Văn hóa châu Phi ở Sài Gòn

Đời thường - Ngày đăng : 07:22, 12/11/2014

Quyết định đem một nét tinh túy nhất của văn hóa châu Phi vào trưng bày ở TP.HCM, nghệ sĩ Diệp Chí Huy không chỉ mong làm giàu thêm đời sống văn hóa vốn đã khá phong phú của thành phố này, anh còn muốn cái đẹp mình đang say đắm ấy có thể chạm đến và hòa vào đời sống của cư dân.
Văn hóa châu Phi ở Sài Gòn

Quyết định đem một nét tinh túy nhất của văn hóa châu Phi vào trưng bày ở TP.HCM, nghệ sĩ Diệp Chí Huy không chỉ mong làm giàu thêm đời sống văn hóa vốn đã khá phong phú của thành phố này, anh còn muốn cái đẹp mình đang say đắm ấy có thể chạm đến và hòa vào đời sống của cư dân.

Đọc E-paper

Tháng 9/2014, nhạc sĩ Diệp Chí Huy "tái xuất giang hồ”. Từng gây ấn tượng với hai đêm nhạc trình diễn chính tác phẩm của mình, nhưng lần xuất hiện này, Diệp Chí Huy tạm quên vai trò của một nhạc sĩ hay một doanh nhân, giờ anh là một nghệ sĩ say mê văn hóa châu Phi. Anh mang về Việt Nam một bộ sưu tập mặt nạ châu Phi và trống Djembe rất phong phú.

Hỏi nguyên căn, Diệp Chí Huy chỉ cười. Không thành công ở Sài Gòn nhưng việc kinh doanh ở các quốc gia thuộc lục địa đen đã mang đến cho anh những kết quả nhất định. "Chính văn hóa châu Phi và chiếc trống Djembe này đã giúp tôi "làm giàu" tâm hồn mình trong những ngày nơi đất khách", nghệ sĩ chia sẻ.

Mười năm đi về giữa hai lục địa, bộ sưu tập của Diệp Chí Huy ngày một dày lên, cho đến ngày đủ để chia sẻ với nhiều người. Anh cho biết: "Châu Phi là một lục địa có nhiều nét đặc sắc về văn hóa, và chắc chắn chúng ta sẽ không cảm nhận được văn hóa châu Phi nếu không cảm nhận được vẻ đẹp của mặt nạ châu Phi vì chúng là hai khái niệm không thể tách rời nhau".

Mỗi mặt nạ được gắn với những giai thoại riêng. Mặt nạ được dùng trong các cuộc tế lễ, nhảy múa, được xem là hình ảnh gắn liền với văn hóa tâm linh của người dân bản địa.

Để có được mặt nạ truyền thống, những nghệ nhân châu Phi đã chế tác từ nhiều loại gỗ khác nhau. Đó có thể là vẽ hay chạm, khảm kim loại nhưng tất cả đều thể hiện hình ảnh về cuộc sống. Mỗi chiếc mặt nạ thể hiện những đặc trưng khuôn mặt châu Phi và sử dụng trong trang trí nội thất.

"Mặt nạ châu Phi là một tác phẩm tạo hình độc đáo của lục địa đen bởi nó hội tụ được 4 yếu tố: đẹp, tiện dụng, sang trọng và kinh tế. Việc sử dụng chúng để trang trí rất đơn giản, có thể là góc tường, cột, trụ hay cả mảng tường và trong phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc...", nghệ sĩ giải thích. Do vậy, tính tiện dụng và độc đáo của mặt nạ châu Phi có thể chinh phục cư dân TP.HCM dễ dàng.

Riêng Djembe, một loại trống chơi bằng bàn tay (hand drum), vừa là một nhạc cụ, vừa là một tác phẩm nghệ thuật về chạm trổ trên gỗ, lại thích hợp với những người muốn tìm đến thế giới mới hơn của âm nhạc. "Djembe có khả năng tạo ra âm thanh bass tuyệt vời và vô cùng đa dạng. Nhịp điệu thích hợp với nhiều thể loại âm nhạc, nhất là âm nhạc đại chúng đương đại", nghệ sĩ chia sẻ. Mỗi tháng, Diệp Chí Huy biểu diễn Djembe một lần. Cách làm này đã giúp chuyện về những chiếc mặt nạ đến gần hơn với đời sống của những người dân Đà Nẵng.

Thành công ở Đà Nẵng đã tạo động lực để Diệp Chí Huy "Nam tiến". Nghệ sĩ trở lại TP.HCM, tái hiện không gian lẫn văn hóa châu Phi tại showroom AFRIMA & D.FOLA (số 6 Đồng Khởi, Q.1).

Đêm khai mạc, khán giả vừa được thưởng lãm vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc của mặt nạ châu Phi, vừa đắm mình trong những thanh âm của những bộ tộc châu Phi nghìn đời vọng lại qua những chiếc trống Djembe. Sự huyền bí gắn kết với tính gần gũi, đại chúng khiến không gian AFRIMA & D.FOLA trở nên thu hút.

Diệp Chí Huy cho biết, hành trình giới thiệu văn hóa châu Phi trên đất Việt của anh chưa dừng lại. Sau TP.HCM, Hà Nội sẽ là nơi anh đưa mặt nạ và trống Djembe đến với công chúng. Hy vọng, hành trình của người nghệ sĩ đa tài này cũng như tiếng trống Djembe huyền thoại, mạnh mẽ nhưng vẫn đủ sâu lắng sẽ chinh phục được khách mộ điệu của Việt Nam.

ĐOÀN GIA