Cuộc thắng thầu ngoạn mục của "vua rác" David Dương
Chân dung - Ngày đăng : 08:45, 29/08/2014
“Lịch sử của TP. Oakland lần đầu tiên ghi nhận một hợp đồng có giá trị hàng tỷ đô la được trao cho công ty do người Việt Nam làm chủ. Sự thành công của ông David Dương thật sự là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ”, Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, ông Nguyễn Bá Hùng chia sẻ giọng đầy tự hào.
Hợp đồng thu gom phế liệu để tái chế của Công ty California Waste Solutions (CWS) do ông David Dương làm chủ - sẽ hết hạn vào tháng 6/2015, muốn tồn tại và phát triển, con đường duy nhất phải thắng thầu hợp đồng mới lớn hơn."Vua rác" David Dương
Đối thủ trực tiếp lại chính là Công ty Waste Management (WM) - công ty lớn nhất Hoa Kỳ, có thể nói mạnh nhất thế giới về lĩnh vực môi trường, đại bản doanh đặt tại tiểu bang Texas, có chi nhánh trên 50 tiểu bang Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới.
Gần 20 năm qua, “đại công ty” Waste Management đã chiếm hợp đồng thu gom toàn bộ rác và cây xanh toàn TP. Oakland cùng một nửa phế liệu tái chế.
Nay, sau 3 năm chạy đua, Công ty CWS của ông David Dương giành trọn quyền khai thác cả 4 lĩnh vực (thu gom phế liệu tái chế, thu gom rác, cây xanh và compost - làm phân bón hữu cơ), tức là chiếm luôn phần công việc mà đối thủ của ông đang làm trong gần 20 năm qua.
Hai cuộc điều trần: Lật ngược thế cờ
Năm 2011, TP. Oakland kêu gọi đấu thầu tiếp nhận rác, thu gom xử lý rác, thu gom xử lý phế liệu, thu gom xử lý rác cây xanh và thu gom xử lý chất thải thực phẩm cho thành phố. Thời điểm đó có 7 công ty đăng ký dự thầu nhưng đến giờ chót chỉ còn 2 là CWS và WM.
Năm 2012, Hội đồng thành phố mở thầu, yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường Oakland thương lượng lại với 2 công ty. Cuộc thương lượng kéo dài trong 2 năm.
Ngày 29/5/2014, Hội đồng họp bầu chọn công ty WM có giá thấp nhất và phục vụ tốt nhất.
Không đồng ý với quyết định này, ông David Dương chứng minh cho Hội đồng Thành phố thấy không có sự công bằng trong quá trình đấu thầu.
Ông khẳng định, lý do Công ty CWS giá bỏ thầu cao hơn WM vì Sở Tài nguyên Môi trường áp đặt tiêu chuẩn cao hơn, WM có giá thấp vì áp dụng tiêu chuẩn thấp hơn.
Chính điều này dẫn đến phiên điều trần ngày 30/7/2014 tại trụ sở Hội đồng thành phố Oakland.
Buổi điều trần diễn ra rất sôi nổi kéo dài suốt 5 tiếng, người của hai phe lần lượt lên phát biểu tranh luận, thuyết phục Hội đồng thành phố.
Bên công ty David Dương với số lượng người tham dự cũng như phát biểu nhiều hơn, quyết tranh đấu hơn, hầu hết đều ở lại cho đến giờ phút chót, trái ngược “phe đối thủ” bỏ về gần hết, dù buổi điều trần chưa ngã ngũ.
Cuối cùng, sau 5 giờ “chiến tranh cân não”, Công ty CWS của ông David Dương đã đại thắng với tuyệt đối số phiếu bầu 8/8 của Hội Đồng TP. Oakland. Những tiếng reo hò vui mừng khôn xiết, mọi người ôm nhau, bắt tay nhau chúc mừng.
Hầu hết các nghị viên của Hội đồng TP. Oakland đều ủng hộ vì CWS đã đưa ra mức giá rẻ hơn, thuê mướn đa số cư dân Oakland, cam kết bảo vệ các quyền lợi của người lao động…
Tuy nhiên, theo luật của Oakland, Hội đồng thành phố tiếp tục mở phiên điều trần lần thứ hai vào ngày 13/8, để 2 công ty phản ánh thêm về những ưu khuyết điểm của nhau và để các nghị viên có thể suy nghĩ lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Sau 2 giờ điều trần, Hội đồng biểu quyết với 1 phiếu chống và 7 phiếu thuận, chính thức giao hợp đồng trị giá 2,7 tỷ USD cho CWS trong 20 năm. Thời gian bắt đầu thực hiện là 1/7/2015.
Ông Trần Hồng Phúc - Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam tại Oakland nhận định: “Đây là chiến thắng của những người trả tiền rác hàng tháng, bởi lẽ khi CWS giành được hợp đồng này, người dân Oakland sẽ tiết kiệm được 10 triệu USD/năm, hoặc 200 triệu USD trong 20 năm”.
Thành công của Công ty CWS là niềm tự hào không chỉ của cộng đồng người Việt mà của cả những người gốc châu Á tại Hoa Kỳ.
Hành trình ngược dòng trên đất Mỹ của “vua rác”
Ông David Dương sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình đông anh em, có truyền thống làm nghề sản xuất các loại giấy và ngành thu mua và tái chế phế liệu. Cha ông - ông Dương Tài Thu, “ông vua phế liệu” của Sài Gòn những năm trước giải phóng, đã truyền lại cho các con một triết lý sống: “Không có nghề gì là hèn kém, thành công chỉ đến với những người chịu khó và biết vươn lên”.
Đến Mỹ trong những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, gia đình David Dương định cư tại San Francisco, California (Hoa Kỳ). Lúc đó, vốn tiếng Anh và các kỹ năng khác không cho phép ông tìm được một việc làm “sang trọng” hơn ở một xã hội Mỹ đầy cạnh tranh. Cách duy nhất mà ông và các thành viên trong gia đình có thể kiếm tiền để sống qua ngày, đó là thu lượm phế liệu, phân loại, rồi bán lại cho các nhà máy tái chế.
11 người trong gia đình họ Dương, ngày đi làm, đêm về leo lên chiếc xe tải, lục lọi mọi ngóc ngách để thu gom rác.
Nỗ lực của cả gia đình ông đã được đền đáp bằng những thành công nối tiếp nhau, các hợp đồng thu gom rác thải với các đối tác cứ ngày một lớn dần. Năm 2013, Công ty CWS của “vua rác” David Dương được xếp hạng 31/100 công ty xử lý rác của Mỹ do Tạp chí Waste Age bình chọn.
Thôi thúc trở về
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, David Dương nhận ra rằng, chính ngành công nghiệp xử lý rác và tái chế phế liệu đã thành một ngành công nghiệp quan trọng mang lại trị giá hàng chục tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ. Nó đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, đồng thời nó cũng tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho công nhân. Đó là lý do ông mở rộng quy mô đầu tư tại Mỹ.
“Còn lý do về Việt Nam đầu tư vì tôi là người Việt Nam, và vì để thực hiện tâm nguyện của cha mẹ tôi, mong muốn con cháu thành đạt trở về góp phần xây dựng quê hương” - “vua rác” nói - “Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chủ trương, chính sách kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư. Chính quyền TPHCM cũng có chủ trương xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi trở về”.
Sau dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TP.HCM, ông David Dương đang đầu tư dự án Khu Công Nghệ Môi Trường Xanh ở Long An mang tầm quốc tế, với quy mô 1.760 ha, có chức năng xử lý tất cả các chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp hiện tại và tương lai bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
“Ngoài việc muốn đóng góp lớn lao hơn cho quê hương, tôi cũng muốn góp công sức của mình cùng với Chính phủ Việt Nam trong việc kêu gọi Việt kiều đầu tư về quê hương thông qua việc cổ phần hóa dự án lớn tại tỉnh Long An của chúng tôi để người dân trong nước và Việt kiều đều có thể đầu tư cùng chúng tôi” - ông David Dương chia sẻ.