Cựu chủ tịch Sacombank: Đời doanh nhân như cây mía

Chân dung - Ngày đăng : 07:10, 18/08/2014

Trong cây mía có nhiều đốt. Đấy là những chỗ có chữ đường thấp nhất. Qua mỗi đốt, mía lớn lên. Cũng chính từ những nơi đó lại mọc ra những chồi non mà khi trồng xuống đất sẽ phát triển thành cây mới.
Cựu chủ tịch Sacombank: Đời doanh nhân như cây mía

Đời doanh nhân như cây mía. Đó là cách ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, ví von về chặng đường kinh doanh của mình.

Trong cây mía có nhiều đốt. Đấy là những chỗ có chữ đường thấp nhất. Qua mỗi đốt, mía lớn lên. Cũng chính từ những nơi đó lại mọc ra những chồi non mà khi trồng xuống đất sẽ phát triển thành cây mới.

Nhìn lại những thăng trầm đã nếm trải, ông Thành dùng hình ảnh cây mía để minh họa cho cuộc đời mình.“Lóng mía” là giai đoạn ông tích luỹ và phát triển kinh doanh thuận lợi. “Đốt mía” là lúc ông gặp khó khăn, khủng hoảng.

Thôi thì thế thôi!

Trong vài năm qua, “đốt mía” của ông Thành được nhắc đến nhiều hơn. Đó là thời điểm ông rời Sacombank, một trong những ngân hàng thương mại cổ phần được đánh giá tốt nhất Việt Nam. Câu chuyện đã trôi qua 2 năm nhưng ông Thành vẫn chưa sẵn sàng trải lòng khi được NCĐT hỏi về những vấn đề liên quan đến ngân hàng này. 20 năm xây dựng cơ nghiệp, lúc này, ông bộc bạch với giọng âm trầm: “Không còn duyên phận với ngân hàng thì thôi chứ sao!”

Dù không còn trực tiếp kinh doanh ngân hàng nhưng ông cho biết kế hoạch sẽ thành lập trung tâm đào tạo chuyên sâu nhân viên ngân hàng mang tên Việt Thành Công do ông Trần Xuân Huy, nguyên CEO Sacombank, “cánh tay phải” của ông, điều hành trực tiếp.

Nhiều cán bộ cũ của Sacombank sẽ tham gia giảng dạy tại đây và ông Thành cũng sẽ có một số buổi đứng lớp về vấn đề quản trị. “Kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tại ngân hàng là rất đáng quý nên cần có sự chia sẻ, truyền đạt lại cho thế hệ tương lai”, ông nói.

“Chúng ta có một giờ đồng hồ”, ông Đặng Văn Thành giao ước thẳng thắn với chúng tôi trước khi bắt đầu cuộc đối thoại. Gương mặt vẫn hồng hào, có vẻ cựu Chủ tịch Sacombank đang tìm lại phong độ sau 2 năm kín tiếng trên phương tiện truyền thông. Ông trở lại lần này với tuyên ngôn mới trong lĩnh vực mía đường, một cái nghiệp mà ông đã gắn bó sau khi rời quân ngũ cách đây 35 năm.

Duyên tiền, duyên đường

Ông được biết đến là một trong những “doanh nhân vàng” của thế hệ kinh doanh đầu tiên ở Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước, khởi nghiệp với ngành kinh doanh mật rỉ để sản xuất cồn, sau đó thành lập tổ hợp sản xuất cồn Thành Công.

Đến những năm 80 thế kỷ trước, thời điểm mô hình hợp tác xã tín dụng trở thành xu thế thời thượng, ông Thành đã lấn sang lĩnh vực này. “Cách vận hành tổ chức tín dụng giống như một tiệm cầm đồ, tức là huy động vốn và cho vay cầm cố, chứ chưa có thêm tiện ích gì khác”, ông nhớ lại. Hòa vào dòng chảy đó, đến cuối thập niên 80, có hơn 7.000 hợp tác xã tín dụng được thành lập trên cả nước, theo thống kê của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Với mô hình huy động vốn hình tháp thời kỳ đó, để huy động được vốn, lãi suất liên tiếp bị đẩy lên rất cao. Người ta tranh nhau cho vay, thậm chí có những cơ sở ngừng sản xuất để lấy vốn cho vay.

Các tổ chức tín dụng tự “ăn vào đuôi” của mình. Và hệ lụy là hàng loạt hợp tác xã tín dụng đổ bể như Đại Thành, Nước hoa Thanh Hương. Khi đó, hợp tác xã Thành Công mà ông Thành làm chủ nhiệm cũng đứng bên bờ vực phá sản. Nếu đổ vỡ, ông Thành không chỉ mất hết tài sản, mà còn có thể rơi vào vòng lao lý.

Cách ông chọn để thoát hiểm khi đó là mời tất cả chủ nợ đến, minh bạch hóa tình hình hợp tác xã tín dụng cũng như chia sẻ thêm chính sách tái cơ cấu của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM để làm an lòng họ. Ông đề xuất được gia hạn nợ và nhận được sự đồng tình của đa số chủ nợ.

Rồi ông và gia đình tiếp tục mở rộng việc kinh doanh đường (chỉ kinh doanh, chưa sản xuất). Giai đoạn 2004-2005, gia tộc họ Đặng bắt đầu mua cổ phần của một số doanh nghiệp mía đường theo lộ trình cổ phần hóa của Nhà nước.

Đến năm 2010, Tập đoàn Bourbon của Pháp chủ động tìm ông Thành, đặt vấn đề chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Bourbon Tây Ninh.Nắm bắt cơ hội, gia tộc họ Đặng chính thức dấn sâu vào chuỗi giá trị mía đường.

Thời điểm đó, một số ý kiến cho rằng lý do tập đoàn Pháp này bán lại là vì Bourbon khó có thể kinh doanh hiệu quả do chính sách hạn điền và ít có khả năng mở rộng vùng nguyên liệu ở Tây Ninh. Nhưng theo thông cáo báo chí của Tập đoàn Bourbon, họ thoái vốn là để tập trung vào cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi theo yêu cầu của công ty mẹ tại Pháp.

Còn về phần Bourbon Tây Ninh sau khi về với Thành Thành Công, dưới sự quản lý của bà Huỳnh Bích Ngọc, vợ ông Thành, công ty này đã hoạt động tương đối hiệu quả với cổ tức hằng năm cao, đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên cho đến nay.

Khi tiếp quản Bourbon Tây Ninh, ông Thành và vợ cũng nhận ra một trong những thách thức lớn của ngành mía đường Việt Nam nằm ở năng suất (cho đến nay vẫn thế).Vài năm sau đó, vợ chồng ông quyết định thành lập một công ty nghiên cứu mía đường mang tên Thành Thành Công Tây Ninh với vốn điều lệ 30 tỉ đồng.

Một trong những người đang sát cánh với gia đình ông trong giai đoạn phát triển quan trọng này là Giáo sư Võ Tòng Xuân, người có thâm niên về nghiên cứu nông nghiệp. Ông từng cố vấn cho Bourbon Tây Ninh và vẫn tiếp tục phụ trách công tác nghiên cứu tại Thành Thành Công cho đến nay.

Theo ông, năng suất mía đường tại Việt Nam hiện nay thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Có nhiều lý do nhưng chung quy lại nằm ở 4 yếu tố, gồm cây giống, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch cũng như chính sách đất đai bất hợp lý.

Theo cam kết AFTA, hàng rào thuế quan bảo hộ ngành mía đường sẽ được dỡ bỏ vào năm 2015 và chậm nhất đến 2017. Hiện tại, giá đường Thái Lan về đến biên giới chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg, còn giá thành sản xuất đường trong nước khoảng 13.000 đồng/kg. Như vậy, ngành sản xuất đường trong nước rất khó cạnh tranh với Thái Lan trong thời gian tới.

Cũng theo Giáo sư Xuân, ngoài lợi thế về đất đai, các doanh nghiệp Thái Lan còn không ngừng đầu tư vào công tác nghiên cứu. Tập đoàn mía đường hàng đầu Thái Lan là Mitr Phol chi từ 14-18 triệu USD/năm cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới cũng như phổ biến cho nông dân.

Hiện các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức cho việc đầu tư nghiên cứu, còn Nhà nước thì có ít chính sách hỗ trợ. Với công ty nghiên cứu nói trên, Tập đoàn Thành Thành Công là một trong những đơn vị sẽ thực hiện sứ mệnh hạ giá thành sản phẩm và cạnh tranh với đường Thái Lan.

Đơn vị nghiên cứu của Thành Thành Công cũng giúp nông dân thay đổi phương thức trồng trọt, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tưới nước, thu hoạch. Nhờ vậy, giá thành sản xuất vụ 2013-2014 đã giảm khoảng 10% so với niên vụ trước.

Về việc chưa có đột phá ở khâu giống, Giáo sư Xuân cho biết cần khoảng 13-14 năm để tạo giống mía mới. Do đó, trung tâm nghiên cứu này chọn cách nhập giống từ nước ngoài (hiện nay là 47 giống) và tiến hành kiểm dịch thực vật, xác định đặc tính nông học rồi chọn ra giống tốt để nhân giống. Khi được hỏi liệu Thành Thành Công có thể cạnh tranh được với giá đường thế giới, Giáo sư Xuân cho biết: “Trong vòng 3 năm nữa, có thể sẽ được”.

Mía đường xem ra là lựa chọn khả dĩ nhất với ông Thành vào thời điểm hiện tại. Ông không giấu tham vọng đánh bật đường Thái Lan trên sân nhà bằng năng suất. Chiến lược của Thành Thành Công là hoàn thiện chuỗi sản xuất mía đường.

Hiện nay, tập đoàn này đang có 7 doanh nghiệp ngành đường, trong đó đường Biên Hòa có lợi thế về sản phẩm chất lượng cao, đa dạng và thị trường lâu năm; đường Ninh Hòa lại mạnh về vùng nguyên liệu; đường Thành Thành Công Tây Ninh thì có nhà máy hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Sự kết hợp thế mạnh của các đơn vị này đã mang lại lợi thế lớn cho Thành Thành Công.

Ngoài việc sản xuất đường, ông cũng cho biết, Tập đoàn đang tận dụng các phụ phẩm từ mía để tạo ra những sản phẩm có giá trị, trước mắt là cồn và điện. Ông cũng không ngại chia sẻ sắp tới sẽ xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất cồn có công suất 25 triệu lít/năm, hợp tác với đối tác ED & Fman, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phân phối hàng nông sản. Còn sản lượng điện từ bã mía giải quyết toàn bộ nhu cầu điện tiêu thụ tại các nhà máy đường thuộc Tập đoàn.

Sau mía đường, tương lai của Thành Thành Công, theo ông Thành, sẽ là tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực du lịch với sự góp mặt của các công ty do vợ chồng ông sở hữu như Du lịch Thành Ngọc, Du lịch Thắng Lợi, Du lịch Bình Thuận. Nhưng nhìn chung, mảng du lịch vẫn còn chiếm tỉ trọng khá thấp trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này.

Hai trở lực của ông Thành

Trong các ngành nghề kinh doanh mà gia đình họ Đặng đang theo đuổi, mía đường, du lịch và năng lượng được xác định là 3 mũi nhọn chiến lược trong thời gian tới.

Với mô hình tập đoàn đa ngành, ông Thành cho đó là “sự trưởng thành của cả nền kinh tế thị trường chứ không xấu như mọi người vẫn nghĩ, quan trọng là cách quản trị như thế nào”.

Đồng thời, để chuẩn bị cho cuộc trường chinh mới, ông Thái Văn Chuyện, người đã theo ông Thành hơn chục năm qua, đã được đề bạt lên vị trí Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thành Thành Công.

Nhưng định hướng trở thành tập đoàn đa ngành với các ngành nghề hoạt động tương đối độc lập dẫn đến tình trạng khó tận dụng được lợi thế như trong cùng một chuỗi giá trị.

Thêm vào đó, quan sát cây gia phả của Thành Thành Công có thể thấy tình trạng sở hữu chồng chéo giữa các công ty thành viên trong cùng Tập đoàn khá phức tạp, một điều được chính ông Thành thừa nhận.

Ví dụ tại thời điểm cuối quý I/2014, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh sở hữu 22% Mía đường Biên Hòa, 24% Mía đường Nhiệt điện Gia Lai và 24% Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công. Trong khi đó, Mía đường Biên Hòa lại đồng sở hữu Mía đường Nhiệt điện Gia Lai với tỉ lệ 11% và cũng giữ tỉ lệ 24% trong Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công.

Nhận ra sự phức tạp của mô hình này, thời gian gần đây có những tín hiệu cho thấy Thành Thành Công đang từng bước giảm dần tình trạng sở hữu chồng chéo giữa các thành viên. Điển hình là thương vụ sáp nhập Đường Biên Hòa và Đường Ninh Hòa, sắp tới là thương vụ sáp nhập Mía đường Nhiệt điện Gia Lai vào Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và thêm một số thương vụ sáp nhập khác. Bên cạnh đó, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cũng có động thái thoái vốn toàn bộ khỏi Mía đường Nhiệt điện Gia Lai trong tháng 7 vừa qua.

Ngoài ra, với quan điểm “đứng trên vai người khổng lồ” của ông Thành, Thành Thành Công đã ký kết biên bản ghi nhớ với một số tập đoàn nước ngoài, dọn đường cho việc huy động vốn ngoại vào đầu năm 2015. Ông cũng nói thêm chính vì quan điểm này mà khi còn tại vịở Sacombank, ông đã liên kết với Ngân hàng ANZ để trở thành ngân hàng đầu tiên đưa hệ thống máy ATM vào Việt Nam.

Hai trở lực đáng kể trong cuộc trường chinh mới của Đặng Văn Thành là nhiệm vụ tái cấu trúc Tập đoàn và nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường. Liệu Thành Thành Công sẽ kịp về đích và đứng vững trước “cơn bão” đường giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam sau khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ? Hãy cùng chờ xem!

>Phó chủ tịch TĐ Thành Thành Công: Ngọc trong đá
>Cựu chủ tịch Sacombank: Tôi đang rất say sưa với cây mía
>
Chủ tịch Sacomreal: Biến cố giúp chúng tôi mạnh mẽ
>Ông Đặng Văn Thành: Tôi vẫn chọn làm doanh nhân