Giá bình quân 10 ngày cũng giảm xuống còn 122,06 USD/thùng. Đến hôm qua, giá dầu trên sàn giao dịch tại thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của VN chỉ còn khoảng 100 USD/thùng, giá xăng khoảng 120 USD/thùng... giảm khá mạnh so với mức 126,22 USD/thùng (xăng RON 92) ngày 1/7.

Giá xăng dầu đang ở mức cao nhất từ trước tới nay - Ảnh: D.Đức Minh

Vẫn chỉ theo dõi

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng nguyên tắc điều chỉnh giá xăng, theo Nghị định 84, thì cơ quan điều hành giá sẽ xem xét tính giá bình quân trong vòng 30 ngày và nếu có điều chỉnh thì khoảng cách tối thiểu là 10 ngày, kể từ lần điều chỉnh trước. “Tính từ thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu ngày 7/7 đến nay đã 10 ngày, nhưng chưa thấy có tín hiệu gì sẽ điều chỉnh giảm theo giá thế giới là điều bất cập”, ông Long nói.

Trả lời PV qua điện thoại, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết tập đoàn vẫn theo dõi biến động về tình hình giá xăng dầu hằng ngày và đều có báo cáo về Tổ điều hành giá xăng dầu liên bộ (Tài chính - Công thương), nhưng cũng chưa có kiến nghị giảm giá xăng dầu. “Lâu nay, Tổ điều hành liên bộ vẫn chủ động tính toán và điều chỉnh chứ Petrolimex và các doanh nghiệp khác cơ bản cũng không có kiến nghị. Chỉ khi nào giá xăng dầu có biến động bất thường, đột biến, diễn ra trong thời gian dài, gây bất lợi đến tình hình kinh doanh thì chúng tôi mới có ý kiến (đề nghị tăng hay giảm)”, ông Trần Ngọc Năm nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một người có thẩm quyền về vấn đề này cho rằng: “Giá xăng dầu được xem xét trong 30 ngày nên giá tăng, giảm trên thị trường thế giới cao nhất hay thấp nhất cũng chỉ là một yếu tố tham khảo. Nếu chỉ căn cứ theo giá xăng dầu của 1 ngày trên thị trường thế giới thì ta đã chuyển qua điều hành hoàn toàn theo thị trường. Một ngày, giá xăng dầu có thể tăng, giảm 2 - 3 lần. Nhưng hiện nay, chưa làm như vậy được”.

Như vậy, khả năng giá xăng dầu được xem xét, điều chỉnh trong những ngày tới là khó theo tín hiệu được phát đi cả về phía doanh nghiệp và cơ quan điều hành.

Có thể giảm thuế nhập khẩu

Một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu tại VN cao là do thuế, phí. Trả lời báo chí ngày 16/7, ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), nói rằng nếu theo barem quy định và mức giá xăng dầu thế giới thời gian qua thì mức thuế nhập khẩu phải là 20%. Nhưng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 18%, còn dầu là 14%, 15%, 16% (tùy loại), thấp hơn mức thuế nhập khẩu công bố của barem và thấp hơn nhiều mức tối đa do luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu muốn sửa phải được Quốc hội biểu quyết, chấp thuận nhưng barem thuế nhập khẩu xăng dầu thì Bộ Tài chính có thể kiến nghị Chính phủ cho giảm. “Theo tôi, mức thuế nhập khẩu xăng dầu hiện có thể giảm 2 - 3%. Barem thuế trước đây được xây dựng trong thời kỳ doanh nghiệp tăng trưởng tốt, không khó khăn như bây giờ. Nay tình hình đã khó khăn hơn thì có thể cân nhắc, giảm bớt đi. Barem do con người đặt ra thì con người có thể sửa nếu nó không còn hợp lý. Vấn đề là Bộ Tài chính có muốn điều hành giảm đi không, vì nó ảnh hưởng khá lớn đến kế hoạch thu ngân sách”, ông Long nói.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), các mức thuế, phí hiện nay đánh vào xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường hay thuế giá trị gia tăng khó thay đổi, nhưng thuế nhập khẩu xăng dầu mấy năm qua cũng có thời điểm thay đổi, lên xuống phù hợp với cơ cấu giá. “Thời điểm kinh tế đang khó khăn như hiện nay thì cũng nên giảm thuế nhập khẩu xăng dầu”, tiến sĩ Chiến nói. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng nhà nước có thể thay đổi chính sách ở những thời điểm nhất định, hạ thuế xuống thì giá xăng dầu cũng giảm, như những năm 2009 - 2010.

Về quan điểm giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm cho biết doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng muốn giảm thuế để giá xăng dầu ở mức hợp lý đồng thời “đỡ mang tiếng và bán được hàng”. Nhưng “phải đặt ở vị trí của Bộ Tài chính mới biết các sức ép về chi tiêu ngân sách, trả nợ... để tính đến giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hay không”, ông này nói.

Giá dầu thô tiêu chuẩn Mỹ giao trong tháng 8 trên sàn New York Mercantile Exchange ngày 15/7 (giờ New York) giảm 95 cent còn gần 99,96 USD/thùng.

Tính từ đầu tháng 7/2014, giá dầu đã giảm 5%. Dầu Brent - tiêu chuẩn dầu quốc tế được nhiều nhà máy lọc dầu Mỹ sử dụng - trên sàn ICE Futures exchange (London) đã giảm 92 cent, còn gần 106,02 USD/thùng.

Trên sàn giao dịch Nymex, giá xăng bán buôn giảm 2,6 cent còn gần 2,899 USD/gallon, dầu đốt giảm 1,7 cent còn gần 2,856 USD/gallon. (Nguồn: AP)