Sẽ thừa điện nếu quản lý năng lượng hiệu quả

Trong nước - Ngày đăng : 03:34, 24/09/2014

Ông Xavier Denoly, Tổng giám đốc Công ty Schneider Electric Việt Nam và Campuchia khẳng định: "Những giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả là thực tế, không phải là kế hoạch hay viễn cảnh".
Sẽ thừa điện nếu quản lý năng lượng hiệu quả

Ông Xavier Denoly, Tổng giám đốc Công ty Schneider Electric Việt Nam và Campuchia khẳng định: "Những giải pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả là thực tế, không phải là kế hoạch hay viễn cảnh".

Đọc E-paper

* Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề năng lượng đang trở nên đặc biệt cấp thiết, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

- Năng lượng tăng trưởng mạnh là do yêu cầu phát triển kinh tế, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng tăng cũng như những yêu cầu về số hóa. Tương tự các nền kinh tế mới nổi khác, Việt Nam có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ nên sức ép về năng lượng rất lớn.

Các chuyên gia dự kiến tới năm 2050, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu sẽ tăng 50% và tạo ra một khoảng cách lớn về cân bằng cung - cầu điện. Đến năm 2050, nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng lên 15 lần so với hiện nay.

Lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội, hội nghị và triển lãm quốc tế "Trải nghiệm năng lượng xanh và hiệu quả 2014" đã thu hút gần 2.000 khách tham quan. Con số này chứng tỏ sự quan tâm của người dân cũng như doanh nghiệp và các nhà quản lý tại Việt Nam đối với vấn đề năng lượng.

* Không thể dừng các mục tiêu tăng trưởng, dù điều đó làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Theo ông, cách nào giải được bài toán này?

- Phải tìm mọi cách để giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Chẳng hạn, với sản xuất điện, nếu một nhà máy sản xuất được 3kWh thì qua quá trình truyền tải, phân phối đến được người tiêu dùng đầu cuối, chỉ còn lại được 1kWh. Rõ ràng, quá trình hao hụt trên đường truyền tải là vấn đề phải suy nghĩ.

Một điều nữa cũng cần suy nghĩ, việc xây dựng quá nhiều nhà máy sản xuất điện hoặc các nhà máy chiết xuất khí gas, đồng nghĩa với việc tạo thêm nguồn cung cho thị trường là có thực sự cần thiết?

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu đưa vào ứng dụng những giải pháp về quản lý năng lượng một cách hiệu quả thì tới một thời điểm nào đó, công suất của các nhà máy hiện tại và công suất của các nhà máy mới trên-kế-hoạch sẽ trở nên dư thừa.

Ở Việt Nam bắt đầu nói đến khái niệm hạ tầng lưới điện thông minh. Số liệu thống kê từ một nghiên cứu toàn cầu của EPRI cho thấy nếu mạng lưới điện thông minh được triển khai, phần phát thải CO2 từ tiêu thụ và truyền tải điện đến năm 2020 có thể giảm được 4%, và đến năm 2030, con số giảm này tương đương 60 - 211 triệu tấn khí thải.

Những giải pháp trước đây nghĩ là xa vời thì bây giờ đều có thể ứng dụng để giải quyết những vấn đề về năng lượng. Đơn cử, Việt Nam cần có giải pháp giúp giảm hao hụt ở khâu truyền tải điện thay vì tập trung sản xuất ngày càng nhiều điện.

Bên cạnh đó, cần tập trung vào lĩnh vực giáo dục, khi người dân có nhận thức tốt hơn về quản lý, sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng, các giải pháp mới phát huy hiệu quả.

* Một giải pháp tổng thể về điện ở Việt Nam là gì, theo ông?

- Với những giải pháp hiện có, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng kinh tế mà vẫn giữ nguyên, thậm chí là giảm tăng trưởng năng lượng nếu áp dụng tốt quản lý năng lượng. Song, tôi có hai gợi ý.

Thứ nhất, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng xanh và sạch, đồng thời từng bước thay đổi cơ cấu sử dụng năng lượng để tăng dầntỷ trọng sử dụng các loại năng lượng bền vững.

Thứ hai, ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng có lượng phát thải Carbon thấp, ví dụ như điện Mặt trời với thế mạnh rõ rệt về tính bền vững và bảo vệ môi trường so với các nguồn cung điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện... Việc này là khả thi ở những nước nhiệt đới như Việt Nam

* Cảm ơn ông!

>Năng lượng tái tạo: Trước lực cản EVN
>Cổ phiếu năng lượng: "Cháy đượm" trong năm 2014?

TRÌNH TIÊU thực hiện