Tranh sơn dầu và chặng đường 30 năm
Đời thường - Ngày đăng : 08:16, 11/11/2014
Một bộ sưu tập tranh sơn dầu được Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sưu tầm trong gần 30 năm qua đang được trưng bày cho công chúng thưởng lãm (tại 97A Phó Đức Chính, Q.1) và sẽ kéo dài đến hết tháng 1/2015. Triển lãm giới thiệu 140 tác phẩm với các tác giả thuộc nhiều thế hệ, nhiều nguồn xuất thân và khá đa dạng về phong cách tạo hình.
Được chính thức thành lập từ năm 1987, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực làm giàu hiện vật của mình, trong đó có các tác phẩm hội họa, mà từ buổi đầu vốn liếng ấy gần như không đáng kể.
Con đường các tác phẩm đến với bảo tàng
Theo trình bày của chính bảo tàng, bộ sưu tập tranh sơn dầu và rộng ra là toàn bộ hiện vật của bảo tàng được hình thành bằng ba phương thức:
Thứ nhất là từ kinh phí được thành phố cấp thường xuyên và đột xuất (chẳng hạn khi mua bức tranh sơn mài Vườn xuân Trung – Nam – Bắc và toàn bộ phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí) mà điều đáng mừng là khoản kinh phí này đã tăng đáng kể từ năm 2008 đến nay.
Thứ hai là được các cơ quan, đơn vị khác bàn giao theo đề xuất của bảo tàng với lãnh đạo thành phố do các hiện vật phù hợp với chức năng của một bảo tàng mỹ thuật; và cuối cùng là qua sự hiến tặng của các họa sĩ hay gia đình họa sĩ hoặc từ các nhà sưu tập, các nhà hảo tâm.
Khởi đầu từ bức tranh sơn dầu Em tôi của họa sĩ Nguyễn Sáng được một mạnh thường quân tặng vào năm 1990, tới nay bảo tàng đã có một danh sách khá dài những tác phẩm được hiến tặng, gần đây nhất là loạt tranh sơn dầu rất quý của cố họa sĩ Việt kiều Võ Lăng, được gia đình ông đưa từ Pháp về trao tặng.
Cũng theo trình bày của bảo tàng, mười năm đầu tiên 1987-1997 là giai đoạn khó khăn nhất đối với bảo tàng mỹ thuật này, bởi đây cũng là khoảng thời gian cả nước vừa thoát khỏi cơ chế bao cấp, kinh phí cấp cho bảo tàng hết sức eo hẹp.
Nhà thờ Đức Bà – Nguyễn Phi Hoanh |
Đã vậy tòa nhà 97A Phó Đức Chính (vốn là “Nhà chú Hỏa” nổi tiếng ở Sài Gòn) cần phải được cải tạo, sửa chữa để phù hợp với công năng của một không gian trưng bày và bảo quản tác phẩm mỹ thuật, do vậy bảo tàng khó có thể tự trang bị cho mình những tác phẩm thật sự tiêu biểu.
Dù vậy, bằng nhiều ngả, nhiều tác phẩm có giá trị của các giai đoạn mỹ thuật hiện đại Việt Nam cũng đã đến được với bảo tàng, trong đó có những bức tranh sơn dầu.
Tiếp đó là giai đoạn 1997-2005, thời kỳ mà trọng tâm công việc sưu tầm của bảo tàng là các tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng, với thuận lợi lớn là đa số các tác giả trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều sống, sáng tác tại TP. Hồ Chí Minh.
Dù vậy, thế mạnh của mảng tranh đề tài này là các ký họa chiến trường, được vẽ bằng bút sắt, chì than, màu nước… hơn là tranh vẽ với chất liệu sơn dầu, trong đó khá nhiều được các họa sĩ dựng lại từ các ký họa.
Hơi thở cuộc sống (7) – Nguyễn Quang Vinh |
Tranh của họa sĩ Sài Gòn trước 1975
Nhờ kinh phí được cấp ngày càng khá hơn nên vài năm gần đây bảo tàng có thể chủ động tìm kiếm những tác phẩm cần thiết cho bộ sưu tập sơn dầu của mình, mà một trong những thành quả đáng kể là mảng tranh sơn dầu của các họa sĩ Sài Gòn của giai đoạn 1954-1975.
Cô gái Trường Sơn – Ca Lê Thắng |
Dù bộ sưu tập này vẫn đang trong giai đoạn cần được bổ sung, nhưng đây là một nét độc đáo của bảo tàng, bởi sự đa dạng về ngôn ngữ tạo hình, sự phong phú về đề tài, sự tiếp xúc với những trào lưu mỹ thuật phương Tây của hội họa Sài Gòn trước 1975.
Xu hướng này đã giúp cân bằng với mảng tranh được diễn đạt chủ yếu bằng ngôn ngữ hiện thực, với các đề tài có phần nghiêng về chính trị – xã hội của các tác giả xuất thân từ miền Bắc, hoặc các họa sĩ mà tên tuổi nổi lên từ hai cuộc kháng chiến.
Cây cầu – Võ Lăng |
Tuy nhiên cũng dễ nhận thấy khá nhiều bức tranh sơn dầu của các họa sĩ Sài Gòn có trong sưu tập của bảo tàng chưa thật sự là các tác phẩm tiêu biểu của hơn 20 năm ấy.
Chẳng hạn với Nguyễn Trung thì phải nói đến tác phẩm của ông vào những năm 1960, đầu những năm 1970, hay Nguyễn Trung của “thời kỳ cá” tuyệt đẹp những năm 1980, 1990 và đặc biệt là tranh trừu tượng thời gian gần đây của bậc thầy về chất liệu sơn dầu này.
Mùa trăng đẹp – Trương Thị Thịnh |
Bên cạnh đó là các tác giả quan trọng trong Hội Họa sĩ Trẻ của miền Nam với những tác phẩm “nặng ký”, “để đời” của họ. Hay một tên tuổi lớn của hội họa miền Nam là Thái Tuấn thì phải kể đến loạt tranh ông vẽ khi mới từ Hà Nội vào miền Nam năm 1954. Và còn rất nhiều tên tuổi khác mà sự hiện diện của họ trong bộ sưu tập tranh sơn dầu của bảo tàng mới chỉ ở mức tượng trưng.
Dù sao, với những nỗ lực của tập thể bảo tàng, nhất là những người lãnh đạo đương nhiệm hiện nay, công việc sưu tầm tác phẩm của hội họa Sài Gòn trước 1975 đã là một thành tựu đáng ngợi ca.
Sau cơn bão – Nguyễn Quỳnh |
Ông và cháu – Văn Đen |
Ra đồng – Nguyễn Siên |