5 nguyên tắc quản trị hạnh phúc của người Đan Mạch
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 05:31, 05/09/2014
Đan Mạch luôn là một trong những quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Điều thú vị là người dân Đan Mạch không chỉ cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống mà cả trong văn phòng làm việc.
Từ góc nhìn của người trong cuộc, Alexander Kjerulf - diễn giả, nhà tư vấn và Giám đốc điều hành Công ty Wooho chia sẻ 5 nguyên tắc nền tảng tạo nên hạnh phúc cho người lao động trong môi trường công sở của Đan Mạch.
1. Giờ làm việc hợp lý
Alexander Kjerulf đã từng có cơ hội trò chuyện với một quản lý người Mỹ vừa nhận việc tại một công ty Đan Mạch. Vì muốn thăng tiến, anh ấy đã làm việc rất chăm chỉ, 60 dến 70 tiếng mỗi tuần. Sau một tháng, sếp của anh đã mời anh đến và hỏi: "Vì sao anh lại làm nhiều đến vậy? Có điều gì sai chăng? Có phải anh đang phải đối mặt với khó khăn nào không? Chúng ta có thể làm gì để điều chỉnh điều này không?".
Một vài người nước ngoài vẫn tự hỏi, liệu người Đan Mạch có bao giờ làm việc không? Không chỉ thời gian làm việc ít, người Đan Mạch còn được nghỉ làm trong nhiều dịp lễ quan trọng của quốc gia, nghỉ chăm sóc thai sản và kỳ nghỉ chung của mọi công ty tại nước này kéo dài 5 đến 6 tuần mỗi năm.
Trung bình người Mỹ làm 1.790 giờ mỗi năm thì người Đan Mạch chỉ làm 1.540 tiếng mỗi năm, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế thế giới (OECD).
Điều này đến từ quan điểm của các công ty Đan Mạch rằng nhân viên còn có một cuộc sống khác ngoài công việc. Vì vậy nếu thời gian làm việc chiếm quá nhiều sẽ gây ra mất cân bằng trong cuộc sống của nhân viên.
2. Giảm khoảng cách quyền lực
Tại Mỹ, nếu sếp giao nhiệm vụ cho bạn, bạn phải làm chính xác những gì đã nhận. Tại Đan Mạch, có rất ít mệnh lệnh được đưa ra và nhân viên thường tự đề xuất công việc của mình.
Nhà nghiên cứu xã hội học Geert Hofstede (Hà Lan) đã nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp tại hơn 100 quốc gia với một vài tham số đặc trưng, một trong số đó là "khoảng cách quyền lực". Chỉ số khoảng cách quyền lực cao đồng nghĩa với sếp tương đương như một vị vua ban hành mọi mệnh lệnh trong tổ chức.
Môi trường công sở của Mỹ có chỉ số về khoảnh cách quyền lực vào khoảng 40 trong khi tại Đan Mạch là 18, đây cũng là chỉ số thấp nhất trên thế giới.
Trong pháp luật của Đan Mạch, bất kỳ công sở nào có hơn 35 nhân viên thì đều phải có một vài đại diện nhân viên tham gia vào ban quản trị doanh nghiệp. Những đại diện này được đề cử bởi các đồng nghiệp trong công ty và họ được đối xử bình đẳng với đầy đủ mọi quyền hành bình bầu như những thành viên khác trong hội đồng quản trị.
Điều này cho phép người lao động tại Đan Mạch được trao quyền nhiều hơn, từ đó có nhiều kinh nghiệm tự quản lý công việc hơn.
3. Chế độ đãi ngộ thất nghiệp cao
Tại Đan Mạch, thất nghiệp không phải là điều tồi tệ nhất trên đời. Thực tế, chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại quốc gia này cao đến mức không tưởng, Alexande cho biết. Cụ thể, nhân viên thất nghiệp được nhận 90% lương cũ trong vòng 2 năm.
Tại Mỹ, thất nghiệp đồng nghĩa với khủng hoảng tài chính cá nhân. Điều này trói buộc nhân viên vào những công việc họ không thích làm vì nếu không họ sẽ không sống được.
Ngược lại, nếu bạn là người Đan Mạch và bạn không thích công việc của mình, bạn hoàn toàn có thể nghỉ việc mà không phải gặp rắc rối tài chính nào. Điều này buộc các công ty phải đối đãi tốt với nhân viên nếu không muốn đối mặt với khủng hoảng nhân sự.
4. Không ngừng tập huấn nâng cao năng lực
Từ giữa những năm 1800, Đan Mạch đã có chính sách tập trung vào đào tạo trọn đời cho nhân viên. Chính sách này vẫn tiếp tục đến ngày nay.
Những quy định chặt chẽ giữa chính phủ, công đoàn và chính sách của công ty cho phép bất kỳ nhân viên nào tại quốc gia này cũng được hưởng chế độ tập huấn nâng cao kỹ năng với ngân sách do công ty chi trả. Chính sách này giúp người lao động tại Đan Mạch liên tục trưởng thành và phát triển năng lực cá nhân. Từ đó, họ có thể linh hoạt ứng biến với mọi sự thay đổi trong môi trường làm việc.
5. Tập trung vào hạnh phúc
Có một từ chỉ tồn tại trong tiếng Đan Mạch, không thể dịch sang tiếng Anh được là arbejdsglæde. Từ arbejdsglæde có nghĩa là hạnh phúc trong công việc. Từ này tồn tại trong ngôn ngữ của các quốc gia vùng Nordic như (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Swedish, Norwegian, Finnish and Iceland) nhưng không được dùng phổ biến trong các ngôn ngữ khác trên thế giới, theo tìm hiểu của Alexander.
Khái niệm này thực sự ứng dụng tại Đan Mạch vì môi trường công sở của quốc gia này có truyền thống tạo niềm hạnh phúc cho nhân viên trong công việc. Với hầu hết người dân Đan Mạch, làm việc không phải là để kiếm tiền mà còn để được hạnh phúc.
Khi tập trung vào tạo dựng niềm hạnh phúc, các công ty Đan Mạch nhận được năng suất cao, sự sáng tạo từ nhân viên của mình. Và những nhân viên hạnh phúc sẽ mang đến sự hài lòng cho khách hàng nhiều hơn, từ đó tạo ra nhiều tiền hơn. Điều này có thể lý giải cho việc lao động Đan Mạch có năng suất cao và nền kinh tế quốc gia này đủ khả năng đứng vững trong khủng hoảng kinh tế. Chỉ số thất nghiệp hiện tại của Đan Mạch là 5,4%.