"Công Kim chi" và giấc mơ nông trại Việt
Start up - Ngày đăng : 03:32, 22/10/2014
Phải đến lần thứ ba khởi nghiệp, Lê Hồng Công mới tìm được con đường cho mình. Sự bền bỉ và chịu khó đã dẫn đường cho chàng trai người miền Trung này đến với thành công dẫu kinh doanh trong lĩnh vực không thuộc chuyên môn của mình.
Khi nói về quá trình học tập của mình, Lê Hồng Công, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Linh Như, thường khiến người nghe ngạc nhiên. Học chuyên lý nhưng khi bước vào đại học, Công lại chọn ngành công nghệ thông tin, lĩnh vực Công gặp bất lợi nhiều nhất.
"Ngày đó "ngán" môn tin học quá nên phải chọn ngành công nghệ thông tin để tạo áp lực khắc phục nhược điểm của bản thân, vừa để có một cái nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường", Công giải thích.
Áp lực của kỳ thi đại học có tác dụng thật. Công chinh phục được môn học gây khó cho mình, đường hoàng bước chân vào đại học rồi dần dần tiến đến việc thành lập Câu lạc bộ Thủ khoa Việt, một trung tâm dạy kèm do thủ khoa các trường đại học đảm nhận.
Hồng Công kể, dự án này xuất phát từ việc anh có nhiều "đơn đặt hàng" trong những ngày dạy kèm kiếm tiền trang trải cuộc sống xa nhà. Thuê mặt bằng, mở trung tâm, quy tụ được đội ngũ các thủ khoa làm việc cho mình nhưng Công vẫn thất bại.
"Tầm nhìn ngắn đã khiến tôi thất bại. Dịch vụ này chỉ kinh doanh được vào mùa thi. Thời gian còn lại, ngắn không đủ nuôi dài", Công chia sẻ.
Thất bại nhưng qua đó Công rút ra được nhiều bài học, đủ để lần khởi nghiệp thứ hai "không chết từ trong trứng". Năm 2013, Công quyết định thôi làm thuê cho một công ty nước ngoài, về quê, xây dựng hệ thống nhập khẩu và phân phối các mặt hàng của Thái Lan cho thị trường TP.HCM.
Quyết định này xuất phát từ việc chàng trai này nhận biết được chất lượng cũng như độ phủ của các mặt hàng tiêu dùng nhanh của nước bạn ở thị trường Quảng Trị. Tìm được nguồn cung cấp lẫn nhà bán lẻ, Công nhanh chóng xây dựng hệ thống phân phối.
Đáng tiếc, nguồn hàng không ổn định, khả năng gánh công nợ lại giới hạn nên một lần nữa Công thất bại. Công cho biết: "Nếu như cố gắng, có lẽ sẽ không đến mức phải dẹp hoàn toàn hệ thống phân phối. Đến tận bây giờ vẫn có người đặt hàng nhưng tôi quyết định từ bỏ”.
Lý do dẫn đến quyết định này, theo Hồng Công, là dẫu có thành công thì vẫn chỉ là người làm dịch vụ, trong khi ước mơ của Công là xây dựng một thương hiệu gắn liền với nghiệp nông gia.
Đường đến ước mơ
Gói ghém thất bại, Công tìm sự bình yên tại quê nhà, nơi có mẹ già và cũng là người Công có thể sẻ chia mọi buồn vui. Cũng như Công, thanh niên trong làng đi xa lập nghiệp cả, chỉ còn các bà, các mẹ trụ lại đất quê. Qua tìm hiểu Công mới biết Quảng Trị quê mình giờ là vùng chuyên xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, làm nghề giúp việc.
Cả xóm có đến 5, 7 chị đã từng sang xứ Hàn làm việc. Trong câu chuyện với người từng tha hương, chàng trai này bất ngờ khi biết được khái niệm "nghìn năm kim chi" nơi nước bạn.
"Văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc không còn xa lạ với người Việt, kim chi sẽ là mặt hàng có thể kinh doanh tốt nếu biết làm khác những thương hiệu đã có mặt trên thị trường", Công tự nhủ như thế rồi vừa đi học nghề, vừa dốc cạn số vốn liếng, mượn thêm tiền của gia đình để đầu tư vào nhà xưởng, hiện thực hóa ước mơ bằng việc cho ra đời thương hiệu Kings KimChi.
Định hướng chuỗi sản phẩm thực phẩm sạch và an toàn, Công đều lấy từ nguồn rau củ đạt chuẩn EuroGAP và MetroGAP trong nước. Riêng ớt bột, Công phải nhập từ Hàn Quốc.
Ngoài tuyển dụng những chị giúp việc đã được chính người bản xứ dạy làm Kim chi truyền thống, đồng thời tìm đến Viện Nghiên cứu kim chi Quốc tế Hàn Quốc để có những kiến thức tốt nhất, cách làm khác của Công chính là bán hàng trực tiếp.
"Một mặt, tôi cố gắng đưa hàng vào kênh bán hàng đắc dụng nhất hiện nay là siêu thị, mặt khác, tôi chọn cách chăm chút khách hàng cá nhân, là những người đến với Kings KimChi thông qua trang bán hàng trên mạng", Công tiết lộ.
Không chỉ bán hàng tận nơi, Kings KimChi xem khách hàng cá nhân là nguồn ý kiến phản hồi quý giá nhất nên thường xuyên gọi điện thăm hỏi và lắng nghe họ góp ý.
Cách làm này giúp Công có được nguồn khách hàng thân thiết, dài hạn. Công cho biết, trong hơn 300 khách hàng cá nhân Kings KimChi có được hiện nay, có những người tiêu thụ còn hơn số lượng bán hàng của một siêu thị mini.
Hiện, 5 loại kim chi của Kings KimChi đã có mặt tại các hệ thống siêu thị như Maximark, Citimart, Văn Lang, Lê Thành, Satra... và hơn 30 nhà hàng. Kings KimChi cũng là một trong 2 công ty sản xuất kim chi đầu tiên tại Việt Nam có chứng nhận HACCP.
Làm nên thành công này là một bộ máy nhân lực khá tinh gọn, cả bộ phận sản xuất và kinh doanh chỉ có 10 nhân viên, tất cả đều còn rất trẻ. Công cho biết, có thể dùng thành công của Kings KimChi làm nền tảng hướng đến mục tiêu lớn lao hơn: có một nông trại riêng và sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cho nông sản Việt.
>Tình yêu với nấm
>Cử nhân Pháp ngữ thành giám đốc sản xuất inox
>Hành trang đổi đời