Hạnh phúc là hành trình

Du lịch - Ngày đăng : 07:58, 13/09/2014

Bạn có phiền muộn khi một dịp nghỉ lễ, đứa con sắp tốt nghiệp đại học vẫn ru rú ngồi nhà, theo cha mẹ đi ăn tiệc, ngậm ngùi lên Facebook than thở đang "ế” vì không có "bồ”?
Hạnh phúc là hành trình

Bạn có phiền muộn khi một dịp nghỉ lễ, đứa con sắp tốt nghiệp đại học vẫn ru rú ngồi nhà, theo cha mẹ đi ăn tiệc, ngậm ngùi lên Facebook than thở đang "ế” vì không có "bồ”?

Đọc E-paper

Tôi từng bị anh chị đã ngoài 50 tuổi "mắng khéo" ngay trong dịp đầu năm mới khi lỡ chúc thằng cháu (vốn là sinh viên đại học xuất sắc) năm nay có người yêu, thay vì chúc nó tốt nghiệp đại học bằng đỏ!

Chúc thế vì biết thừa đường nào nó cũng kết thúc đại học với kết quả tốt, nhưng nó chưa có bạn gái thì chúc cái nó đang thiếu, nhưng lời chúc thân thiện này không được những người lớn trong nhà đón nhận.

Hôm sau thằng cháu nhắn tin cho tôi: "Mẹ cháu còn cằn nhằn suốt, sợ cháu nghe lời cô ham bạn bè, yêu đương, lơ đãng học hành, kết bạn kết bè chơi bời tốn kém tiền bạc". Ý chị tôi là thằng con chỉ nên lo học, kiếm việc làm tốt, rồi tìm một cô gái tốt cưới luôn, kéo dài chuyện yêu đương làm gì, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian.

Nói thật lòng tôi cứ buồn cười mãi khi hỏi một cô gái 22 tuổi, đang học đại học năm thứ ba, là đã yêu ai chưa, ngay lập tức mẹ cháu đỡ lời, có ý khoe con ngoan: "Cháu nó tồ lắm, chưa biết yêu".

Lần này tôi không nể nang gì, phản biện ngay: "Thế bạn nghĩ sao khi ông bà mình có con gái mới tuổi trăng tròn đã tìm nơi gửi gắm gả bán ngay, mười tám, hai mươi hồi trước đã bị coi là ế? Đã đành xã hội bây giờ nói chuyện đó là tảo hôn, người phụ nữ chưa thể làm tốt chuyện sinh đẻ, nhưng ông bà ta cũng biết thừa tuổi ấy đã muốn làm "nhiều chuyện", và gả "quả bom nổ chậm" trong nhà đi cho yên".

Ngoài hai mươi tuổi vẫn bắt thanh niên phải "tồ” như không biết gì có phải là rất không "nhân đạo" hay có khiếm khuyết gì về tâm sinh lý? Tất nhiên tôi không thể tranh luận nổi với các bà mẹ, bởi ai chẳng muốn con mình phải hạnh phúc theo đúng nếp của hơn 20 năm về trước, cha mẹ chúng đã sống, đã chờ đợi được thì bây giờ chúng cũng phải vậy, có thế mới là giữ được nếp nhà! Nếu ở vị trí phụ huynh tôi cũng mong như vậy.

Cha mẹ chẳng biết thanh niên bây giờ đang phải chịu những "áp lực" tâm sinh lý như thế nào. Sự giải phóng về thông tin, về cuộc sống tình dục qua mạng, từ phim ảnh, truyền hình đang tiếp tục vây ép một thanh niên vừa đến tuổi trưởng thành.

Người ta "đồn thổi" người Việt tìm kiếm các đoạn phim và hình ảnh về "sex" (giới tính, sinh lý, tình dục) nhiều nhất trên các trang web đen, đó cũng là một yếu tố chúng ta không thể bỏ qua khi suy nghĩ đắn đo về giáo dục giới tính cho con cái.

Và các gia đình cứ núp mãi trong cái vỏ bọc con cái mình phải "tồ” cho đến lúc lập gia đình. Tâm lý đó đã vô tình tạo ra những vết thương sâu sắc về sự "thiệt thòi" của các cô gái lỡ làng, không giúp người trẻ lấy lại sự vững vàng sau lần vấp ngã, mà chỉ tiếp tục xô đẩy họ xuống hố đen tối về tinh thần.

Tôi lại nhớ rất nhiều người bạn than thở gần ba mươi tuổi mới lập gia đình, hơn mười năm sau, "chuyện ấy" đã trục trặc, nhiều người công khai bày tỏ sự tiếc nuối tuổi thanh xuân. Lúc ấy, dù qua tuổi trưởng thành từ lâu, rất nhiều người lại bắt đầu sai lầm, lệch lạc về hành vi chỉ vì tiếc tuổi xuân đã qua.

Cha mẹ nào cũng mong con hạnh phúc, nhưng hai chữ "hạnh phúc" là hành trình, là cuộc sống, chứ không phải kết quả. Bạn nhìn những gương mặt phơi phới, và đừng quên rằng tuổi xuân ấy đang chịu nhiều áp lực của những giấc mơ, những kiếm tìm một tương lai tốt, một người bạn đời tốt.

Nên chăng hãy trở thành người bạn lớn tuổi, nhiều trải nghiệm quý để giúp con có một hành trình đi tìm hạnh phúc đúng đắn và thích hợp với bản ngã, biết chăm sóc bản thân là cách giúp con thiết thực nhất thay vì lời lẽ giáo huấn khắc nghiệt đến muốn "giết" cả tuổi thanh xuân của con!

>Việt Nam là đất nước rất hạnh phúc
>Người giàu nói về hạnh phúc và tiền bạc
>
6 cách để hạnh phúc hơn ở nơi làm việc
>Chìa khóa mở cánh cửa “gia đình hạnh phúc”
>
Hạnh phúc theo lựa chọn
>Hạnh phúc ở đâu?

THIÊN THANH