Lao động thế giới hướng về Mỹ và Châu Âu

Quốc tế - Ngày đăng : 07:05, 22/10/2014

Người lao động trên khắp thế giới sẵn sàng cho những cuộc di cư sang nước khác để tìm việc làm.
Lao động thế giới hướng về Mỹ và Châu Âu

Người lao động trên khắp thế giới sẵn sàng cho những cuộc di cư sang nước khác để tìm việc làm.

Đọc E-paper

Theo khảo sát trực tuyến được Boston Consulting Group (BCG) thực hiện trong nửa đầu năm 2014 với sự tham gia của 106 công ty sản xuất có trụ sở đặt tại Mỹ cho thấy: các nhà sản xuất lớn dường như đang có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc trở lại Mỹ, và tỷ lệ tăng lên mức 48% trong các công ty có doanh thu hằng năm lớn hơn 10 tỷ USD.

Ngược lại, 5 nền kinh tế từng được coi là những "công xưởng" của thế giới trong mấy thập niên vừa qua lại đang chịu nhiều áp lực, đó là Trung Quốc, Brazil, Nga, Ba Lan và Czech. Tháng 8/2014, General Motors đã chuyển bộ phận quốc tế của tập đoàn này sang Singapore.

Theo sau General Motors, Công ty nông nghiệp Archer Daniels Midland, Tập đoàn IBM... cũng chuẩn bị đưa nhân sự và cơ sở hạ tầng ra khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia bắt đầu chú ý đến Đông Nam Á, khu vực cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng kinh tế châu Á. Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang tăng tốc đổ vốn vào Đông Nam Á.

Song song đó, một số quốc gia Đông Nam Á đã mở rộng chính sách ưu đãi trong sử dụng đất và các tiện ích cho đầu tư nước ngoài.

Việc dịch chuyển của các "công xưởng thế giới" không phải là một xu hướng nhất thời mà là một trào lưu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế toàn cầu sau hai thập niên phát triển trong mô hình "thế giới phẳng".

Trong khi đó, một cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 200.000 người ở 189 quốc gia, cũng do Boston Consulting Group thực hiện, cho thấy: gần hai phần ba số người được hỏi sẽ làm việc ở nước ngoài và một trong năm người trong số này đã thực hiện được kế hoạch của họ. Hầu hết người được hỏi ở độ tuổi 20-50, có trình độ từ đại học trở lên.

Trong một số trường hợp, kết quả này không đáng ngạc nhiên. Chẳng hạn, trong cuộc xung đột ở Pakistan, 97% số người được hỏi nói rằng sẽ rời khỏi đất nước để tìm kiếm việc làm. 94% muốn được làm việc tại những nền kinh tế ổn định và thịnh vượng như Hà Lan; con số tương tự hướng về Pháp.

Nhưng tại Mỹ, chỉ có một phần ba số người được hỏi muốn làm việc tại nước khác; tại Anh và Đức, con số này là 44%. Mặc dù vậy, giới trẻ ở hầu hết các nước cởi mở hơn trong vấn đề tìm việc làm ở nước ngoài. Có đến 59% người trẻ ở độ tuổi đôi mươi tại Mỹ nói rằng họ sẽ sang một nước khác làm việc.

Dẫn đầu danh sách các nước được người lao động yêu thích chuyển tới nhất là Mỹ với tỷ lệ 42%, tiếp theo là Anh và Canada. Nhưng khi được hỏi về một thành phố đáng lựa chọn nhất thì London dẫn đầu với 16% so với 12,2% của thành phố New York.

Không ai muốn làm việc nhiều ở Trung Quốc hay các nước châu Á khác, vì rào cản ngôn ngữ là trở ngại chính. Báo cáo cho rằng các chính phủ trong tương lai sẽ cần phải làm nhiều hơn để xây dựng thành phố hấp dẫn với các dịch vụ công cộng tốt, nếu không sẽ phải gánh hậu quả "chảy máu chất xám".

Công nhân lành nghề cũng cần phải nhận ra rằng họ đang phải cạnh tranh với những đối thủ đến từ nước ngoài có kỹ năng tốt hơn. Trong khi đó, theo Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder, triển vọng kinh tế không chắc chắn và chính sách chưa đủ tầm đã làm yếu tổng cầu, kiềm chế đầu tư và thuê mướn.

Điều này đã kéo dài quá trình tụt dốc của thị trường lao động ở nhiều quốc gia, tạo việc làm suy giảm và gia tăng thời gian thất nghiệp, ngay cả ở một số nước trước đây vốn có tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường lao động năng động.

Trong tương lai không xa, dự báo mức độ hồi phục kinh tế toàn cầu không đủ mạnh để giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp, và số lao động tìm việc sẽ tăng lên hơn 210 triệu người trong vòng 5 năm tới.

HÀ CÚC