Saint Petersburg: đỉnh cao của sự vương giả
Du lịch - Ngày đăng : 09:00, 26/08/2014
Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, Saint Petersburg vẫn khiến người ta phải choáng ngợp với vẻ vương giả đầy kiêu hãnh.
Những báu vật bên dòng Neva
Sau chuyến tàu đêm từ Matxcova, bữa ăn sáng đầu tiên tại cố đô của nước Nga khiến chúng tôi ngỡ mình vừa đặt chân vào thế giới nơi cái đẹp được coi là số một. Cách trang trí trong nhà hàng gần bảo tàng Hermitage với đồ sứ sặc sỡ sắc màu trên bàn và hộc cửa sổ, với dãy dài những bình nước trái cây lên men như mở ra một không gian truyền thống của Nga. Điều đáng ngạc nhiên hơn là trong khu nhà vệ sinh, mỗi phòng đều có cửa bọc nỉ rất ấm cúng, xung quanh lại còn để… sách vở, máy hát quay đĩa như thể đây là chốn thư giãn và thưởng thức văn hóa.
Đại giáo đường St. Issac, kiến trúc vô đại và tốn kém nhất Saint Petersburg |
Theo lời khuyên của mấy người bạn Nga, chúng tôi mua tour đường sông để được ngắm nhìn những góc đẹp nhất của Saint Petersburg từ sông Neva và các con sông đào. Xen giữa những tòa nhà mang nét kiến trúc baroque của thế kỷ XIX, XX là các ngôi nhà thờ Chính Thống Giáo Nga với kiến trúc thanh thoát màu sắc nhẹ nhàng, những cây cầu rất đẹp nối liền hai bên bờ. Tất cả điều này tạo thành những nét thơ mộng đẹp đẽ và riêng biệt nhất của Saint Petersburg.
Giữa sông là đảo Vasilevski chia sông Neva làm hai. Tuy gọi là đảo sông nhưng Vasilevski lại là một đảo sông khá lớn nối liền sông Neva và vịnh Phần Lan. Bộ Tư lệnh Hải quân của triều đại Romanov được xây dựng ở đây xưa kia và ngày nay trở thành Nhà bảo tàng Hải quân.
Bên trong Đại giáo đường St. Issac |
Khi con tàu ra khỏi con sông đào để chạy vào sông chính thì du khách mới cảm nhận được nét đẹp toàn vẹn của dòng Neva. Sự thoáng rộng của con sông tạo cho người ta cảm tưởng rằng Neva chắc hẳn rất vĩ đại. Thực tế thì sông chỉ dài hơn 70 cây số nhưng đóng góp rất lớn vào sự thịnh vượng và vẻ phồn hoa của Saint Petersburg. Neva nhộn nhịp nhất ở đoạn chạy dọc theo đại lộ Nevsky nổi tiếng. Đại lộ rộng thênh thang, hai bên rực rỡ sáng choang với dãy cửa hàng sang trọng. Nhiều người cho rằng phố phường ở đây đẹp hơn ở Matxcova vì các tòa nhà đều cổ kính và cao vừa phải, người đi bộ nườm nượp trên hè phố, hầu hết ăn mặc rất thời trang.
Bảo tàng Hermitage, Cung điện Mùa Đông xưa với hàng triệu bảo vật quý giá |
Bảo tàng Hermitage (Cung điện Mùa Ðông) nổi bật với hai màu trắng và xanh lá cây cũng nằm bên sông, cạnh cầu Palace Bridge. Với hơn 4 triệu tác phẩm mỹ thuật có giá trị của dân tộc Nga, nơi đây có thể so sánh ngang hàng với Viện bảo tàng Louvre ở Paris về kiến trúc đồ sộ và trình độ mỹ thuật, kể cả những tác phẩm hội họa nổi tiếng. Hermitage là công trình tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc baroque nước Nga vào thế kỷ XVIII và cũng được xem là tác phẩm vĩ đại nhất của nghệ thuật kiến trúc của nước này. Sự phối hợp hài hòa giữa màu xanh và màu trắng cùng một số vật trang trí màu vàng kim trên tường đã tạo nên một không gian vương giả và thanh lịch.
Tầng ba của cung điện là nơi ở của hoàng gia thời đó. Cung điện Mùa Đông ngày nay là một trong những viện bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới. Mỗi một viên gạch nơi đây đều là loại cao cấp có giá trị lịch sử cao và đầy tính nghệ thuật. Thấy chúng tôi cứ nấn ná hàng chục phút trước mỗi bức tranh hay các tác phẩm điêu khắc, anh bạn Nga lại phải nhắc nhở rằng nếu mỗi hiện vật xem trong vòng một phút thì người ta sẽ mất đến tám năm để khám phá toàn bộ bộ sưu tập! Nghe vậy, mọi người đành dời chân trong sự tiếc nuối.
Thành phố vàng ngọc
Từ Hermitage, cả nhóm đi bộ ra nhà thờ Thượng Huyết. Nhà thờ có mặt ngoài và các mái vòm củ hành được sơn vẽ nhiều màu sắc rực rỡ này có lối vào, lối ra riêng. Đi từ đại lộ Nevsky, theo bờ kênh đào Griboedov, du khách phải đi vòng quanh nhà thờ để tìm lối vào ở phía đối diện. Nếu vẻ bề ngoài đủ khiến kiệt tác tôn giáo này như là một báu vật bên sông Neva thì bên trong còn lộng lẫy hơn muôn phần.
Tất cả các bức tường, các cột đều là các bức tranh mosaic (tranh được khảm bằng các vật liệu quý) về Thánh và chuyện Kinh Thánh màu sắc tươi sáng, đường nét tinh xảo, hài hòa đến mức tuyệt mỹ. Các tường và vòm cũng là các bức tranh sơn màu sáng, làm cho toàn bộ không gian nhà thờ rực rỡ, chói lòa. Tổng diện tích tranh mosaic trong nhà thờ lên tới 750 mét vuông. Phần điện chính được dát vàng xa hoa, đối diện với phần điện chính qua mái vòm lớn của nhà thờ là nơi tưởng niệm nơi vua Alexandre II. Tương truyền nhà vua đã bị thương và qua đời ngay tại vị trí này.
Nhà thờ Thượng Huyết lúc thành phố vừa lên đèn |
Cứ tưởng nhà thờ Thượng Huyết đã là đỉnh cao của lòng mộ đạo, chúng tôi bị bất ngờ khi đứng trước ngôi Ðại giáo đường St. Issac cách đó không xa. Công trình này mới là kiến trúc vĩ đại và tốn kém nhất của thành phố. Mái vòm bằng đồng khổng lồ của nhà thờ luôn chói lọi như một mặt trời nhỏ. St. Issac vô cùng đồ sộ và lộng lẫy đến từng chi tiết. Những hàng cột vĩ đại và các hành lang đá hoa cương thênh thang của thánh đường khiến nhiều người choáng ngợp không nói nên lời. Thật không biết dùng từ gì để diễn tả mức độ giàu có của hoàng gia Nga ngày xưa.
Tranh khảm đá quý trong nhà thờ Thượng Huyết |
Lòng yêu mến tôn giáo của các Nga Hoàng không dừng ở đó. Bên kia sông Neva là Pháo đài Peter and Paul với tháp Thánh giá nhà thờ cao nhất Saint Petersburg. Ngọn tháp cao 40 mét này tọa lạc trên nóc nhà thờ cao 122,5 mét. Trên đỉnh tháp có tượng thiên thần bay với chiều cao 3,2m và sải cánh 3,8m. Người ta đã dùng hơn tám kí lô vàng nguyên chất để mạ toàn bộ tháp.
Pháo đài Peter and Paul với tháp Thánh giá nhà thờ cao nhất Saint Petersburg |
Cũng nằm ở bên kia sông, pháo đài Petropavlovsky được coi là kiến trúc khởi đầu cho lịch sử xây dựng của Saint Petersburg. Chúng tôi đi bộ đến đó theo bản đồ, xác định là quãng đường đi sẽ khá dài vì phải qua cầu Troiskiy bắc ngang đoạn rộng nhất của sông Neva. Trên cầu nườm nượp xe cộ qua lại, có cả xe buýt và xe điện nữa nhưng đi ai nấy đều thấy thú vị vì được hưởng cái lạnh cuối đông nước Nga, lại có thêm gió lồng lộng từ sông thổi lên.
Thú vị nhất là nhìn thấy cây cầu bắc ngang dẫn vào pháo đài cứ lớn dần trong tầm mắt. Chúng tôi không vào thăm bên trong pháo đài vì cho rằng chiêm ngưỡng chừng đó sự xa hoa trong một ngày là đã quá đủ.
Một trong rất nhiều kiến trúc cổ ở Saint Petersburg |
Đi ra phần mũi pháo đài nhô ra sông Neva, đi theo bờ kè đá rồi ra đến bãi cát rộng mênh mông như bãi biển, cả nhóm ngồi vơ vẩn trên một thân cây khô trên bãi cát, nhìn sang bờ bên kia, thấy Hermitage, thấy nhà thờ Thượng Huyết và cả mái vòm khổng lồ của nhà thờ Thánh Issac. Những vẻ đẹp của Saint Petersburg mà chúng tôi được chiêm ngưỡng có lẽ cũng chỉ là chút bên ngoài như cách mà du khách tham quan Hermitage trong một buổi, để rồi luôn nuôi giấc mộng sẽ sớm có ngày trở lại chốn xa hoa bậc nhất này.