Sáng tạo cho đảo xa

Start up - Ngày đăng : 04:15, 05/11/2014

Mô-đun hậu cần nổi - Nâng cao chất lượng cuộc sống của chiến sĩ đảo xa" là tên dự án do Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) đặt hàng một nhóm 9 bạn trẻ thực hiện.
Sáng tạo cho đảo xa

"Mô-đun hậu cần nổi - Nâng cao chất lượng cuộc sống của chiến sĩ đảo xa" là tên dự án do Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) đặt hàng một nhóm 9 bạn trẻ thực hiện.

Đọc E-paper

Dự án này xuất phát từ sự quan sát và cảm nhận khó khăn do thời tiết gây ra của các chiến sĩ đóng tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Vì thời tiết khắc nghiệt, việc trồng rau ở đây rất khó khăn, nhất là ở các đảo chìm.

Vào những ngày mưa bão, sóng to gió lớn, các khoảnh vuông trồng rau phải được che kín bằng đủ các loại phông bạt hoặc đem hẳn vào nhà để tránh nước biển xâm nhập.

Công trình của 9 tác giả trẻ này kế thừa và phát triển mô hình nhà nổi thông minh chống lũ từng được lắp đặt thành công tại tỉnh An Giang. Bắt tay vào thực hiện từ tháng 7, mô-đun hậu cần nổi có cách thức hoạt động tương tự như nhà lồng nổi trên tàu phao hai chân (Pontoon + boat).

Hai phao này còn có chức năng định hướng giúp cả hệ thống có thể di chuyển dễ dàng để tránh bão, khác hẳn với các nhà lồng bè vốn được cố định nên không thể di chuyển tránh lũ.

Để mô-đun có thể giữ thăng bằng trong điều kiện sóng biển đánh, nhóm thiết kế thêm hai bình chứa hệ cân bằng nổi đặt cạnh hai phao, có khả năng tự động bơm nước qua lại để cân bằng khi bị sóng biển "nhồi" nghiêng một bên. Hệ thống phao nổi này có mức nâng trên 6 tấn, có thể chịu được bão cấp 6 và sóng biển cao trên 2m.

Phần quan trọng nhất của mô-đun này là hệ thống nhà giàn dài 6m, mỗi chiều rộng và cao là 3m, chia làm hai khu vực trồng rau và chăn nuôi gia cầm, toàn bộ làm bằng inox 304 không gỉ, cường độ cao. Trên mái vòm còn lắp đặt bộ phận chưng cất nước ngọt có thể tận dụng ánh nắng mặt trời qua các hệ thống tăng cường nhiệt độ để nước bay hơi và ngưng tụ.

Hỗ trợ cho bộ phận này còn có các cánh cửa có thể bung mở hứng nước mưa, dẫn xuống các khe rãnh để đưa vào các thùng chứa với khối lượng tối đa lên đến 2 tấn. Khi các cánh cửa này mở ra, mô-đun trông như một đóa hoa sen nở giữa biển. Lượng nước thu được sẽ sử dụng để tưới rau thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.

Theo Quang Vinh, một thành viên trong nhóm thiết kế, tổng giá thành của mô-đun khi sản xuất thực tế ước tính khoảng 250 - 300 triệu đồng, nhưng nếu nhân rộng ra có thể giảm đáng kể chi phí sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải lại nằm ở việc thực hiện kết cấu cơ khí chế tạo chính xác tại Việt Nam có giá thành cao và chất lượng không tốt.

Sau hơn 3 tháng nghiên cứu và chế tạo, mô-đun hoàn chỉnh 1/5 version 2.0 của dự án, nhận được đánh giá rất cao từ các thầy cô trong trường và trong buổi báo cáo nghiệm thu giai đoạn đầu với Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ.

Từ đây đến khi mô hình được thi công thực tế, nhóm sẽ tiếp tục cải tiến để đạt trạng thái hoàn hảo nhất cả về thiết kế lẫn vận hành trước khi bàn giao cho các đơn vị để đem ra Trường Sa.

>Nhà sáng chế bắt tay doanh nghiệp
>Máy bán nước tự động thương hiệu Việt
>
Sản xuất xe hai bánh tự cân bằng
>Chiếc máy làm móc

LẠC LÂM