Cao tốc Bến Lức - Long Thành: nhiều cơ hội phát triển kinh tế
Trong nước - Ngày đăng : 09:00, 24/07/2014
Bộ Giao thông - Vận tải chính thức khởi công xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2018.
Đây là dự án đường cao tốc dài nhất miền Nam, có tổng chiều dài 57,1 km đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Đồng Nai. Dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là kết nối khu vực kinh tế Đông và Tây Nam Bộ.
Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sau khi hoàn thành sẽ giúp cho giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần qua TP.HCM. Tuyến đường sẽ nối trực tiếp với mạng đường cao tốc - quốc lộ, với hệ thống cảng biển Hiệp Phước - Nhà Bè, Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình và Sân bay quốc tế Long Thành.
Đồng thời dự án góp phần làm giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1A, quốc lộ 51, rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa, rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó thúc đẩy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp, cảng biển do các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại các tỉnh phía Nam.
Bên cạnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP.HCM - Vũng Tàu. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 100km/h.
Hiện nay, nông sản, thủy hải sản và trái cây của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xuất đi các nước phải vận chuyển lên TP.HCM và thông qua cụm cảng TP.HCM, chi phí tăng cao, từ 170 - 180 USD/container hoặc từ 7 - 10 USD/tấn vận chuyển và lưu kho. Thời gian vận chuyển kéo dài cũng gây bất lợi và giảm lợi thế canh tranh của nông sản.
Cùng với đó là tình trạng quá tải tại các khu cảng trong nội thành TP.HCM như Cảng Sài Gòn, Tân Cảng Cát Lái. Theo báo cáo của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), tổng sản lượng trong 6 tháng đầu năm 2014 của Tân Cảng Cát Lái ước đạt 1.701.483 teu, tăng 190.041 teu (12,6%) so với cùng kỳ năm 2013.
Trong khi đó, tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, do thiếu hàng nên công suất hoạt động rất thấp. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp hàng hóa từ miền Tây đi thẳng ra khu cảng Cái Mép - Thị Vải, giảm thời gian và chi phí xuất khẩu.
Tuyến đường này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản đầu từ hạ tầng khu công nghiệp có dự án nằm ở ven đường cao tốc như các dự án ở hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Nhà Bè (TP.HCM) và hai huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An.