Mới bắt đầu đã thấy không ổn

Du lịch - Ngày đăng : 07:35, 15/08/2014

Khi câu chuyện bắt đầu, nó như đã nhuốm màu không ổn.
Mới bắt đầu đã thấy không ổn

Khi câu chuyện bắt đầu, nó như đã nhuốm màu không ổn. Ở tổ dân phố chúng tôi chỉ có 24 gia đình. Khi tổ trưởng công bố danh sách những gia đình không nộp Phí bảo trì đường bộ của hai năm 2013-2014, dường như chẳng có ai ngạc nhiên. Những người không nộp phí hầu hết mới đi làm dăm năm, lại làm trong các ngành công an, quản lý đô thị, thanh tra giao thông, hay cơ quan thuế ở phường.

Đọc E-paper

Tóm lại, họ đều làm ở những đơn vị mà tính thượng tôn pháp luật dĩ nhiên được đặt lên hàng đầu. Vậy nhưng chính họ lại là những người quyết liệt nói "không" với ông tổ trưởng dân phố khi vị này đến tận nhà thu khoản phí trên theo chỉ đạo hướng dẫn từ UBND phường.

Không khí cuộc họp chùng xuống. Những người không nộp phí đều còn trẻ, chẳng bao giờ đi họp tổ dân phố để ai đó có thể chất vấn này nọ. Cha mẹ họ có mặt, cũng chỉ im lặng.

Việc thu phí này khởi động từ năm 2013, đến nay mới đạt 25% kế hoạch Bộ Giao thông Vận tải đề xuất. Cứ tưởng việc thất thu đa số xảy ra ở vùng nông thôn, nơi người dân còn nghèo, hay khu vực đông người nhập cư khó quản lý nhân khẩu, nhận thức về pháp luật hạn chế.

Nhưng điều đó lại xảy ra ở một khu dân cư "địa lợi - nhân hòa" như chỗ chúng tôi, thì vấn đề đã tiềm ẩn nhiều mặt trái của xã hội. Với đa số người dân, tâm lý đều chưa thông với việc nộp phí bảo trì đường bộ dành cho người sử dụng xe máy, nhưng khi Nhà nước đã có quy định cụ thể, lại ràng buộc việc kiểm tra sẽ do lực lượng công an giao thông rà soát, nên đa số người dân chấp hành.

Vậy tại sao số người không nộp lại rơi vào các công chức trẻ đó. Ai cũng hiểu rằng họ có mối quen biết trong công việc, chẳng lo sợ ai kiểm tra, nên "trốn phí” dù số tiền chỉ từ 50-100 ngàn đồng/xe/năm.

Vấn đề là mới có thâm niên công chức vài ba năm họ đã học được thói "ỷ quen biết, dựa chức quyền" để không thực hiện các nghĩa vụ công dân như bao người dân bình thường khác. Chuyện nhỏ xíu 100 ngàn đồng mỗi năm đó họ còn trốn tránh, thì trong quá trình làm công chức, họ sẽ còn làm những gì để kiếm được món lợi lớn hơn?

Mới đây, trong một cuộc tranh luận về ý thức hệ trên một diễn đàn, một người trẻ có nhiều ý kiến quyết liệt bảo vệ những điều bạn tin tưởng. Sự tò mò thúc đẩy tôi vào trang cá nhân của bạn này trên Facebook để tìm hiểu đôi chút về con người bạn, và một sự thất vọng lớn đã đến.

Con người quyết liệt bảo vệ lý tưởng cao đẹp kia đăng tràn lan trên trang cá nhân của mình hình ảnh những cuộc vui chơi hết sân golf trong nước đến Thái Lan, Malaysia, huênh hoang "check-in" ở các địa điểm sang trọng như biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, những chuyến đi mua sắm ở nước ngoài hay đi chùa chiền cúng bái từ Bắc vào Nam.

Hóa ra người trẻ này bảo vệ vị trí xã hội của cá nhân hoặc của cha mẹ đang cho bạn hưởng sự giàu sang, sung sướng chứ chẳng phải lý tưởng nào, bởi vì công chức trẻ này đã làm gì để được hưởng cuộc sống vương giả đó ngoài việc dựa vào chức quyền của mình hoặc những người trong gia đình.

Điều đáng buồn là những công chức "con ông cháu cha" như thế không hiếm! Nhìn vào hình ảnh của loại người này, liệu chúng ta có niềm tin sẽ xây dựng được bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh hay không, khi mỗi ngày chúng ta đối mặt với những vụ việc trộm vào nhà quan vơ tiền chục tỷ, hay cơ ngơi của các quan tỉnh rộng vài chục hecta, nguy nga, tráng lệ? Có phải hình ảnh quan chức giàu sang đang là tấm gương, là đích đến của các công chức trẻ hôm nay?

Mới bước chân vào đội ngũ công chức, có trách nhiệm bảo vệ pháp luật mà nhiều công chức đã học thói ngông nghênh, nhưng lại không có chế tài nghiêm khắc để sa thải loại người coi thường, lách luật như vậy.

Chúng ta chẳng trách họ làm gì, chỉ lo chính Pháp lệnh Công chức nhà nước dù có bao nhiêu quy định chặt chẽ nhưng công chức không đủ tư cách đạo đức, không đủ tài, không có tâm huyết vẫn tràn lan!

>Kiến nghị thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu
>Phí bảo trì đường bộ: Phí chồng phí

THIÊN THANH