Bao bì thân thiện môi trường: Chưa có cửa sáng
Du lịch - Ngày đăng : 07:16, 28/08/2014
Nhiều doanh nghiệp Việt đang sản xuất các sản phẩm bao bì tự hủy để đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường, song kinh doanh sản phẩm này không dễ.
Bao bì thân thiện với môi trường đang là lĩnh vực phát triển mạnh, được nhiều hệ thống bán lẻ và các doanh nghiệp chú ý. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi các nhà sản xuất bao bì phải đối mặt với nhiều rào cản như giá thành bao bì tự hủy cao hơn nhiều so với bao bì thông thường.
Đa dạng bao bì thân thiện môi trường
Gần đây, một loạt hệ thống phân phối lớn như: Coop Mart, Metro, Big C… đã chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, Saigon Co.op đã đưa bao bì tự hủy vào sử dụng cho toàn bộ hệ thống Coop Mart. Đây là loại túi nylon sử dụng chất phụ gia Reverte với khả năng tự phân hủy sinh học trong môi trường và thời gian phân hủy sinh học là từ 1-2 năm, tùy vào điều kiện nhiệt độ, độ ẩm của môi trường đất và ánh sáng mặt trời.
Vào cuối năm 2013, Big C đã chính thức đưa túi tự hủy vào sử dụng làm bao bì đựng hàng hóa cho khách hàng, thay thế loại túi nylon được dùng trước đó trên toàn hệ thống Big C. Thực chất, đây là nỗ lực của các doanh nghiệp nội nhằm đáp ứng những chuyển động mới của xã hội.
Trong giới làm bao bì tự hủy, nhân vật đầu tiên phải kể đến ông Lê Lộc, Giám đốc Công ty Phúc Lê Gia. Mất nhiều năm nghiên cứu, tự sang Mỹ, Nhật vừa học nghề vừa tìm kiếm công thức, chất phụ gia để chế tạo ra bao bì tự hủy, cuối cùng ông quyết định ứng dụng công nghệ phù hợp để có giá thành rẻ.
Theo ông Lộc, đối với túi nylon được sản xuất từ bột bắp, sau khi phân hủy có thể dùng làm phân bón, nhưng cần công nghệ chuyên dụng, quy trình sản xuất phức tạp và giá thành cao. Do đó, ông quyết định chọn sản xuất túi nylon theo công nghệ tự phân hủy sinh học Biocom.
Sau khi sử dụng, thải ra ngoài môi trường trong điều kiện tiếp xúc với chất hữu cơ hoặc độ ẩm cao thì túi nylon sẽ tự hủy trong thời gian 80 – 103 ngày, không gây tác hại cho môi trường. Sản phẩm bao bì tự hủy này có độ dai tương đương với bao nylon thông thường và giá thành chỉ cao hơn khoảng 5%.
Trong khi đó, Công ty Bao bì Vafaco sản xuất bao bì tự hủy dựa trên sự kết hợp nhựa HDBE và chất phụ gia Reverte. Sau khi thải ra tự nhiên, bao bì nhựa sẽ tự phân hủy trong điều kiện bình thường và bức xạ của tia cực tím mặt trời. Sau 3-9 tháng, các sản phẩm thải sẽ trở thành một loại bột mịn, lúc này các loại vi sinh, vi khuẩn và nấm mốc trong môi trường tự nhiên sẽ bắt đầu giai đoạn hai và ăn thứ bột này.
Công ty cổ phần Alta Tân Bình cũng đã đầu tư hàng triệu USD cho máy móc để sản xuất bao bì tự hủy theo quy mô công nghiệp. Ưu điểm của loại bao bì này là phân hủy trong vòng từ 3 tháng đến 3 năm và khi phân rã sẽ lẫn với rác, đất không gây tác hại cho môi trường.
Đặc biệt nhất, Công ty Nhựa Tiến Thành cho ra đời các sản phẩm bao bì là các hộp, đĩa chén đựng thực phẩm với nguyên liệu chính từ bột bắp. Bắp được cán nhuyễn, chiếm 80% thành phần nguyên liệu cấu tạo nên bao bì, kết hợp với 20% các chất phụ gia an toàn khác để làm nguyên liệu bao bì tự hủy. Các sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu này sẽ tự hủy trong môi trường tự nhiên trong vòng 102 ngày.
Nhìn chung, các doanh nghiệp cung cấp khá da dạng các loại bao bì tự hủy với nhiều mục đích khác nhau: mua hàng siêu thị, đựng muỗng nĩa, hộp đựng thức ăn, bao bì phức hợp cao cấp,…
Gian nan vượt ải “thân thiện”
Giá thành đang là rào cản khiến bao bì tự hủy chưa được sử dụng đại trà. Giá thành của bao bì tự hủy luôn cao hơn nhiều so với bao bì thông thường, do phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, từ máy móc công nghệ cho đến các chất phụ gia để sản xuất.
Theo ông Lê Lộc, bao nylon đựng hàng có giá rẻ hay miễn phí đã khiến nhiều người tiêu dùng vẫn giữ thói quen cũ và không muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển sang sử dụng bao bì tự hủy với giá cao hơn và điều kiện sử dụng ràng buộc.
Các biện pháp chế tài của Nhà nước chưa đủ để buộc các doanh nghiệp sản xuất bao bì chuyển đổi hoàn toàn sang sản phẩm an toàn cho môi trường. Mặc khác, nhiều cơ sở sản xuất còn đưa các nguyên liệu tái chế vào sản phẩm nhằm giảm giá thành, gây hại cho môi trường và gia tăng khoảng cách giá cả với bao bì tự hủy.
“Hiện tại, sản phẩm của doanh nghiệp chỉ có khả năng cung ứng vào siêu thị, còn nếu bán ở các chợ thì khả năng tiêu thụ khá hạn hẹp. Điều này khiến cho năng lực sản xuất bị dư thừa”, ông Lê Lộc cho biết.
Công ty cổ phần Alta Tân Bình mặc dù đã cải tiến công nghệ để đưa giá thành bao bì tự hủy chỉ còn khoảng cách 5% – 10% so với bao bì thông thường, nhưng thị trường của công ty chủ yếu là xuất khẩu, còn tiêu dùng nội địa không mấy khởi sắc, do chỉ có một số siêu thị chấp nhận tiêu thụ. Tương tự, các sản phẩm sản xuất từ bột bắp của Công ty Tiến Thành đã hiện diện tại các nước Mỹ, Nhật, Đài Loan, Pháp… nhưng tiêu thụ tại thị trường nội địa vẫn còn thấp do giá cao.
Từ đầu năm 2012, khi Luật Thuế môi trường có hiệu lực, bao nylon bị đánh thuế tới 150% mà không phân biệt giữa bao bì thông thường và bao bì tự hủy khiến các doanh nghiệp sản xuất bao bì tự hủy rơi vào tình thế lao đao.
Hiện nay, việc xác nhận bao bì tự hủy đều dựa vào sự công nhận từ phía nước ngoài. Giá thành đã cao, giờ thêm thuế khiến cho việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các doanh nghiệp đã kêu cứu khá nhiều, nhưng cơ quan nhà nước vẫn còn lúng túng chưa đề ra giải pháp cụ thể nào.
Một giải pháp khả dĩ hiện nay là chỉ doanh nghiệp nào được cơ quan nhà nước trao chứng nhận có sản phẩm thân thiện môi trường thì mới được miễn thuế bảo vệ môi trường. Song hiện nay mới chỉ có số ít công ty có chứng nhận đó như Công ty Bao bì Vafaco hay Công ty Phúc Lê Gia. Điều này cho thấy, cánh cửa chưa rộng mở cho phân khúc sản phẩm này.
>Tù mù với bao bì tự hủy
>Tạo thói quen bảo vệ môi trường cho người dân
>11 DN được tuyên dương về bảo vệ môi trường
>Túi ni lông có thể chịu thuế bảo vệ môi trường 45.000 đồng/kg