Da giày: Hối hả phát triển công nghiệp phụ trợ

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 03:56, 23/07/2014

Ngành da giày đang đầu tư lớn cho công nghiệp phụ trợ, tiến tới nội địa hóa hoàn toàn, đón cơ hội mà TPP và FTA với EU sẽ đem lại.
Da giày: Hối hả phát triển công nghiệp phụ trợ

Ngành da giày đang đầu tư lớn cho công nghiệp phụ trợ, tiến tới nội địa hóa hoàn toàn, đón cơ hội mà TPP và FTA với EU sẽ đem lại.

Đọc E-paper

Theo số liệu của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành tiếp tục tăng trưởng cao: giày tăng trưởng 17,8%, ba lô, túi xách tăng trưởng 40,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong 6 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu giày của cả nước là 4,8 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng cao, dự báo cả năm 2014, ngành giày sẽ vượt mốc 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Lefaso đang xúc tiến thành lập thí điểm trung tâm đào tạo cho doanh nghiệp (DN) trong ngành ở phía Nam, dự kiến chương trình sẽ được hoàn thành vào năm 2015. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong công tác hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, nâng cao nguồn nhân lực, kịp thời nắm vững công nghệ, có năng lực điều hành cung ứng và sản xuất.

Đồng thời, theo kế hoạch phát triển ngành, Lefaso cũng sẽ đề xuất hình thành hai KCN thuộc da ở hai đầu đất nước, nhằm tạo sự chủ động nguồn da thuộc cung ứng cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, tỷ lệ nội địa hóa cho ngành giày đang được quan tâm. Đến nay, lĩnh vực da thuộc đã nội địa hóa được 30%, da tổng hợp là 40%, các loại phụ kiện trang trí xấp xỉ mức 45%. Lefaso cũng đang xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ tại các khu vực trọng điểm để sản xuất những vật tư khác như: da tổng hợp, đế giày, phụ liệu trang trí.

"Với nội lực lâu năm trong ngành da giày, TP.HCM hoàn toàn có khả năng phát triển thành trung tâm cung cấp, trao đổi nguyên phụ liệu cho toàn ngành. Nhưng mục tiêu mà ngành giày đề ra tới năm 2020 tự túc được da thuộc, da tổng hợp, đế giày vượt tỷ lệ 50% và đạt 70% vào năm 2025 thì còn phải nhờ vào sự giúp sức của Chính phủ về cơ chế, nguồn vốn thì mới thành hiện thực", ông Thuấn nhận định.

Chia sẻ tại Triển lãm Quốc tế da và giày lần thứ 16, khai mạc tại TP.HCM vào ngày 16/7, ông Trần Vi Cơ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ triển lãm và Thương mại Hiển Đạt cho biết, qua tìm hiểu và khảo sát, hầu hết DN cung ứng các loại nguyên liệu đều đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam.

Do đó, khi nhu cầu lớn họ sẽ tiến hành đầu tư nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam. Thông qua triển lãm năm nay, có thể nói Việt Nam đang là tâm điểm của các nhà cung ứng của ngành da giày. Năm nay, số lượng DN nước ngoài trong lĩnh vực máy móc, thiết bị, da thuộc, hóa chất, phụ kiện... tham gia triển lãm tăng gần 20%.

Mặc dù ngành da giày có thặng dư thương mại khá, nhưng tỷ lệ nội địa hóa của những nhóm vật tư chiến lược vẫn còn thấp, đặc biệt là phần lớn nguyên liệu nhập khẩu này vẫn từ Trung Quốc, đang tạo nên một nguy cơ tiềm ẩn cho ngành.

Theo nhận định chung, cả hai hiệp định quan trọng là TPP và FTA với EU dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay. Nếu không có chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong nước, ngành da giày sẽ khó tận dụng được lợi thế ưu đãi thuế quan mà các hiệp định này đem lại.

DUY KHUÊ