Kinh doanh sách sẽ thay đổi cấu trúc

Du lịch - Ngày đăng : 03:48, 05/11/2014

Việc tái cấu trúc ngành kinh doanh xuất bản là thật sự cần thiết, bởi ngành xuất bản với cấu trúc hợp lý mới thực hiện tốt vai trò cung cấp tri thức cho phát triển.
Kinh doanh sách sẽ thay đổi cấu trúc

Sự phát triển của đất nước không thể thiếu vấn đề tri thức. Chính vì thế, ngành xuất bản đóng vai trò vô cùng quan trọng, là kênh cung cấp tri thức phục vụ phát triển đời sống mỗi cá nhân và định hình sự phát triển xã hội. Việc tái cấu trúc ngành kinh doanh xuất bản là thật sự cần thiết, bởi ngành xuất bản với cấu trúc hợp lý mới thực hiện tốt vai trò cung cấp tri thức cho phát triển.

Đọc E-paper

Vấn đề là ngành xuất bản sẽ được tái cấu trúc theo hướng nào? Những người hoạt động trong ngành cho rằng ngành xuất bản sẽ có sự hội tụ và phân kỳ trên cả ba thành tố chính của ngành công nghiệp này bao gồm: người bán sách, người xuất bản sách và người viết sách.

Về phía người bán sách, sự hội tụ thể hiện ở việc sẽ hình thành những trung tâm phân phối sách lớn như FAHASA. Giống như ngành công nghiệp cà phê, những quán cà phê nhỏ lẻ sẽ nhường vị trí dẫn dắt thị trường cho những chuỗi cà phê lớn có thương hiệu. Những cửa hàng bán sách nhỏ lẻ như hiện nay sẽ dần nhường thị phần cho những chuỗi nhà sách lớn.

Sẽ hình thành những thương hiệu chuỗi nhà sách mới giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người tiêu dùng và người sản xuất sách. Từ chợ cóc thành trung tâm thương mại, từ cửa hàng bán quần áo vỉa hè tới cửa hàng thời trang lớn trong siêu thị là những xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ, và ngành bán sách không thể là ngoại lệ.

Tuy vậy, sự phân kỳ vẫn tồn tại. Sẽ vẫn có những nhà sách nhỏ tồn tại nếu họ tìm ra được một phong cách hay chiếm được một lợi thế đặc biệt để cạnh tranh với các thương hiệu lớn.

Về phía người xuất bản sách, tức các nhà xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản tư nhân, sự hội tụ thể hiện ở việc sẽ hình thành những đơn vị xuất bản thật sự lớn. Xuất bản sẽ dần trở thành cuộc chơi của hai đơn vị lớn (Big2), bốn đơn vị lớn (Big4), hoặc sáu đơn vị lớn (Big6). Với tính chất năng động và động lực cao hơn, các đơn vị liên kết xuất bản tư nhân sẽ đóng vai trò dẫn dắt này, theo xu hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa hơn.

Sẽ không có những nhà xuất bản tổng hợp mà dần định hình những đơn vị tư nhân lớn chi phối từng mảng thị trường, ví dụ đơn vị lớn xuất bản sách văn học, đơn vị lớn xuất bản sách thiếu nhi, đơn vị lớn xuất bản sách kinh doanh. Hội nhập với quốc tế sẽ làm cho các đơn vị này lớn mạnh hơn nữa, sẽ hình thành những liên minh liên kết hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế.

Từ những hợp tác nhỏ lẻ như mua một số bản quyền sẽ dẫn tới hợp tác chặt chẽ thành một chương trình lớn giữa các đơn vị trong nước và nước ngoài. Xa hơn nữa, đơn vị xuất bản trong nước có thể mua thương hiệu nước ngoài. Tuy vậy, sự phân kỳ cũng vẫn tồn tại khi sẽ có những đơn vị xuất bản rất nhỏ, đi sâu vào một mảng thị trường đặc thù nào đó, ví dụ sẽ có những đơn vị chuyên sản xuất sách nói hay bài tarot.

Về phía các tác giả sách, xu hướng chung là xuất hiện ngày càng nhiều các tác giả viết nhiều thể loại sách đa dạng.

Tuy vậy, nguyên tắc hội tụ và phân kỳ vẫn đúng. Hội tụ là hình thành những tác giả lớn, sống và giàu có được bằng nghề viết sách nhờ thái độ làm việc chuyên nghiệp. Đây là xu thế chung của cả thế giới và nhìn chung, các tác giả Việt Nam đang dần hiện đại hóa để đi theo xu hướng chung này.

Nhiều sách bán chạy nhất trong tương lai sẽ thuộc về các tác giả trong nước, và quan trọng hơn, sẽ có nhiều hơn tác giả trong nước viết sách non-fiction (sách phi hư cấu) chứ không chỉ viết tiểu thuyết hư cấu. Sự phân kỳ thể hiện ở việc sẽ hình thành những tác giả viết những thể loại sách hết sức chuyên biệt, không dành cho đại chúng nhưng vẫn có chỗ đứng trong thế giới sách.

Xu hướng hội tụ và phân kỳ thể hiện ở trong ba thành tố chính của ngành xuất bản như đã nói ở trên là tất yếu. Vấn đề là xuất bản Việt Nam không thể đi nhanh quá, nhưng cũng không thể đi chậm quá trên tiến trình này. Đi nhanh quá sẽ phá vỡ cấu trúc hiện nay, nhưng đi chậm quá, toàn xã hội sẽ bị thiệt.

Nhiệm vụ của toàn bộ những “người chơi” trong cuộc chơi xuất bản là nỗ lực để thúc đẩy nền xuất bản hiện tại theo xu hướng tất yếu nói trên. Cơ quan quản lý nhà nước điều phối để toàn bộ sân chơi tuân thủ đúng luật pháp, tăng cường tính nghiêm minh của sở hữu trí tuệ để các nhà xuất bản không bị thiệt thòi. Độc giả điều chỉnh hành vi mua hàng để thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.

Các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân và các chuỗi nhà sách đóng vai trò quan trọng nhất, nỗ lực thúc đẩy ngành xuất bản theo cấu trúc mới, đáp ứng nhu cầu của người dân và phù hợp với động lực của chính bản thân họ.

BÌNH NGUYỄN/DNSGCT