MH17: Thảm họa của thảm họa

Bình luận - Ngày đăng : 07:30, 23/07/2014

Chuyến bay MH17 của Malaysia trúng tên lửa và bị rơi tại miền Đông Ukraine làm 298 người vô tội thiệt mạng có thể đẩy Nga và phương Tây vào những thảm kịch mới.
MH17: Thảm họa của thảm họa

Chuyến bay MH17 của Malaysia trúng tên lửa và bị rơi tại miền Đông Ukraine làm 298 người vô tội thiệt mạng đã khiến cả thế giới bàng hoàng và phẫn nộ. Thảm kịch mang màu sắc tội ác này có thể đẩy Nga và phương Tây vào những thảm kịch mới...

Đọc E-paper

Người dân tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa máy bay dân sự Malaysia MH17 bị bắn rơi

Cho đến nay, có nhiều cáo buộc từ phương Tây nhắm vào phe thân Nga gây nên thảm kịch này. Trong khi đó, Tổng thống Putin đang tự bào chữa, lớn tiếng cho rằng Nga bị mưu hại và đã đổ trách nhiệm cho Ukraine.

Theo ông, "chẳng có gì ngạc nhiên khi trách nhiệm thuộc về nước mà máy bay bị bắn rơi trên không phận nước đó. Bi kịch sẽ không diễn ra nếu như đất nước hòa bình và các hoạt động quân sự không tái diễn tại miền Đông - Nam Ukraine". Ngay sau thảm kịch, Bộ trưởng Quốc phòng Nga lên tiếng bác bỏ cáo buộc quân đội Nga có tham gia vào vụ bắn hạ chiếc máy bay xấu số này.

Tổng thống Mỹ Obama thẳng thừng cáo buộc Nga đã cấp cho phe ly khai loại vũ khí này và máy bay Malaysia bị bắn hạ bởi chính loại tên lửa này. Tờ The Times ngày 19/7 dẫn một nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng có thể lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine đã bắn nhầm vào máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines vì lỗi radar. Theo nguồn tin này thì lực lượng ly khai định nhắm bắn một máy bay vận tải của quân đội Ukraine được cho là cũng bay ở vùng trời nói trên vào thời điểm MH17 đi ngang qua, song đã bắn nhầm vào máy bay dân sự.

Dư luận thế giới vẫn đang đợi kết quả phân tích của các chuyên gia và ảnh vệ tinh cho phép xác định ai là thủ phạm của tai nạn này: quân đội Nga, Ukraine hay phe ly khai thân Nga.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhấn mạnh, dù ai là thủ phạm thì Nga và Tổng thống Putin đang chịu sức ép lớn khi cả thế giới đều cho rằng Nga đang bảo trợ cho phe ly khai để thực hiện các hoạt động quân sự quấy rối Ukraine. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình đã bình luận mạnh mẽ rằng, có những dấu hiệu cho thấy các phiến quân do Nga hậu thuẫn phải chịu trách nhiệm.

Bà Clinton kêu gọi EU gia tăng hơn nữa các lệnh cấm vận với Nga, trong khi Thủ tướng Úc yêu cầu Nga giải thích về thảm kịch, bởi "giờ có vẻ chắc chắn rằng máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không do Nga cung cấp".

Theo Tổng thống Mỹ, "biến cố bất hạnh này cho thấy đã đến lúc thiết lập lại hòa bình và an ninh tại Ukraine". Nếu như can thiệp vũ trang không được tính đến, thì phương Tây có thể áp đặt các trừng phạt mới.

Thông báo từ Nhà Trắng cho hay, hai lãnh đạo Mỹ - Đức nhất trí rằng "cần giữ liên lạc chặt chẽ để xác định các biện pháp bổ sung cần có” và nhấn mạnh "Nga có trách nhiệm ngăn cản phe nổi dậy miền Đông Ukraine nhận được các vũ khí hạng nặng và các phương tiện khác đến từ lãnh thổ Nga".

Mặc dù phía Nga cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ vội vã đưa ra kết luận mà không chờ kết quả điều tra quốc tế, nhưng Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tuyên bố, nếu thảm họa máy bay này có dính líu tới Nga và phe ly khai, "nó sẽ mở cửa cho chúng ta hỗ trợ, gửi các vũ khí phòng thủ cho người Ukraine và áp dụng các biện pháp. Đó mới chỉ là sự khởi đầu mà thôi".

Thực sự, "sự khởi đầu" này báo hiệu cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Kịch bản này nguy hiểm tới mức nhiều nhà quan sát quân sự phương Tây đặt ra "thuyết âm mưu" về một kịch bản để NATO khơi mào cuộc chiến nhắm vào Nga, hoặc Nga sẽ mở rộng chiến tranh để giải quyết dứt điểm vấn đề Ukraine. 

>Chứng khoán và vàng châu Á biến động sau sự kiện MH17
>Malaysia Airlines bên bờ vực phá sản
>
Malaysia Airlines: Hãng hàng không bị vận rủi đeo đuổi

LAM HỒNG