Phó chủ tịch TĐ Thành Thành Công: Ngọc trong đá
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 07:18, 27/07/2014
35 năm, từ một cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường có quy mô nhỏ ở Chợ Lớn, Cơ sở Thành Công ngày nào đã trở thành Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) có tổng tài sản lên đến 23.000 tỷ đồng. Tập đoàn TTC từng bước hướng đến mục tiêu trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp trong ngành mía đường, năng lượng, du lịch, bất động sản... Hành trình ấy đã ghi đậm dấu ấn của gia đình ông Đặng Văn Thành - bà Huỳnh Bích Ngọc cùng các con Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My.
Đọc E-paper
Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công: |
Với hoài bão phát triển ngành nghề thế mạnh của người Việt là nông nghiệp, cả hai nhà sáng lập này đã quyết tâm tạo nên các sản phẩm có giá trị từ cây mía, cây dừa. Tuy nhiên, khi được hỏi về vai trò của mình tại TTC, bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công luôn nói rằng mình đồng hành cùng người bạn đời là ông Đặng Văn Thành.
Trọn niềm tin và trọng chữ "tín"
Để có ngày nay, khi TTC trở thành tập đoàn có quy mô lớn trong ngành mía đường, việc giữ vững niềm tin với đối tác và xây dựng chữ "tín" với khách hàng, đồng hành cùng nhà nông là điều mà hai vợ chồng bà Huỳnh Bích Ngọc luôn tâm niệm.
* Cơ sở sản xuất Thành Công ra đời năm 1979, thời điểm kinh tế Việt Nam chưa mở cửa, bà xoay xở thế nào để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu lập nghiệp?
- Thành Công là do anh Thành (ông Đặng Văn Thành) khởi sự và điều hành trong giai đoạn đầu. Quy mô của Thành Công lúc đó vẫn còn nhỏ, chủ yếu là sản xuất, kinh doanh cồn, CO2 và mật rỉ đường (dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc), tôi chỉ làm thủ quỹ.
Ngày đó, dù chuẩn bị đón thành viên mới của gia đình là Hồng Anh (Đặng Hồng Anh, con trai đầu của hai vợ chồng, hiện là Chủ tịch HĐQT Sacomreal) nhưng tôi và anh Thành vẫn cùng các thương lái dùng ghe vận chuyển mật rỉ từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn, giao cho các cơ sở sản xuất cồn và tự sản xuất để bán cho khách hàng. Đến giờ, cả hai vợ chồng tôi vẫn xem đây là kỷ niệm đẹp cũng như những trải nghiệm quý giá cho công việc kinh doanh sau này.
Những năm đầu thập niên 1980, khối doanh nghiệp tư nhân chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận vốn lẫn công nghệ để mở rộng sản xuất nên chúng tôi tự thân vận động là chính. Khi đó, chúng tôi rất mong có một chiếc xe bồn để chở mật nhưng không xoay được vốn. Trăn trở mãi, cả hai quyết định vận động bạn bè hợp tác mua xe vận chuyển hàng.
Nhờ vợ chồng đồng lòng, chăm chỉ, cần mẫn và sẵn sàng nên chúng tôi luôn được bạn bè, đối tác tin tưởng, hỗ trợ vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu khởi sự kinh doanh.
* Năm 1991, ông Thành rẽ sang ngành tài chính, một mình bà đã làm gì để lèo lái TTC?
- Anh Thành luôn là người tạo lập và vạch chiến lược cho TTC ở từng giai đoạn, còn tôi là người thực thi. Khi "đứng một mình" ở TTC, tôi đã nghĩ công việc sắp tới sẽ không đơn giản vì vai trò của nhà điều hành DN rất khác với thủ quỹ.
Thời gian đó, có những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, thế nhưng chính sự gắn kết, động viên, sự gần gủi và chia sẻ từ gia đình cùng niềm tin tạo dựng chữ "tín" trong lòng đối tác, khách hàng đã giúp tôi có những thành công nhất định.
Tôi bắt tay vào xây dựng kênh phân phối và tập trung khép kín quy trình kinh doanh từ thương mại - sản xuất đường thành phẩm. Tôi mạnh dạn thúc đẩy kinh doanh, từng bước đầu tư hai nhà kho tại KCN Tân Bình để dự trữ đường, đồng thời thành lập đội vận chuyển hơn 20 chiếc xe tải đường và xe chuyên dụng để chở cồn, mật rỉ nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng. Việc tạo ra những dịch vụ có giá trị cộng thêm là tiêu chí để xác lập uy tín của Công ty.
* Có những trường hợp nào dù tình hình khó khăn nhưng bà vẫn đảm bảo chữ "tín" cho TTC?
- Anh Thành hay nói "Mất tiền là chưa mất hết nhưng mất chữ "tín" là mất tất cả” nên chúng tôi đều quan niệm, chữ "tín" là nền tảng trong kinh doanh và trong cuộc sống. Ở TTC, chúng tôi xem việc giữ đúng cam kết với đối tác, khách hàng là điều tiên quyết nhằm khẳng định và đảm bảo vị thế Công ty trên thương trường.
Ngay những khi cung thấp hơn cầu, TTC vẫn đảm bảo đủ lượng đường cung ứng với giá cả ổn định cho những đối tác truyền thống như Vinamilk, Coca Cola, Masan, PepsiCo, Tân Hiệp Phát, Topcake, Mì Á Châu, Kinh Đô, Bibica, Tân Việt Xuân, Lywayway..., dù khi ấy, không ít nhà sản xuất đề nghị chúng tôi những điều kiện và giá cả tốt hơn.
Và cũng chính vì giữ được niềm tin lẫn nhau mà đến thời điểm này, có những khách hàng đã đồng hành với TTC hơn 20 năm, như Vedan hay Ajinomoto..
* Được biết, bà vừa nhận danh hiệu "Đại sứ về đạo đức toàn cầu trong kinh doanh". Đối với DN, để có sự cân bằng giữa lợi nhuận và những giá trị đạo đức là điều không đơn giản. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?
- Mía đường là ngành cốt lõi của TTC nên nông dân là người gắn bó mật thiết, luôn đồng hành cùng quá trình phát triển của Công ty. Ngay từ đầu, chúng tôi đã hỗ trợ tối đa cho nông dân từ vốn, cây giống, phân bón, kỹ thuật, chi phí vận chuyển và bao tiêu sản phẩm để họ yên tâm canh tác.
Khi giá đường đi xuống, chúng tôi phải làm sao để "nông dân có lãi, nhà máy có lời", sẵn sàng bảo hiểm giá mua mía cho nông dân để họ không bị thiệt. Tại vùng mía ở Tây Ninh, chúng tôi thu mua mía với giá cao nhất nước.
Ở Khánh Hòa, Công ty CP Đường Ninh Hòa bao tiêu toàn bộ mía của nông dân, đảm bảo không bỏ mía lại ruộng khi kết thúc mùa vụ. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy và người trồng mía không chỉ giúp nhà sản xuất chủ động được nguồn nguyên liệu, tiến tới phát triển bền vững mà còn tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương để họ tiếp tục đồng hành với DN.
Định kỳ hằng năm, TTC tổ chức hội nghị về cây mía, với sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật của nhiều nông dân giỏi đến từ Mỹ, Úc, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan... cho nông dân các tỉnh có vùng mía nguyên liệu lớn như Ninh Hòa, Tây Ninh, Biên Hòa...
Bên cạnh nhà ở thương mại thì nhà ở xã hội là vấn đề TTC rất quan tâm. Dự án Carillon Apartment của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal, công ty thành viên của TTC đã dành 30,2% số lượng căn hộ để quận Tân Bình giải quyết nhà ở cho cán bộ - công nhân viên và 147 căn hộ đã được bản giao cuối năm 2013.
Carillon Apartment là dự án đầu tiên và duy nhất của quận Tân Bình có nguồn nhà ở xã hội và cũng là dự án đầu tiên của thành phố về nhà ở xã hội mà không sử dụng ngân sách nhà nước.
Hiện tại, tôi đang tập trung thời gian cho dự án Celadon City ở quận Tân Phú với quy mô 82ha. Nếu như đa phần các dự án khác xây dựng diện tích ở càng nhiều càng hiệu quả thì Celadon City là một công viên giữa khu đô thị với hơn 16ha, đây được xem là một trong những công viên lớn nhất TP.HCM.
Celadon City góp phần tạo nên sức sống mới cho không gian đô thị, được xem là dự án trọng điểm của quận Tân Phú nói riêng và thành phố nói chung. Đây là những kỳ vọng mà chúng tôi - những nhà đầu tư mong muốn mang lại cho cộng đồng và xã hội.
Tôi và anh Thành quan niệm giáo dục, tri thức là nền tảng để mỗi cá nhân phát triển. Hai tám năm qua chúng tôi vẫn miệt mài thực hiện các chương trình cấp học bổng cho học sinh nghèo và xây thư viện tại quê hương Bến Tre.
Chúng tôi còn tham gia xây dựng trường lớp ở Lý Sơn (Quãng Ngãi), tham gia chương trình "Đừng để trẻ em phải bỏ học" của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan... Không chỉ hai vợ chồng tôi mà các con, các cháu đều tích cực tham gia, chia sẻ mỗi khi tổ chức các chương trình từ thiện. Dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì theo tôi, vai trò định hướng của bố mẹ là rất quan trọng, là nơi để các con cùng sẻ chia và chung tay thực hiện.
Người "giữ lửa" tổ ấmBà Huỳnh Bích Ngọc trong một chuyến công tác từ thiện
Xuất thân từ xứ dừa Bến Tre, bà Ngọc thuộc tuýp người giản dị và thân thiện. Những ai có dịp tiếp xúc với người phụ nữ này đều có cùng cảm nhận, với bà, cùng "đứa con tinh thần" TTC, ý nghĩa lớn nhất trong cuộc sống là một gia đình đầm ấm.
* Những cộng sự lâu năm của bà và ông Thành cho biết, dù công việc bận rộn đến đâu nhưng chuyện con cái bà không bao giờ phó mặc cho người khác?
- Đúng! Ngay từ khi Hồng Anh và Ức My còn nhỏ, sáng nào tôi cũng chở con đến trường bằng xe máy, rồi quay lại công ty làm việc, chiều lại tất tả đón con. Đưa con đi thi, chăm con ăn sáng. Anh Thành thì dẫn dắt Hồng Anh chơi thể thao từ khi còn nhỏ.
Bản thân chúng tôi không muốn giao việc này cho ai vì việc gần gũi và chăm sóc con là cách để bố mẹ thấu hiểu suy nghĩ của con và chia sẻ, đồng hành cùng con. Quan điểm của tôi và anh Thành là đừng để con đầy đủ vật chất nhưng nghèo về tình cảm lẫn tinh thần. Và điều này vẫn giữ nguyên vẹn với hai em sau của Ức My và cả gia đình nhỏ của Ức My và Hồng Anh.
Đến giờ việc họp mặt vào những ngày cuối tuần hay vui chơi của cả gia đình ông bà - cha mẹ - con cháu tiếp tục được chúng tôi giữ gìn.
* Bà chuẩn bị như thế nào cho việc chuyển giao quyền điều hành tại TTC?
- Anh Thành từng có câu nói được nhiều người nhắc đến là "Doanh nhân có tuổi thọ nhưng doanh nghiệp thì không". Sự trường tồn là nền tảng để phát triển bền vững, nên việc chuyển giao quyền điều hành cho thế hệ kế cận là điều mà bất kỳ công ty gia đình nào trên thế giới cũng trải qua, tại TTC cũng vậy.
TTC đã vượt qua các giai đoạn khó khăn của chu kỳ ngành cũng như ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, hay những biến cố trong lĩnh vực tiền tệ và phát triển tới qui mô như hiện nay.
Trong quá trình ấy, việc chuyển giao điều hành đã bắt đầu cách đây vài năm, nhưng chúng tôi chọn cách sát cánh cùng đội ngũ trẻ, để các bạn trẻ có nơi trao đổi kinh nghiệm, tự tin định hình cho sự phát triển trong tương lai. Như vậy, cả đôi bên cần có thời gian để việc chuyển giao được nhịp nhàng và trọn vẹn.
TTC đã lớn mạnh cả về vốn lẫn quy mô, nên đào tạo thế hệ kế cận theo hướng "sâu và sát" hơn nữa, tức là truyền đạt kinh nghiệm điều hành, thương trường và kỹ năng ứng xử càng được chúng tôi quan tâm. Ở đây, không riêng các thành viên trong gia đình, mà tôi và anh Thành đang nhắm đến việc đào tạo đội ngũ trẻ có "tâm - tầm - tài" cho TTC.
Chúng tôi chọn giải pháp giao quyền trên cơ sở định hướng rõ ràng về mặt chiến lược, vì đây là giai đoạn quan trọng, TTC cần tập trung đẩy mạnh nội lực trước khi Việt Nam tham gia những hiệp định kinh tế quan trọng với khu vực và thế giới.
Riêng tôi, tôi rất tin tưởng vào thế hệ kế thừa của mình, không chỉ là tình cảm của một người mẹ (cả TTC và các con) mà còn vì xuyên suốt quá trình kinh doanh, tôi đều cùng các con và lớp trẻ trong Công ty đồng hành vượt qua bao thử thách, cả trong thương trường và cuộc sống. Ông bà ta có câu "Giống nào - quả ấy", các bạn có đồng tình không? (cười).
* Cảm ơn bà về buổi trò chuyện thú vị!
>Ông Đặng Văn Thành: Tôi vẫn chọn làm doanh nhân
>Cựu chủ tịch Sacombank: Tôi đang rất say sưa với cây mía
>Những gia đình quyền lực trong ngành ngân hàng
>6 cặp vợ chồng quyền lực trên thương trường