Tôi tự hào là người Việt Nam

Sách hay - Ngày đăng : 09:00, 30/08/2014

Trong khuôn khổ tọa đàm Tôi tự hào là người Việt Nam diễn ra ngày 30/8, công ty Cổ phần Sách Thái Hà và NXB Công An Nhân Dân sẽ ra mắt cuốn sách cùng tên Tôi tự hào là người Việt Nam.
Tôi tự hào là người Việt Nam

Trong khuôn khổ tọa đàm Tôi tự hào là người Việt Nam diễn ra ngày 30/8, mở đầu chuỗi hoạt động của dự án lớn cùng tên nhằm lan tỏa tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc thông qua những hoạt động cụ thể và thiết thực, công ty Cổ phần Sách Thái Hà và NXB Công An Nhân Dân sẽ ra mắt cuốn sách cùng tên Tôi tự hào là người Việt Nam.

Cuốn sách quy tụ 33 nhân vật nổi tiếng đại diện cho 33 lĩnh vực khác nhau như Giáo sư TSKH. Trần Ngọc Thêm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, ông Phạm Phú Ngọc Trai, bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Dương Trung Quốc, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông Nguyễn Kiểm, TS. Vũ Tiến Lộc, TS. Nguyễn Thành Nam, TS. Lương Hoài Nam, TS. Trần Đăng Tuấn, Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, TS. Trần Tuấn Mẫn, Đại đức Thích Hạnh Tuệ, TS. Alan Phan, bà Thế Thanh, ông Lê Quốc Vinh, bé Đỗ Nhật Nam… với số lượng bản in lần đầu là 10.000 bản. Toàn bộ doanh thu từ tất cả các lần xuất bản và tái bản sẽ được trao cho quỹ Vì biển đảo Việt Nam.

Tọa đàm Tôi tự hào là người Việt Nam được diễn ra Loan Lê Place, 119 Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình, Tp.HCM vào lúc 9:00, thứ bảy, ngày 30/8/2014. Chương trình được tổ chức bởi Công ty Cổ phần Sách Thái Hà và NXB Công An Nhân Dân, phối hợp cùng công ty TNHH Loan Lê.

33 bài viết của những người Việt trong và ngoài nước, nam và nữ, đủ lứa tuổi và ngành nghề đã mang lại những cái nhìn đa dạng, soi sáng những phẩm chất khác nhau của người Việt.

Trong lời giới thiệu cuốn sách Tôi tự hào là người Việt Nam, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã viết: “Trong bối cảnh biển Đông dậy sóng, hiện lên sợi chỉ đỏ xuyên suốt phần lớn bài viết là sự khẳng định về ý chí độc lập tự chủ, quyết tâm thoát khỏi lệ thuộc của dân tộc Việt Nam.”

Là cái nhìn xuyên thời gian của nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc để chúng ta nhớ "cái bất biến thì phải giữ, lòng tự trọng dân tộc, sự đoàn kết nhất trí", còn vị tướng Nguyễn Huy Hiệu tâm niệm câu bất hủ của Nguyễn Trãi: "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo".”

Cái nhìn tổng thể và thấu đáo: nhà phân tích Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định "Bản sắc là hành trang", "bản sắc của chúng ta bất diệt thì chúng ta cũng ngàn đời bất diệt"; doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai cho chúng ta một cảm nhận con người Việt Nam trong con mắt người nước ngoài tạo nên " sức mạnh mềm" của Việt Nam; còn nhà kỹ trị Nguyễn Hữu Thái Hòa thì trăn trở về định vị và thương hiệu Việt Nam trong thế kỷ 21 nhưng đặt "niềm tin chiến lược vào các giá trị và các cơ hội lớn của Việt Nam".

Cái nhìn xuyên biên giới ra cộng đồng người Việt ở nước ngoài của doanh nhân "Việt kiều" Alan Phan đặt niềm tin vào khả năng vượt khó và ý chí vươn lên mãnh liệt của con người Việt Nam tha phương, từ Dương Thị Gấm ở Hoa Kỳ đến những cô gái buôn hàng lẻ ở Nga.”

“Cái nhìn vào một con người Việt Nam cụ thể, tiêu biểu: đó là bức tranh phát họa chân dung chính khách "Võ Văn Kiệt - Một người của nhiều người" của nhà báo Nguyễn Thế Thanh; và đặc biệt, đó là cái nhìn của tác giả - dịch giả nhỏ tuổi Đỗ Nhật Nam tràn ngập cảm xúc trước "những nụ cười trong thiên nhiên gian khó (của miền núi cao) làm ấm lòng người" của các em bé Việt Nam…”

Chúng ta hi vọng, niềm tự hào này, cách tư duy tích cực này sẽ mang lại một nguồn năng lượng lớn lao, mênh mông và vô hạn. Nếu mỗi người con của hơn 90 triệu dân đất Việt, dù trong hay ngoài nước, đều có nguồn năng lượng lớn, có tâm yêu thương và trí tuệ lớn thì nhất định chúng ta sẽ trở thành một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

P.N