Hạ lãi suất, tín dụng có tăng?

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:10, 04/11/2014

Mục đích của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quyết định giảm trần lãi suất huy động và cho vay là để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, quyết định này mang tính tái khẳng định chủ trương hơn là tác động trực tiếp lên việc cho vay ở các NH.
Hạ lãi suất, tín dụng có tăng?

Mục đích của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quyết định giảm trần lãi suất huy động và cho vay là để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, quyết định này mang tính tái khẳng định chủ trương hơn là tác động trực tiếp lên việc cho vay ở các NH.

Đọc E-paper

Đồng loạt giảm lãi suất

Trong buổi họp báo chiều ngày 28/10, bà Nguyễn Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, từ 29/10, NHNN chính thức điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn (dưới 6 tháng) đối với 5 đối tượng ưu tiên (theo Thông tư 08/2014/TT-NHNN) từ 8%/năm xuống 7%/năm, trần lãi suất cho vay trung và dài hạn là 10%/năm.

Trần lãi suất tiền gửi VND kỳ ngắn hạn giảm từ mức 6%/năm xuống mức 5,5%/năm. Trần lãi suất huy động USD giảm từ mức 1% xuống còn 0,75%/năm. NHNN sẽ giữ nguyên các lãi suất chính sách chính (tái cấp vốn, chiết khấu, và chiếu khấu giấy tờ có giá) cho đến hết năm nay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là tín hiệu tích cực, được kỳ vọng giảm áp lực vay cho doanh nghiệp (DN), khơi thông tín dụng. Theo số liệu của NHNN, tính đến 24/10, cho vay toàn hệ thống mới chỉ tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm 2014, các NH mới chỉ đi được 2/3 chặng đường.

Từ nhiều tháng qua, các NH đã tìm nhiều cách để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Trong đó, giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm lãi suất cho vay là một trong những biện pháp được triển khai rộng rãi.

Đơn cử, 4 NHTM gốc quốc doanh lớn là Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV (chiếm khoảng 60% thị phần tiền gửi huy động hiện nay) đã giảm lãi suất huy động về các mức thấp hơn mức 5,5%/năm trong hơn tháng qua. Như Agribank hạ sâu lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng về mức 4,3%/năm.

Ở khối NH TMCP, lãi suất thấp nhất thuộc về VIB ở mức 5%/năm. Nhìn chung, mức lãi suất huy động trung bình hiện nay được các NH áp dụng từ 5% - 5,5%/năm.

Đây là mức điều chỉnh giảm thứ 3 sau các đợt hạ lãi suất huy động vào tháng 3 và tháng 6 năm nay. Điều đáng mừng là dù liên tục giảm lãi suất huy động nhưng đến 24/10, huy động vốn ở các TCTD vẫn tăng 11,88% so với cuối năm 2013.

Trong đó huy động vốn bằng VND tăng 13,17%, chủ yếu ở khu vực dân cư. Theo NHNN, tốc độ huy động này cho thấy gửi tiền vào hệ thống NH vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân.

Tín dụng khó tăng

Cùng với giảm lãi suất huy động, các NH đã giảm lãi suất cho vay. Báo cáo giữa tháng 10 của NHNN cho biết, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9-10%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 10-15%/năm đối với cho vay trung dài hạn.

Thậm chí báo cáo của NHNN còn nói rằng, lãi suất của các khoản vay cũ cũng được TCTD tích cực giảm. Đến cuối tháng 8/2014, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,3% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,3% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.

Tuy nhiên, khi so sánh, chênh lệch giữa lãi gởi huy động với lãi cho vay vẫn phổ biến ở mức 4 - 5%. Nghĩa là dù lãi suất huy động giảm về dưới 5%/năm, lãi cho vay sản xuất thông thường chưa thể thấp hơn con số 9 -10%/năm- một mức lãi suất mà theo ông Nguyễn Trí Hiếu vẫn còn cao. "Để (DN) phát triển tốt thì lãi suất cho vay phải về mức 7%/năm", ông Hiếu nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch cũng từng kêu gọi các NHTM cố gắng thu hẹp chênh lệch giữa hai mức lãi suất xuống còn khoảng 2,5-3% để tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho vay. Tuy nhiên, với quy mô tín dụng gần 3 triệu tỷ đồng, nếu lãi suất cho vay giảm thêm khoảng 2% thì lợi nhuận từ NH sẽ sụt giảm đáng kể, nhất là khi lợi nhuận từ lãi vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cân đối lợi nhuận.

Chưa kể, các NH cần duy trì chênh lêch lãi suất cao giữa đầu vào – đầu ra để giảm rủi ro từ các mảng như cho vay tiêu dùng. Công ty Chứng khoán HSC nhận định "Mức lãi suất cho vay đã chạm đáy từ quý 2/2014". Nghĩa là khó kỳ vọng mức lãi cho vay sẽ được giảm thêm.

Trong khi đó, ở góc độ người đi vay, khả năng sinh lời của các DN đang ngày càng thấp. Tính đến cuối tháng 6/2014, trong khi tổng doanh thu của toàn bộ DN niêm yết tăng 11,47% thì mức lợi nhuận lại sụt giảm 7% so với cùng kỳ năm 2013, cho thấy biên lợi nhuận của các DN đã có phần thu hẹp.

Các DN còn phải hy sinh lợi nhuận cho mục tiêu giải phóng hàng tồn và dự phòng rủi ro. Thậm chí, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 9 tháng năm 2014, có 213.000 DN, chiếm 68,6% DN nộp thuế kê khai thua lỗ. Cùng thời gian này, con số DN phá sản và tạm dừng hoạt động còn cao hơn số lượng DN đăng ký mới.

Trong bối cảnh đó, mức lãi suất cho vay 9 -10%/năm trong ngắn hạn và 10-15% trong trung dài hạn được nhìn nhận là vẫn đang gây khó khăn DN. Nhưng đó chưa phải là trở ngại lớn nhất. Theo các DN, vấn đề nằm ở chỗ khi có nhu cầu, nhiều đơn vị không thể tiếp cận được vốn vay.

Do suy thoái kinh tế kéo dài, DN không còn đủ nguồn lực để đáp ứng các tiêu chí thẩm định ngày càng siết lại từ phía NH. Đó cũng là lý do dù các NH còn nguồn tiền cho vay dồi dào, liên tục triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi thì tín dụng vẫn chưa thể mở rộng.

Ngân hàng HSBC dự báo, dù có những kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc trong 2 tháng còn lại của năm 2014 nhưng tăng trưởng tín dụng trong năm nay và cả năm sau chỉ có thể đạt khoảng 10%, khó có thể đạt mức 12-14% như kế hoạch đề ra.

NGỌC THỦY