Áp lực nợ công rất đáng lo ngại

Du lịch - Ngày đăng : 06:23, 22/09/2014

Công nợ ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa vượt qua được khó khăn về cả vĩ mô lẫn vi mô.
Áp lực nợ công rất đáng lo ngại

Công nợ ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nền kinh tế của chúng ta vẫn chưa vượt qua được khó khăn về cả vĩ mô lẫn vi mô.

Đọc E-paper

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) của tạp chí The Economist công bố ngày 20/8 vừa qua, nợ công của Việt Nam hiện đã lên tới 83 tỉ USD, tăng thêm 3 tỉ USD trong vòng năm tháng. Tính bình quân mỗi người dân Việt Nam hiện nay gánh trên vai món nợ khoảng hơn 900 USD.

Điều đáng lo là nợ công bình quân đầu người của chúng ta trong những năm qua tăng liên tục. Cụ thể, năm 2012 nợ công bình quân đầu người dân Việt Nam tính tròn là 720 USD, năm 2013 là 804 USD, và nay chưa hết năm 2014 con số đó đã lên đến 900 USD.

Nguyên nhân là do tăng trưởng thấp, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, sức mua yếu cũng khiến cho nguồn thu ngân sách suy giảm, trong khi nhu cầu đầu tư của khu vực công lớn dẫn đến Chính phủ phải đi vay nợ nhiều hơn khiến cho gánh nặng nợ công phải tăng thêm.

Trong một cuộc trả lời chất vấn ở Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vào năm 2013 là 53,4%, tức là vẫn còn dưới ngưỡng an toàn 65% theo khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế.

Có người cho rằng nếu so sánh với nhiều nước khác, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chẳng thấm vào đâu, chẳng hạn như tính đến năm 2014 nợ công của Nhật Bản lên đến 242% GDP, hay của Mỹ lên tới 107%.

Nghĩ như vậy là tự đánh lừa mình bởi tầm mức báo động của nợ công không phải là ở tỷ lệ mà là khả năng trả nợ và cơ cấu nợ công của quốc gia đó. Nhưở nước ta chẳng hạn, nợ công chính thức hiện nay chưa tính tới nợ của các doanh nghiệp Nhà nước mà ngân sách quốc gia phải gánh chịu.

Số nợ thuộc dạng này, theo số liệu do các chuyên gia đưa ra, là khoảng 51% GDP. Nếu cộng với số nợ công mà Bộ Tài chính công bố, thì tổng số nợ công có thể lên đến 106% hay 107% GDP, con số này vượt xa tỷ lệ 65% theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới.

Khi những “đứa con cưng” không trả nợ được – như trường hợp Vinashin – thì ai sẽ trả thay nếu không phải là Nhà nước là người từng đứng ra bảo lãnh hay đi vay cho các doanh nghiệp.

Nợ công của chúng ta, ngoài các khoản vay từ nước ngoài còn có nợ trong nước do chính phủ phát hành trái phiếu, mà trái phiếu trước kia do tình hình lạm phát nên có lãi suất rất cao. Lãi suất này nay giảm dần, tuy vậy số nợ phải trả trong nước cũng rất lớn, nghĩa vụ trả nợ trong năm 2014 cũng tăng rất mạnh so với năm 2013 và những năm trước đây.

Cho nên, điều đáng lo ngại không chỉ là tốc độ tăng của nợ công mà còn có tốc độ tăng của tỷ lệ chi ngân sách để trả nợ công.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Trần Đình Thiên đã từng nêu lên ba nguy cơ của nợ công Việt Nam: (1) Tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ, chứ không phải vay để sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ, (2) Cơ cấu nợ, bởi vì trong nợ công của Việt Nam, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao và (3) Năng lực trả nợ của Việt Nam đã thực sự đáng báo động, với nghĩa vụ trả nợ năm 2014 đã vượt qua vạch đỏ (25% tổng thu ngân sách) và chắc sẽ còn tăng cao trong năm tới và có thể vượt qua ngưỡng mất an toàn là 30%.

Mới đây tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2014, Chính phủ đã đồng ý thực hiện phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Đợt phát hành này nhằm hoán đổi trái phiếu của Chính phủ đã phát hành năm 2005 và năm 2010 với tổng số vay là 1,75 tỉ USD, nói cho dễ hiểu đây là hình thức đảo nợ nhờ vào lãi suất vay lần này thấp hơn lần vay trước đây.

Vào năm 2005, Chính phủ đã huy động được 750 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 7,125%/năm.

Chính phủ cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) – nay là SBIC, vay lại toàn bộ số tiền huy động được bằng số trái phiếu trên và khoản vay đã không được Vinashin sử dụng hiệu quả. Số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016.

Đến năm 2010, Chính phủ lại phát hành tiếp trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore với lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm, huy động về 1 tỉ USD. Số tiền này được Chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước lớn là Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Vinalines… vay lại.

Theo Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2013-2015 đã được phê duyệt, Việt Nam dự kiến cần vay nước ngoài 33.000 tỉ đồng trong năm 2014 và 40.000 tỉ đồng trong năm 2015 để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước.

Kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ được đưa ra ngay sau khi Moody’s công bố xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã tiến lên một bậc (từ B2 lên B1) đi kèm triển vọng, đây được xem là yếu tố thuận lợi nếu tính về vay nợ. Còn nhìn dưới góc độ trả nợ thì sao?

Theo Chuyên viên Kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, các chính phủ đều có xu hướng phát hành trái phiếu để huy động nguồn tiền bên ngoài, có thể để thực hiện đầu tư công, đầu tư vào một số dự án nào đó, hoặc là để trả nợ.

Thật ra việc vay nợ để phát triển kinh tế là tốt, bởi điều này thể hiện trách nhiệm của một nước sử dụng đồng tiền vay để phát triển kinh tế. Nếu là viện trợ cho không thì người ta thường dễ sử dụng vào những chuyện không hiệu quả, còn đi vay nợ thì phải nghĩ đến chuyện trả nợ và như vậy phải đầu tư vào những dự án có hiệu quả.

Trong một hai thập niên gần đây, đầu tư công thường kém hiệu quả, trên thực tế chúng ta đã thấy nhiều công ty nhà nước nợ nần đầm đìa, lại hoạt động không hiệu quả nên không thể trả được nợ đúng hạn khiến Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay.

Quốc hội và Chính phủ cũng đang cố gắng giảm những khoản đầu tư đó và kêu gọi các tập đoàn Nhà nước nên tập trung vào những lĩnh vực chuyên biệt của mình hơn là đầu tư dàn trải.

Ông Sơn cho rằng dòng tiền được huy động để thanh toán những khoản nợ gốc và lãi cho các khoản nợ ngắn hạn sẽ tạo áp lực mạnh hơn là các khoản nợ dài hạn, thể hiện mức độ rủi ro rất cao của Việt Nam. Nếu một nước có mức độ rủi ro thấp thì người ta có thể vay được các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, còn Việt Nam thì phải vay ngắn hạn nhiều hơn và với lãi suất cao hơn. Cũng giống như một doanh nghiệp không có năng lực cao thì thường là các ngân hàng cho vay với lãi suất cao và thời hạn ngắn.

Tính toán của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, nếu thâm hụt ngân sách cơ bản được duy trì ở mức 1,0% GDP mỗi năm thì tỷ lệ nợ công/GDP sẽ tăng lần lượt lên mức 57,7%; 62,9%; và 68,5% vào năm 2020 (tương ứng với các kịch bản tốt, trung bình và xấu). Nếu thâm hụt ngân sách cơ bản tăng lên mức 2,0% GDP mỗi năm, tỷ lệ nợ công GDP sẽ tăng lên mức 66,1%; 71,8%; và 78,0% GDP vào năm 2020, tương ứng với các kịch bản tốt, trung bình và xấu.

Trường hợp thâm hụt ngân sách cơ bản tăng mạnh lên mức 3,0% GDP, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ lần lượt cán mốc 74,5%; 80,8%; và 87,5% GDP vào năm 2020 (lần lượt trong các kịch bản tốt, trung bình và xấu).

Trong trường hợp này, nguy cơ khủng hoảng nợ công xảy ra rất rõ ràng trong mọi kịch bản của nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, ngưỡng nợ công 65% GDP như Chính phủ công bố chỉ là con số mang tính chỉ tiêu (vì còn lệ thuộc vào các điểm tựa biến động trong nền kinh tế). Có quốc gia nợ 100% GDP, thậm chí 200% GDP mà nền kinh tế vẫn bình thường. Nhưng có quốc gia nợ công chỉ 60% GDP thôi đã bất thường.

Điểm đáng cảnh báo hiện nay là, chúng ta đang phải dùng đến phương pháp vay để đảo nợ. Cùng với đó, tốc độ vay nợ đang tăng nhanh hơn GDP so với mức tăng GDP. Việc vay để trả nợ thực chất là đẩy hạn trả nợ về tương lai.

Để tránh tình trạng đổ vỡ, trước mắt cần thay đổi cơ cấu nợ công theo hướng tăng tỷ trọng nợ trong nước nhiều hơn nợ nước ngoài. Nếu không thay đổi được theo hướng này, Việt Nam sẽ rất khó khăn trong việc trả nợ nước ngoài.

Tới đây, khi những ưu đãi từ nguồn vốn ODA cho Việt Nam giảm mạnh, buộc Chính phủ phải đi vay nợ tại các ngân hàng thương mại nước ngoài với lãi suất cao và thời gian ngắn hạn hơn rất nhiều.

Theo các chuyên gia, cần thực hiện kỷ luật tài khóa một cách rõ ràng và nghiêm ngặt theo lộ trình để tránh tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên. Cũng có thể đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách duy trì ở mức 4% từ nay đến năm 2020. Sau thời điểm trên sẽ giảm xuống mức 3%.

Cùng đó, phải có những lĩnh vực ưu tiên rõ ràng trong chi tiêu sử dụng nợ công. Những ưu tiên cần đặt ra, như các cơ sở hạ tầng công ích, các dịch vụ an sinh xã hội, các doanh nghiệp nhà nước không vì mục đích thương mại… thay vì sử dụng tiền vay cho các tập đoàn “con cưng” của Nhà nước.

>Nợ công và vấn đề dùng người
>Nỗi lo trả nợ công
>
Nợ công không xấu, khả năng thanh toán mới đáng lo
>Từ nợ xấu đến nợ công
>
Phát hành thêm trái phiếu, nợ công khó an toàn?
>Câu hỏi về nợ công

PHẠM THÀNH SƠN/DNSGCT