Bán lẻ điện tử: Cuộc đấu ONLINE

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:43, 06/08/2014

Thế Giới Di Động lên sàn, FPT Retail lãi khủng... cho thấy thị trường bán lẻ thiết bị kỹ thuật số bước vào thời sôi động nhất. Với những chiến lược táo bạo đang được triển khai, liệu rằng thứ hạng của thị trường này có được sắp xếp lại?
Bán lẻ điện tử: Cuộc đấu ONLINE

Thế Giới Di Động lên sàn, FPT Retail lãi khủng... cho thấy thị trường bán lẻ thiết bị kỹ thuật số bước vào thời sôi động nhất. Với những chiến lược táo bạo đang được triển khai, liệu rằng thứ hạng của thị trường này có được sắp xếp lại?

Đọc E-paper

FPT Retail lãi khủng

Giữa tháng 7, Tập đoàn FPT công bố doanh thu 6 tháng đầu năm đạt hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013. Điều đáng nói là mảng kinh doanh bán lẻ của FPT là FPT Retail (với hai hệ chuỗi cửa hàng FPT Shop và F.Studio by FPT) đạt doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng, tăng đến 81% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt 17 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu từ hệ thống cửa hàng FPT Shop đã tăng 180%; doanh thu từ việc phân phối iPhone đạt 858 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, mảng kinh doanh online của Công ty tăng trưởng đến 600%.

> Bí mật thành công của ông chủ Thế Giới Di Động

> Thế Giới Di Động và bài toán tăng doanh thu

> Thế Giới Di Động: Hút thêm tiền, lo chuyện lớn

> Định hình lại thế giới di động

> Bán lẻ điện máy nhìn từ Thế giới di động

> Thế giới di động trước giờ IPO

Bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, Tổng giám đốc Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), cho biết, kế hoạch đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng và lãi 24 tỷ đồng là thách thức lớn nhưng FPT Retail tự tin có thể cán đích.

Nói về sự tăng trưởng vượt bậc của kênh online, ông Nguyễn Trung Đức, Giám đốc Kinh doanh Trực tuyến FPT Shop, cho rằng, sở dĩ kênh bán hàng này tăng trưởng mạnh vì những thay đổi tích cực về chương trình khuyến mãi, giao diện website, thông tin, đội ngũ hỗ trợ...

Ngoài website chính thức, Fanpage của FPT Shop đã có hơn 550.000 lượt like. Số lượng các thành viên lớn đã tạo hiệu ứng tốt, hỗ trợ công tác truyền thông cũng như bán hàng online. Và hiện kênh bán hàng trực tuyến là giải pháp tốt cho FPT Shop trong bối cảnh suy thoái kinh tế vì giúp giảm gánh nặng chi phí.

Việc cập nhật giá cả và các thông tin dễ dàng cũng như có thể giới thiệu các loại sản phẩm mà không lo bị giới hạn về diện tích như cửa hàng truyền thống, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ là những lợi ích mà kinh doanh trực tuyến mang lại cho FPT Shop.

Công ty CP Thế Giới Di Động đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc này được xem là động thái cho thấy Thế Giới Di Động được quản trị minh bạch và đang tìm cách huy động vốn để tiếp tục đà tăng trưởng mạnh.

Năm 2013, doanh thu bình quân của một cửa hàng trong hệ thống thegioididong.com là 3,4 tỷ đồng/tháng, tăng trưởng khoảng 25% so với năm 2012. Vào những tháng đầu năm 2014, tăng trưởng doanh thu bình quân của hệ thống cửa hàng này tăng 18% so với năm 2013.

Cùng với việc niêm yết, Thế Giới Di Động đẩy mạnh việc mở thêm các siêu thị quy mô lớn. Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Thế Giới Di Động, cho biết: "Chúng tôi mở thêm siêu thị nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn và thuận tiện hơn. Việc đặt khách hàng làm trọng tâm đang đòi hỏi chúng tôi phải làm nhiều hơn nữa từ việc tính toán mật độ siêu thị hợp lý, đưa ra các chính sách bán hàng, thiết kế các chương trình ưu đãi phù hợp... tới việc lựa chọn hàng hóa chất lượng cao để phục vụ người tiêu dùng".

Thị trường sắp xếp lại?

Báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK Việt Nam, năm 2013, tổng doanh số các sản phẩm điện tử - điện máy tại Việt Nam đạt khoảng 5,4 tỷ USD. Trong đó, số tiền tiêu dùng cho điện thoại lên tới gần 2 tỷ USD, tăng 33% so với năm trước. Chính sự hấp dẫn của thị trường khiến FPT Retail tăng cường đầu tư cho lĩnh vực bán lẻ này.

FPT Retail đã được thành lập từ năm 2008. Từ đó, mảng bán lẻ của FPT Retail không mấy hiệu quả và thương hiệu này đã phải thu hẹp hệ thống cửa hàng FPT Retail. Thế nhưng, hai năm nay, sau khi xây dựng lại hình ảnh, đổi tên hệ thống cửa hàng thành FPT Shop và đẩy mạnh đầu tư, FPT Retail đã đạt kết quả ngoài mong đợi (tăng 180% và là năm đầu tiên có lãi).

Bà Nguyễn Thị Bạch Điệp, cho biết, thị trường dành cho các ngành bán lẻ Việt Nam vẫn còn rộng và cuộc đua về số lượng cửa hàng vẫn sẽ được tiếp tục trong thời gian tới. "Do bắt đầu chậm hơn các hệ thống khác nên năm 2014 vẫn phải mở rộng quy mô theo chiều rộng đồng thời hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo chiều sâu. Hiện FPT Shop có 120 cửa hàng và trong kế hoạch sẽ mở đến 150 cửa hàng vào cuối năm nay", bà Bạch Điệp cho biết.

Không dừng lại ở việc đẩy mạnh phát triển hệ thống cửa hàng FPT Shop ở cả hai lĩnh vực online và oflline, mới đây, Tập đoàn FPT cũng đã mua lại sàn điện tử 123mua.vn từ VNG. Giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng thông tin hành lang cho hay FPT mua lại với giá nửa triệu USD.

Động thái này cho thấy, FPT đang tiến sâu hơn vào mảng bán lẻ. Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Công ty Sen Đỏ (thành viên của FPT, quản lý sàn thương mại điện tử sendo.vn), cho biết, thương vụ này là một phần trong chiến lược phát triển của Công ty trong năm 2014 và tương lai.

Việc mua lại 123mua.vn sẽ giúp sendo.vn tăng trưởng gấp 4 lần trong vòng một năm tới và đẩy nhanh tiến độ trở thành sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường Việt Nam. Hiện tại, Sendo.vn đang tập trung cung cấp các dịch vụ trọn gói và đảm bảo từ mua bán đến giao hàng trên phạm vị toàn quốc.

Hiện Thế Giới Di Động đang chiếm 25% thị phần nhóm hàng kỹ thuật số, kế đến là Viễn Thông A, Nguyễn Kim... Nhưng mục tiêu của Thế Giới Di Động là chiếm 40% thị phần, sau đó sẽ kinh doanh một chuỗi bán lẻ mới.

Và công bố của Thế Giới Di Động mới đây cho thấy, giá trị tài sản ngắn hạn và dài hạn của nhà bán lẻ này tăng lên nhanh chóng, từ 25 triệu USD trong năm 2010 đã tăng lên 92 triệu USD vào năm 2013.

Dự kiến, đến cuối năm 2014, giá trị tài sản ngắn hạn của Thế Giới Di Động sẽ tăng lên 135 triệu USD. Ông Tài cho biết, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đã chứng minh năm nay sẽ là năm tăng trưởng gần gấp đôi năm ngoái về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, Công ty sẽ đạt 130.000 tỷ đồng doanh thu và 435 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Hiện Thế Giới Di Động đang đứng vị trí số 1 về số lượng điểm bán với 241 cửa hàng. Điều đáng nói là Thế Giới Di Động cũng là chuỗi bán lẻ sản phẩm kỹ thuật số có nhiều mô hình cửa hàng khác nhau như: siêu thị lớn (trên 200m2), siêu thị trung (50 - 200m2) và cửa hàng nhỏ (30 - 50m2).

Trong kế hoạch công bố vào đầu năm nay, Thế Giới Di Động sẽ tiến về thị trường nông thôn với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng nhỏ trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đức Tài, cho biết, hiện Công ty đang thử nghiệm mô hình cửa hàng nhỏ tại Long An và nếu thành công về doanh thu và lợi nhuận, sẽ đẩy nhanh việc triển khai mô hình này.

Xây dựng các điểm bán lẻ là khoản đầu tư tốn kém nhất của một công ty bán lẻ. Thế nhưng, các doanh nghiệp ngành này vẫn liên tục mở điểm bán mới. Cùng với Thế Giới Di Động, FPT Shop, các thương hiệu kinh doanh hàng kỹ thuật số khác là Viễn Thông A, Nhật Cường... cũng đang mở rộng mạng lưới.

Hiện Viễn Thông A đã mở rộng mạng lưới lên 100 cửa hàng và trung tâm bảo hành, trong đó, hơn 20 cửa hàng tại hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart và hơn 60 trung tâm smartphone ở các tỉnh - thành.

Với những động thái này, cho thấy ngành bán lẻ kỹ thuật số đang rất quyết liệt trong việc phân chia thị trường. Liệu rằng mục tiêu mà Thế Giới Di Động đang hướng đến song song với sự "trỗi dậy" của một thương hiệu từng thất bại như FPT Retail, thị trường có được sắp lại?

HỒNG NGA