Giá trị của danh dự
Du lịch - Ngày đăng : 03:58, 28/08/2014
Những ngày gần đây, trên các diễn đàn về xe máy thường có những phàn nàn, thắc mắc về chất lượng của những phiên bản xe mới khiến người mua khá hoang mang.
Đọc E-paper
Vốn chẳng dư dả tiền bạc, lại thấy cái nghề của mình bụi bặm, tôi qua hiệu mua bán xe cũ của bác thợ già ở đầu hẻm tìm một chiếc Dream cũ chạy cho bền. Nhìn cách ông thợ hì hục lau, bảo dưỡng từng chi tiết máy, thay, sửa những thứ đã cũ, hỏng, tôi rất yên tâm. Thế nhưng, đến khi nghe ông ra giá mới giật mình, thấy cao hơn mức giá xe cũ đến vài triệu đồng.
Nghe ông giải thích đó là do chiếc xe đã được ông "làm lại" rất kỹ càng bằng tay nghề của một người thợ từng du học tại Đông Âu, bằng danh dự của một người có tuổi ngày ngày trưng mặt ra đầu hẻm, chợt thấy điều đó thật có lý. Một cái lý thật hiếm trong cuộc sống hôm nay.
Nhớ lại câu chuyện về kỹ sư Lê Văn Tạch và Toyota Việt Nam, nhớ những lần các hãng ô tô, xe máy thu hồi sản phẩm mới thấy cái danh dự ấy thật hiếm và quý giá. Chúng ta sống trong thời đại của tiêu chuẩn, tem, mác... chứng thực nhưng vẫn phải rỉ tai nhau về chất lượng thực của mặt hàng.
Người mua nhiều khi ngậm đắng nuốt cay vì mua phải một thứ hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng, thiếu cân nhưng không dám hé răng bởi sợ bị bạn bè chọc quê, xấu hổ vì sự ngờ nghệch của mình. Người bán gắng bưng bít những rò rỉ về thông tin sản phẩm như người ta sợ một vết ố trên chiếc áo trắng. Họ tìm cách che đậy nó bằng một bông hoa, một tấm giấy khen thay vì một lần dũng cảm tẩy ố.
Tưởng chỉ có vậy nhưng hóa ra chúng ta mới là những người đang tự làm khổ mình bằng những ảo tưởng. Tâm lý thích sở hữu những sản phẩm công nghệ cao, phiên bản mới, tích hợp nhiều chức năng nhưng lại có giá bán như mặt hàng bình dân đã làm nảy nòi những thứ "hồn Trương Ba, da hàng thịt" như thế. Thay vì nghĩ đến giá thành của trí tuệ nhà thiết kế, của công nhân tay nghề cao thì lại mong có được những thứ đánh bóng cho bản thân, để theo kịp chúng bạn hay đánh lừa đôi mắt mọi người bằng cách tự lừa dối mình như thế. Danh dự, uy tín của người mua, người bán đã chẳng còn chút giá trị nào.
Từ sự suy cảm đó chợt thấy cái lý của bác thợ già ấy mới thật sự có sức thuyết phục. Sản phẩm phải do chính tay bác kiểm định. Chất lượng sản phẩm được bác bảo đảm bằng chính uy tín cửa hiệu, bằng chính bát cơm của mình khi chẳng thể chạy đâu để trốn tội, chẳng có chiêu trò nào.